Những món nợ đồng lần

Cuộc sống của những “người rơm” ở một cánh rừng nước Pháp.
Cuộc sống của những “người rơm” ở một cánh rừng nước Pháp.

"Chị đi cẩn thận kẻo trượt, đường bùn đấy", ông rậm râu người Pháp vừa gạt cây vừa đưa chúng tôi băng qua những bụi rậm, vào khu rừng thưa nằm không xa quốc lộ để gặp những "người rơm" Việt Nam trong khu lều tồi tàn.

Bên ánh lửa bập bùng, có ba người đàn ông còn trẻ, ngồi co ro bên bếp củi đang sưởi ấm. Thấy tiếng chân chúng tôi, một người chui vào lều, một cậu còn rất trẻ chắc chỉ 20 vội vàng đứng lên lánh sau đống quần áo đang phơi trên cành cây. Ông rậm râu cười nói rổn rảng, vẫn bằng tiếng Việt: "Đây là chị Linh, chị ấy đến để xem có thể giúp gì được các anh em không".

Chắc vì có ông bảo đảm, nên mấy người đàn ông lại sà xuống bếp, xuýt xoa kêu lạnh. Có người chỉ cho ông rậm râu thấy tấm nilon che lều đã bị gió quật rách, hỏi ông liệu có thể xin được ở đâu. Tôi tò mò nhìn đống nồi niêu, can nước sạch chung quanh chỗ họ ngồi, hỏi từ đâu ra, mấy người chỉ ông rậm râu, bảo "ổng" cho.

Đây là lần đầu tiên tôi thật sự đứng trước khu lều của những “người rơm” , những người coi Pháp như một trạm trung chuyển để tiếp tục tìm đường sang Anh, nói đúng hơn là họ đã từng vượt qua nhiều trạm trung chuyển. Trong số họ, người thì đến từ Ukraina, người đến từ Nga, người đến từ Rumanie…và có một số ít người Việt đang tìm đường vượt biển sang miền đất hứa.

Ông rậm râu chỉ đống quần áo được giặt và giăng đầy quanh bếp lửa bảo tôi "chị biết mùa đông nước Pháp rồi, chỗ quần áo này không đủ giúp họ chống cái lạnh của mùa đông châu Âu, nếu trời mưa hay tuyết, họ sẽ khổ lắm".

Ông rậm râu nói thứ tiếng Việt rất lạ, âm giọng không giống miền trung, không giống miền bắc, tuy thế vốn từ khá phong phú. Ông thích trao đổi với tôi bằng tiếng Việt hơn tiếng Pháp, ông bảo để nhớ lại tiếng Việt, thứ tiếng mà ông đã học từ nhiều năm trước ở Việt Nam với bà con nông dân, nơi ông đến làm việc, và quan trọng hơn là để nếu gặp những "người rơm" Việt Nam, ông còn có thể giúp được họ.

Ông kể với tôi về những "người rơm" mà ông đã gặp, ông lo lắng cho họ. Ai đi thoát, ai có thể đã bị bắt. Máy bay trực thăng của cảnh sát Anh và Pháp bay vù vù trên vùng giáp biên, tàu tuần tiễu được tăng cường, máy đo nhiệt của xe tải được tung ra, thoát là hiếm hoi, bắt thì làm sao? nếu không bị bắt thì lang thang thế nào?

Đã từ nhiều thời gian, ông rậm râu và những người bạn trong tổ chức xã hội giúp đỡ người nhập cư dành nhiều thời gian để giúp những người nước ngoài lang thang trong các khu rừng, chờ cơ hội đi tiếp sang nước khác. Trước là vùng đường ống đi qua biển Manche, giờ là cảng vùng Dunkerque. Thông thường người Việt là những nhóm nhỏ, yếm thế hơn so với các cộng đồng châu Phi khác có cùng mục đích. Ít người và yếm thế, lại không thuộc nhóm có mục đích xin tị nạn ở Pháp nên người Việt thường ít giao tiếp, ẩn mình, nằm gai nếm mật trong rừng. Ông rậm râu biết tiếng Việt, lại đã từng sống ở Việt Nam nhiều năm nên họ tin ông, gặp là dám chia sẻ nhờ cậy. Ông rậm râu bảo tôi "tôi thương người Việt Nam nhất vì họ chịu khó, họ không muốn nhờ gì đâu nhưng tôi tự nguyện giúp".

Ông đưa họ đến các tổ chức xã hội xin quần áo giày dép, dặn khi lạnh mà không có ông thì chỉ vào cái áo, hết giày thì chỉ vào chân. Ông đưa họ đi những nơi thân quen để tắm rửa, xin cho họ đồ chống lạnh.

Nhìn cái cách mấy anh em "người rơm" gặp ông là cười nói rổn rảng, cách họ rủ rê ông ở lại ăn bữa cơm với thịt rang mắm, cách ông hẹn họ mai quay lại... thấy những gì ông đang nói và làm, không thể chỉ là trách nhiệm, hay lòng trắc ẩn, nó phải từ một tình cảm thân thương lắm.

Ông bảo tôi "tôi nợ nông dân Việt Nam nhiều lắm, giờ tôi giúp họ là trả nợ đấy".

Nhiều năm trước, ông là chuyên gia cao cấp của Bộ Nông nghiệp Pháp, Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban nông nghiệp, là Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp các vùng nóng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển nông nghiệp của Pháp. Ông bảo tôi những tháng ngày đến Việt Nam làm việc là một quãng thời gian ông rất nhớ. Ông nhớ những người nông dân Việt Nam chất phác ngày ấy, những người đã nấu cơm cho ông ăn, giúp ông hiểu rõ nhất về tình trạng nông nghiệp Việt Nam vùng châu thổ sông Hồng, nhiều tài liệu của ông làm được là nhờ họ.

Ngày hôm nay, những người đang lang thang trong rừng kia, đi theo những giấc mơ ảo vọng nơi xứ người vừa làm ông buồn, vừa làm ông thương cảm. Ông gần họ, nhưng không còn giống như lúc ông gần những người dân chỉ cho ông thế nào là lúa chiêm, lúa mùa, là đồng phèn, đồng rươi.

Những món nợ đồng lần -0
Bữa ăn với ông F.D. 

Tôi không muốn viết tên ông ra đây, vì một lý do đặc biệt liên quan đến nghề nghiệp, đến những phóng sự mà tôi sẽ còn tiếp tục làm, nhưng F.D khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tình cảm của ông dành cho những "người rơm" Việt Nam như ông nói là một món nợ ân tình mà ông muốn trả, vậy món nợ ấy là gì?

Phải chăng là tình yêu đất của những người nông dân Việt Nam bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, những người sinh ra từ đồng ruộng, cả đời gắn bó với đồng ruộng, những người đã chỉ cho ông biết nông nghiệp Việt Nam ra sao, và như ông nhắc lại cho tôi rất nhiều lần "họ tự lo tốt lắm, ở trong rừng thế này mà họ vẫn không muốn nhờ ai đâu. Ngày xưa tôi đi làm với họ ở Việt Nam cũng thế, giáo sư Đào Thế Tuấn cũng bảo tôi, nông dân Việt Nam chịu khó lắm".

Tôi nghĩ đến món nợ ân tình mà giáo sư F.D đã nghĩ mình trả lại cho anh em "người rơm" vì được nhận từ cha mẹ họ. Khối nợ đồng lần ấy được biến thành những tấm bạt nilon, lều nilon, những bữa ăn có thêm ngọn rau, hay những xô nước nóng để tắm.

Tôi cứ thấy tiếc.

Giá những con em nông dân đến từ Quỳnh Lưu, Diễn Châu được ngồi đâu đó ở giảng đường đại học và nhận món nợ đồng lần được trả bằng tri thức chứ không phải đang lang thang lẩn trốn giữa rừng lạnh nước Pháp.

Nợ đồng lần, những món nợ đồng lần...

Những món nợ đồng lần -0
 Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh và giáo sư F.D.