Báo chí đồng hành cùng Du lịch Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19

NDO -

Nhằm hiểu rõ những khó khăn thách thức với ngành du lịch trong đại dịch và vai trò của truyền thông trong quá trình du lịch phục hồi, sáng 27/11, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp Tổng cục Du lịch tổ chức diễn đàn trực tuyến: “Báo chí đồng hành cùng Du lịch Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19”. 

Các khách mời tham gia diễn đàn tại đầu cầu Hà Nội.
Các khách mời tham gia diễn đàn tại đầu cầu Hà Nội.

Chương trình được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và điểm cầu ở các tỉnh, thành phố.

Tham gia Diễn đàn có đại diện Tổng cục Du lịch và lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Bình, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc; Cơ quan Hội Nhà báo các tỉnh thành phố, Hội Lữ hành Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp Du lịch, Lữ hành và Câu lạc bộ Lữ hành, Câu lạc bộ Báo chí và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham dự chương trình.

Tại tọa đàm, các diễn giả đã thảo luận những khó khăn của ngành du lịch trong 2 năm dịch bệnh, công tác tuyên truyền kích cầu du lịch trong bối cảnh dịch bệnh.

Các diễn giả đều nhấn mạnh, đồng hành cùng với du lịch nước nhà, báo chí đã thực sự trở thành kênh thông tin, giúp các nhà hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước nắm bắt được thực trạng khó khăn của du lịch nước nhà, từ đó có biện pháp chỉ đạo hướng đi phù hợp với tình hình hiện nay. Kết quả này có sự góp sức từ phía các cơ quan báo chí, truyền thông.

Trình bày tham luận tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa khẳng định: Không phải chỉ trong dịch Covid-19 mà từ trước đến nay, báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc thúc đẩy các hoạt động du lịch.

Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của báo chí lại càng quan trọng hơn, báo chí đã luôn song hành, khẳng định, nêu bật được vị trí, vai trò của du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; Giúp du khách thoải mái tâm lý, bỏ qua sự e ngại để đi du lịch ngay khi bước vào trạng thái “bình thường mới”; Thúc đẩy cơ chế chính sách để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của các địa phương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp;… và sâu rộng hơn nữa là góp phần xây dựng, quảng bá, định vị hình ảnh, văn hóa, du lịch, đất nước, con người Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng.

Khi dịch Covid-19 khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, rồi có cơ hội phục hồi, báo chí đã giúp tác động tới nhiều đối tượng, vấn đề khác nhau, hỗ trợ ngành du lịch có thể nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Tại diễn đàn sáng nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng đã bày tỏ những khó khăn đang gặp phải và đề xuất những kiến nghị đến với cơ quan quản lý nhà nước, nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi các hoạt động du lịch trong bối cảnh mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó bao gồm nhiệm vụ tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch. Theo đó, nhấn mạnh vào các giải pháp như: Triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn" phù hợp trong bối cảnh mới tại các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh.

Tổng cục Du lịch cũng đang xúc tiến chương trình truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam "Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn ở Việt Nam" ra thế giới. Để tăng cường hiệu quả cho chiến dịch “Live fully in Vietnam”, Tổng cục Du lịch triển khai tích cực các hoạt động bao gồm: Thiết kế bộ nhận diện; Xây dựng các video clip quảng bá; Quảng bá qua các hình ảnh, bài viết trên các kênh truyền thông quốc tế và trong nước: trang vietnam.travel, các mạng xã hội của Tổng cục Du lịch: Facebook, Instagram, Pinterest, Youtube, Tiktok…