Những mảnh đất được yêu

Chuyện kể rằng người đàn ông ấy đã rời bỏ Paris hoa lệ, đi về phía nam, dừng ở Orleans và xây dựng xứ sở của mình. Xứ sở ấy được vun đắp mấy chục năm, giờ vẫn tiếp tục là một cái tên, một hình ảnh, một triết lý để những người yêu đất, yêu vườn tiếp tục theo đuổi. Trên mảnh đất ấy đã nở hoa nhưng không chỉ là hoa, mà cả những giá trị khác.

Những mảnh đất được yêu

Tại phía nam Paris, đi chưa đến hai giờ lái xe là thành phố Orleans, nơi trong lịch sử của Pháp đã có những vị vua từng ở đó. Orleans xinh đẹp, thanh bình và được phủ bằng nhiều hoa hồng. Hoa hồng do thành phố trồng, hoa hồng trên bệ cửa sổ nhà dân và hoa trong nhiều khu vườn, trang trại rải rác khắp thành phố. Khoảng những năm 80, André Eve bắt đầu xây dựng trang trại của mình ở Orleans. Ban đầu ông chỉ trồng hoa vì thú vui, sau rồi niềm đam mê ấy trở thành một công việc. Bắt đầu từ việc phục hồi lại những giống hồng cổ của Pháp hoặc đến từ Anh, sau nhiều năm nghiên cứu và tận lực cho công việc trồng hồng, André Eve và nhóm cộng sự đã cho ra đời gần một trăm giống hồng được lai tạo. Mỗi giống hồng của André Eve đều gắn liền với một câu chuyện, một lịch sử nào đó. Trong khu vườn của ông, người ta có thể tìm thấy những cây hồng mang tên nghệ sĩ mà ông yêu thích và tạo giống để kỷ niệm. Có hồng Sylvie Vartant (ca sĩ), hồng Chopin (nhạc sĩ), hồng Ingrid Bergman (nghệ sĩ điện ảnh)... ngày hôm nay, nhắc đến André Eve là người vùng Orleans ai cũng biết, họ tự hào vì có ông, vì ông đã chọn vùng đất của họ để đặt chân.

Khác với nhiều người chọn công việc mở trang trại trồng hồng khác ở Pháp, André Eve đã biến khu vườn của ông trở thành một xứ sở của nhiều loại cây khác nữa. Bên cạnh hồng là dương xỉ, là cúc, là cẩm tú cầu, là mẫu đơn và đặc biệt là nhiều loài hoa hiếm, không tên, những loài hoa mà người ta thường coi là hoa dại. André Eve mang nhiều giống hoa ở nơi khác về Pháp và phục hồi cho nhiều giống hoa đã cũ, không còn thời thượng, cho chúng một đời sống mới trong trang trại. Bước vào khu vườn của André Eve, người ta có cảm giác nó mang bóng dáng khu vườn của Monet. Vườn như rừng, hoa nào cũng có chỗ. Hồng là chủ đạo nhưng vẫn khiến những loài hoa khác trở nên có giá khi được đặt đúng vị trí.

Ở Orleans, André Eve đã trở thành phong cách, triết lý cho những người trồng vườn. Một mảnh đất sau nhà cũng thành vườn với đủ loại hoa khoe sắc, một trang trại gia súc cũng có một góc cho hoa hồng và những loài hoa li ti hoang dã. Đất nở hoa, người yêu thiên nhiên hơn và hoa hồng Pháp với những người dân ở vùng không chỉ tượng trưng cho một vẻ đẹp mà nó là câu chuyện về tình yêu với vẻ đẹp của thiên nhiên, với đất.

Đi lang thang ở Pháp, tôi gặp rất nhiều những câu chuyện tương tự như thế này. Những trang trại hoa oải hương, những cánh đồng đào bát ngát, những rừng mận mênh mông, đồi táo trải dài ngút mắt, thậm chí lạ hơn, là những vườn cho ốc sên bò lổm ngổm. Rất nhiều người Pháp từ bỏ thành phố để về nông thôn, bắt đầu một cuộc sống mới bên đất đai. Nếu so sánh nguồn thu nhập ở thành phố với nông thôn thì rất khác nhưng hạnh phúc là thứ mà định nghĩa không chỉ có một.

Pháp là đất nước công nghiệp, nhiều ngành công nghiệp của Pháp được xếp hàng đầu thế giới như sản xuất máy bay, đóng tàu, điện... Công nghiệp của Pháp mang lại việc làm cho hơn bảy triệu người, tương đương với hơn 10% dân số. Hiện tại, có hơn 260.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, mang lại gần 280 tỷ euro cho nước Pháp hằng năm. Có một điều thú vị là nếu như Airbus khiến nước Pháp nổi tiếng về sản xuất máy bay thì lúa mì và các sản phẩm nông nghiệp lại âm thầm mang lại của cải cho nước Pháp, lớn hơn nhiều so với những ngành công nghiệp mà tên tuổi khiến nước Pháp có thể tự hào.

Tính cho đến hiện tại, hơn 52% đất đai của Pháp là dành cho nông nghiệp. Công cuộc giằng co đất đai cho nông nghiệp được diễn ra hằng năm. Một bên là lực lượng sản xuất nông nghiệp, các hiệp hội bảo vệ môi trường và đất đai, một bên là những nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Việc chứng minh rằng đất nông nghiệp đang bị xâm chiếm và biến mất cho những mục đích khác được công khai công bố và tất nhiên, cùng với nó là những quy định mới, luật sửa đổi được ban hành. Nhưng đất, cũng như người, cũng cần được yêu thì mới đơm hoa kết trái. Khó có thể thấy những công cuộc ôm đất, đầu cơ đất một cách đại trà, thành làn sóng ở Pháp. Ngoài những quy định về luật pháp chặt chẽ thì nông dân Pháp cũng yêu đất đai của họ. Điều này có lẽ đến một phần từ lịch sử khi mà những điền chủ với ruộng vườn mênh mông là hình ảnh quen thuộc, ngoài ra đặt nông nghiệp là một ngành trọng điểm của quốc gia, cũng khiến đất được bảo vệ.

André Eve chỉ là một người, còn nhiều người tương tự và trang trại tương tự. Đi những vùng nông thôn ở Pháp, rất dễ dàng có thể gặp những người bỏ phố về vườn. Kỹ sư điện đi lập trang trại ngựa. Nhà nghiên cứu thực vật lập trang trại ốc sên. Cả một cánh đồng nho mênh mông được chăm sóc bởi tiến sĩ vật lý. Đào được trồng bởi người bỏ ngành quản lý nhân sự về với vườn. Sinh viên sử ra trường, về luôn nông thôn để trồng lúa mạch. Cũng không phải bởi đô thị ồn ào và áp lực. Cũng không hẳn bởi cuộc sống nông thôn thanh nhàn, có lẽ bởi đất - những công việc từ đất không khiến người ta sợ và giá trị bền vững của đất đai đã được hiểu.

Nếu chạy xe ô-tô xuyên qua nhiều nước châu Âu, người ta luôn thấy cảnh hai bên đường là những cánh đồng mênh mông ngút ngàn. Người nông dân yêu đất và biến nó thành những cánh đồng đầy mầu sắc. André Eve không chỉ bán hoa hồng cho người quanh vùng hay người Paris về mua, hoa hồng của ông ngày hôm nay đã trở thành một phong cách làm vườn, một trong những chất liệu để ngành du lịch của tỉnh phát triển. Người thành phố khác về Orleans sẽ ghé thăm trang trại của ông và những khu vườn được trồng quanh vùng với phong cách tự nhiên như thiên nhiên mà ông đã theo đuổi.

Những cánh đồng được yêu - đi lang thang ở Pháp tôi luôn nghĩ về khái niệm này. Cũng là một cách yêu đất đai nhưng là cách yêu hiền hòa, bền vững. Dù cũng như nhiều nước khác trên thế giới, thủ đô hay những đô thị lớn luôn chật hẹp, đắt đỏ, tuy thế đất nông nghiệp không bị thu hẹp một cách nhanh chóng. Trong suốt gần 70 năm, tính từ năm 1950 đến năm 2018, quỹ đất nông nghiệp của Pháp bị thu nhỏ từ 63% xuống 52%. 11% ấy được tính gồm đất nông nghiệp bị thoái hóa phải bỏ hoang, đất đô thị, đất dành cho phát triển công nghiệp, đường sá. Như vậy là đất dành cho hoa trái, lúa gạo vẫn khiến người Pháp dành nhiều niềm yêu, vẫn còn nhiều cánh đồng khiến người ta tha thiết và dành cho nó cơ hội được sinh sôi nảy nở.

Đất được yêu theo cách này, nó luôn khiến tôi thấy xúc động. Nhưng đất cũng không phụ người, nông nghiệp Pháp đã đưa kinh tế Pháp đứng thứ hai châu Âu, và là một trong những cường quốc của thế giới.

Đất có phụ đâu.

2_1-1625226758250.jpg
 
2_2-1625226757774.jpg
 “Những cánh đồng được yêu” hiện diện trên khắp nước Pháp.