Những “quả mìn” dưới chân ông Biden

Thông điệp cứng rắn của Tehran

Ông Joe Biden sẽ gặp không ít khó khăn với di sản của người tiền nhiệm.
Ông Joe Biden sẽ gặp không ít khó khăn với di sản của người tiền nhiệm.

Những nỗ lực tuyệt vọng của ông Donald Trump cùng những người ủng hộ ông cũng chỉ làm chậm trễ được vài giờ đồng hồ thời điểm chính thức công bố ai là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ trong bốn năm tới. Những người ủng hộ ông Trump tràn vào bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ nhằm ngăn cản quá trình kiểm phiếu đại cử tri chỉ làm ngưng cuộc họp của hai viện Quốc hội Mỹ một thời gian ngắn, sau đó cuộc kiểm phiếu đã tiếp tục và Phó Tổng thống đương nhiệm, ông Mike Pence đã chính thức tuyên bố: Ông Joe Biden sẽ là tân Tổng thống Hoa Kỳ.

Vậy trong nhiệm kỳ sắp tới của mình, ông Biden sẽ phải giải quyết những hồ sơ trọng yếu nào? Ngăn cản dịch Covid-19? Cải thiện quan hệ với Trung Quốc? Quay trở lại với các liên minh?

Một trong những hồ sơ đau đầu nhất đối với ông Biden sẽ là quan hệ giữa Mỹ với Iran. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA cho biết phía Iran đã thông báo sẽ làm giàu uranium lên 20%, vượt xa hạn mức tối đa được phép 3,67%, trong thỏa thuận Vienna năm 2015, thường được biết đến dưới tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Được ký giữa Iran và năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ cùng với Đức (P5+1), thỏa thuận này là một kỳ tích ngoại giao dưới thời Tổng thống Mỹ B.Obama, giúp ngăn chặn việc phổ biến hạt nhân.

Trong bức thư của Iran đề ngày 31-12-2020 gửi IAEA, Tehran thông báo về ý định làm giàu uranium ở tỷ lệ lên tới 20% tại nhà máy ngầm Fordow để phù hợp với một đạo luật gần đây được quốc hội nước này thông qua. Dù không nói rõ khi nào hoạt động làm giàu này sẽ bắt đầu, động thái mới nhất này của Iran cho thấy tình thế cực kỳ nhạy cảm trong những ngày cuối cùng của ông Trump còn ở Nhà Trắng và ông J.Biden sắp chính thức nhậm chức Tổng thống.

“Gây áp lực tối đa”!

Không mấy ai ngạc nhiên về thông báo của phía Iran. Một trong những chính sách then chốt của ông Trump khi bước vào Nhà Trắng là rút Mỹ ra khỏi JCPOA, mà nhiều nhân vật cực hữu trong đảng Cộng hòa coi thỏa thuận đó là “sự phản bội”. Lý do để ông Trump đưa ra quyết định này là JCPOA chỉ đơn thuần tìm cách ngăn chặn nhu cầu hạt nhân của Iran chứ không đủ sức mạnh để loại bỏ nó, cũng như không đề cập đến kho tên lửa của Iran có thể sử dụng để phóng đầu đạn hạt nhân trong tương lai khi những điều khoản trong thỏa thuận hết hạn.

Ngoài ra, một lý lẽ nữa biện hộ cho việc rút Mỹ khỏi JCPOA là thỏa thuận này không đề cập đến việc hạn chế các hành động của Iran ở khu vực Trung Đông, thứ mà ông Trump và những người ủng hộ ông coi là còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân! Có lẽ họ quên (hay cố tình quên) đi một điều JCPOA chỉ là một thỏa thuận liên quan đến những dàn xếp về hạt nhân của Iran chứ không phải một thỏa thuận khung về an ninh mọi mặt, cho dù nó mang một cái tên khá mù mờ là Kế hoạch hành động chung toàn diện!

Sau khi rút Mỹ khỏi JCPOA, Tổng thống Trump đã chuyển sang chính sách “gây áp lực tối đa” với Iran, triển khai những biện pháp trừng phạt thậm chí còn khắc nghiệt hơn trước khi thỏa thuận được ký.

Đương nhiên là phía Iran cũng đâu có nhún nhường để cho Mỹ vừa rút ra khỏi thỏa thuận, trong khi lại vẫn tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm bóp nghẹt nhà nước Hồi giáo. Trong khi tuyên bố tôn trọng phần lớn các điều khoản của JCPOA (chủ yếu do nỗ lực của các nước châu Âu tham gia cùng ký với Iran vẫn muốn duy trì thỏa thuận), Tehran cũng từng bước thận trọng tự giải phóng mình khỏi các cam kết, ràng buộc trong thỏa thuận với thông điệp không thể lầm lẫn gửi tới các đối tác tham gia thỏa thuận này: Nếu các anh không tôn trọng thỏa thuận thì vì sao chúng tôi phải làm thế?

Đến ngày 2-12-2020 vừa qua, Hội đồng giám hộ ở Tehran phê chuẩn một dự luật đã được Quốc hội Iran thông qua, quy định rằng hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân theo yêu cầu trong thỏa thuận JCPOA sẽ chấm dứt nếu Mỹ không nới lỏng đáng kể các lệnh trừng phạt đối với các công ty dầu mỏ và ngân hàng Iran trước tháng 2-2021, đồng thời yêu cầu chính phủ tăng cường làm giàu uranium. Thông báo mới nhất của Iran cho IAEA chính là làm theo dự luật này.

Hai vụ ám sát

Song song với chính sách trừng phạt gắt gao, chính quyền của Tổng thống Trump thậm chí thực hiện những biện pháp cực đoan nhằm vào Iran để thử thách mức độ kiên nhẫn của Tehran. Hẳn chưa ai quên sự kiện cách đây hơn một năm, Tổng thống Trump đã đích thân phê chuẩn vụ không kích ngày 3-1-2020 ở sân bay Baghdad của Iraq, dùng tên lửa dẫn đường bằng laser phóng đi từ máy bay không người lái MQ-9 Reaper giết chết tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Hành động ám sát một viên tướng Iran, người có ảnh hưởng cực lớn không chỉ ở Iran mà ngay cả trên toàn vùng Trung Đông, đã lập tức đẩy quan hệ Mỹ-Iran vào tình trạng căng thẳng tột độ. Ngay sau đó, Iran thề sẽ có hành động quân sự để trả thù cho cái chết của tướng Soleimani.

Cũng gần như ngay lập tức, ông Trump đe dọa quân đội Mỹ sẽ đặt 52 mục tiêu gồm “các địa điểm cấp cao và rất quan trọng đối với Iran cũng như văn hóa của Iran” vào tầm ngắm nếu Tehran dám trả đũa làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ hoặc công dân Mỹ. Đây là con số ứng với số công dân Mỹ từng bị bắt làm con tin trong hơn một năm ở Đại sứ quán Mỹ tại Tehran vào cuối năm 1979.

Đến đêm 7 rạng sáng ngày 8-1-2020, Iran đã bắn nhiều tên lửa vào hai căn cứ có lính Mỹ ở Iraq để trả thù cho tướng Soleimani. Vụ tấn công bằng tên lửa này, một số nguồn tin cho rằng phía Mỹ đã được báo trước nên không gây thương vong nào và cuộc khủng hoảng nhanh chóng hạ nhiệt.

Dẫu vậy, bằng vụ ám sát một viên tướng quyền lực bậc nhất của Iran, ông Trump đã đặt một “quả mìn hẹn giờ” bên dưới bất kỳ một nỗ lực nào của người kế nhiệm nhằm cải thiện quan hệ với Tehran hay đảo ngược quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi JCPOA.

Mà không chỉ có riêng chính quyền của ông Trump muốn gây khó dễ trong vấn đề Mỹ cải thiện quan hệ với Iran. Đến thời điểm gần cuối năm 2020, khi mà ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đã trôi qua gần một tháng, lại một vụ ám sát khác xảy ra, mục tiêu vẫn là một yếu nhân của Iran.

Ngày 27-11-2020, Mohsen Fakhrizadeh, người được cho là nhà khoa học hạt nhân quan trọng nhất của Iran, trên đường đi thăm bố mẹ vợ ở Absard, cách thủ đô Tehran 90 phút lái xe, đã bị ám sát bởi một khẩu súng máy đặt ven đường được điều khiển bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Chưa có một bằng chứng xác thực nào chỉ rõ  người nào đứng sau vụ ám sát này, nhưng cần đặt ra câu hỏi ai là người có lợi nhất trong việc phá hoại quá trình phục hồi quan hệ giữa Mỹ và Iran dưới thời ông Biden?

Những khó khăn chồng chất

Với ông Biden, việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran không chỉ mang tính biểu tượng mà nó còn đánh dấu sự quay trở lại các chính sách đối ngoại bình thường sau một thời gian gián đoạn dưới thời của chính quyền ông Trump. Nó thể hiện quan điểm của ông Biden rằng sẽ không thể có giải pháp nào cho khu vực Trung Đông nếu không giải quyết các vấn đề với Iran.

Khó có thể nghi ngờ mong muốn của ông Biden sẽ tiếp nối những gì ông đã từng theo đuổi khi còn làm Phó Tổng thống dưới thời ông B.Obama. Chỉ có điều đó sẽ là một hành trình vô cùng gian nan.

Những vụ ám sát liên tiếp nhằm vào các yếu nhân của Iran rõ ràng đã gây trở ngại lớn cho ông Biden nếu tân Tổng thống Mỹ muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Thêm vào đó, những đòi hỏi mà ông Biden có thể đưa ra, chẳng hạn như Iran phải tuân thủ hoàn toàn JCPOA bằng việc giảm bớt kho uranium làm giàu ở cấp độ thấp, dỡ bỏ các máy ly tâm tiên tiến ở cơ sở Natanz, dừng các bước đi khác trong việc nghiên cứu và phát triển hạt nhân, chắc chắn khó được phía Iran chấp nhận. Mà nếu không nhận được bất cứ một sự nhượng bộ nào của Tehran thì sẽ rất khó để tân Tổng thống Mỹ đơn phương đưa Mỹ quay trở lại JCPOA.

Đấy là chưa kể Iran đã tuyên bố rằng không có chuyện Mỹ sẽ quay lại JCPOA cứ như thể không có chuyện gì xảy ra trong suốt bốn năm cầm quyền của Tổng thống Trump. Ít nhất, Mỹ phải bảo đảm rằng sẽ không từ bỏ thỏa thuận này một lần nữa trong tương lai. Mà ông Biden không thể đưa ra một sự bảo đảm như vậy bởi nó đồng nghĩa với việc coi JCPOA có hiệu lực như một Hiệp ước theo luật pháp Mỹ, điều mà nhiều nhân vật thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ không đời nào chấp nhận thông qua.

Phải chăng, khi ấy ông Biden sẽ phải trông chờ vào phương cách mà nhiều Tổng thống Mỹ có thể sử dụng mỗi khi đụng phải những vấn đề nhạy cảm và hóc búa ở Trung Đông: Thông qua các kênh bí mật?