Năm 2021:

Dấu hiệu tích cực từ môi trường

Từ các khu bảo tồn mới cho đến việc phục hồi tầng ozone, năm qua đã chứng kiến một số xu hướng tích cực trong lĩnh vực môi trường, ngay cả khi nhiều vấn đề còn tồn tại.

Ảnh: SCIENE PHOTO LIBRARY
Ảnh: SCIENE PHOTO LIBRARY

Môi trường toàn cầu năm qua có nhiều thông tin đáng lo ngại. Hơn một triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng, mức độ carbon dioxide trong khí quyển tiếp tục tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu kéo dài. Từ những đợt nắng nóng kỷ lục gây ra cháy rừng ở Siberia (Nga), đến hạn hán khốc liệt ở Nam Mỹ, từ trận lũ lụt tồi tệ nhất ập đến Nam Sudan trong 60 năm qua đến một thị trấn bị lửa thiêu rụi toàn bộ ở miền tây Canada..., rồi nạn dịch châu chấu tàn phá mùa màng ở Đông Phi. Trong khi đó, thế giới vẫn tiếp tục vật lộn với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng có những lý do để cảm thấy lạc quan về một số lĩnh vực môi trường đã “ghi điểm” trong năm qua.

Tầng ozone đang phục hồi

Một trong những vấn đề môi trường chính của những năm 80 của thế kỷ trước là cố gắng ngăn lỗ thủng tầng ozone, vốn bảo vệ hành tinh khỏi tia UV có hại, không bị lớn thêm nữa. Các cuộc biểu tình vì môi trường đã diễn ra và nhiều hội nghị thượng đỉnh về môi trường được tổ chức và có nhiều thay đổi. Theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR): Nhờ có Nghị định thư Montreal năm 1987, một thỏa thuận toàn cầu nhằm cắt giảm gần 100 hóa chất nhân tạo làm suy giảm tầng ozone, 443 triệu người Mỹ sẽ có khả năng không bị ung thư da cho đến cuối thế kỷ này. Hành động toàn cầu thông qua Nghị định thư Montreal đã ngăn chặn hơn 99% các tác động có hại đến sức khỏe tiềm tàng đáng lẽ sẽ xảy ra do phá hủy tầng ozone.

Lỗ thủng trên tầng ozone vẫn còn rất lớn - bằng kích thước của Bắc Mỹ - nhưng nó đang phục hồi với tốc độ từ 1-3% cứ sau 10 năm. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, lỗ hổng trên các phần của bắc bán cầu dự kiến sẽ lành hoàn toàn vào những năm 2030, và phục hồi hoàn toàn trên các vùng cực và bán cầu nam vào những năm 2060. Các nhà bảo vệ môi trường hy vọng thành công tương đối trong phong trào bảo vệ tầng ozone có thể được nhân rộng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

“IVF san hô” cho Rạn san hô Great Barrier 

Cấu trúc sống lớn nhất thế giới này đang bị đe dọa do nhiệt độ nước biển tăng liên quan đến biến đổi khí hậu, là nguyên nhân gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô. Tuy nhiên, năm nay rạn san hô Great Barrier (Australia) đã có một số sự phục hồi. Các nhà khoa học đã sử dụng hồ bơi nhân tạo để nuôi ấu trùng san hô sau khi lấy trứng từ các khu vực rạn san hô đang phát triển rồi đưa đến các khu vực san hô bị tẩy trắng hoặc tàn phá do bão với nỗ lực tái tạo các khu vực đó. Quá trình hỗ trợ sinh sản này được gọi là “IVF san hô”, đã hỗ trợ sự ra đời của hàng tỷ san hô con trong năm nay, đem lại sự bùng nổ mầu sắc dưới đáy đại dương. Rạn san hô vẫn đang đối mặt với những mối nguy hiểm đáng kể, nhưng các nhà khoa học và nhà bảo tồn hy vọng những công nghệ như thế này có thể thúc đẩy sự phục hồi rộng rãi hơn ở các rạn san hô trên thế giới, nơi sinh sống của khoảng 1/4 sinh vật biển. Các quần thể san hô từ thử nghiệm “IVF san hô” đầu tiên của Australia trên rạn san hô Great Barrier bắt đầu vào năm 2016 không chỉ sống sót sau các sự kiện tẩy trắng gần đây mà còn đang trên đà sinh sản và đẻ trứng.

Một nghiên cứu gần đây từ Đại học James Cook cho thấy rạn san hô đã mất hơn một nửa số san hô trong ba thập niên qua và gây lo ngại rằng khó có khả năng phục hồi sau các sự kiện tẩy trắng hàng loạt. Rạn san hô Great Barrier Reef chạy dài 2.300 km ở bờ biển phía đông bắc của Australia, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1981 với tư cách là hệ sinh thái rạn san hô rộng lớn và ngoạn mục nhất hành tinh.

4_1-1643077198410.jpg
 Kiểm tra san hô con tại vùng biển quẩn đảo Heron. Ảnh: SOUTHERN CROSS UNIVERSITY

Gấu trúc khổng lồ không còn “nguy cấp”

Vào tháng 7/2021, Trung Quốc tuyên bố không còn coi gấu trúc khổng lồ, biểu tượng của Quỹ Động vật hoang dã thế giới, là loài có “nguy cơ tuyệt chủng”, và nâng cấp tình trạng của nó lên mức “dễ bị tổn thương”. Hiện tại có hơn 1.800 con gấu trúc vẫn còn trong tự nhiên, một sự cải thiện so với con số 1.100 con vào năm 2000. Trung Quốc cũng công bố thành lập Công viên quốc gia Gấu trúc khổng lồ, một phần của hệ thống các công viên mới trên diện tích lớn gần bằng quy mô của Vương quốc Anh. Các công viên được thiết kế để bảo vệ các loài bản địa như hổ Đông Bắc Trung Quốc, báo Siberia và vượn đen Hải Nam. Việc phân loại lại là kết quả của “điều kiện sống được cải thiện và nỗ lực của Trung Quốc trong việc giữ gìn môi trường sống của chúng”, theo giới chức Trung Quốc. Trung Quốc những năm qua đã có nhiều biện pháp để mở rộng môi trường sống của gấu trúc khổng lồ và trồng lại rừng tre để nuôi chúng.

Quyết định của cơ quan bảo tồn của Trung Quốc được đưa ra 5 năm sau khi Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) loại gấu trúc khổng lồ khỏi danh sách các loài “nguy cấp” và xếp chúng vào loại “dễ bị tổn thương”. Nhiều chuyên gia Trung Quốc vào thời điểm đó đã phản đối quyết định này, cho rằng quyết định đó là sai lầm và sẽ gây ra sự tự mãn ở Trung Quốc, nơi những con vật được coi là quốc bảo.

Tuy nhiên, loài gấu trúc vẫn phải đối mặt với những mối đe dọa lâu dài. IUCN cho biết biến đổi khí hậu có thể phá hủy hơn 35% môi trường sống của tre trong 80 năm tới.

4_3-1643077198473.jpg
 Gấu trúc tại khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngọa Long, Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Sản xuất năng lượng tái tạo đạt mức cao nhất

Bất chấp các vấn đề về chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19, năm 2022 dự kiến sẽ là năm năng lực sản xuất năng lượng tái tạo mới đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế có trụ sở tại Paris vừa công bố, với việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mới, trang trại gió và các công nghệ khác, thế giới đã bổ sung thêm 290 gigawatt năng lượng điện tái tạo trong năm nay. Con số đó nhiều gấp đôi so với tổng công suất phát điện khoảng 145 gigawatt của Canada. Dựa trên xu hướng này, vào năm 2026, công suất năng lượng tái tạo có thể vượt quá công suất toàn cầu hiện tại của nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân cộng lại. Trên quy mô toàn cầu, hơn 90% công suất phát điện mới trong 5 năm tới được dự đoán là từ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đủ nhanh để đạt được mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050.

4_2-1643077198441.jpg
 Ấn Độ nhanh chóng nổi lên như một cường quốc về điện mặt trời. Ảnh: REUTERS

Mở rộng khu bảo tồn quần đảo Galapagos

Tháng 11/2021, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đã công bố kế hoạch mở rộng khu bảo tồn biển xung quanh Quần đảo Galapagos, nơi có những loài động vật kỳ lạ nhất hành tinh. Đây là một trong những khu bảo tồn lớn nhất và đa dạng sinh học bậc nhất thế giới, với diện tích 133.000 km2, sẽ được mở rộng thêm 60.000 km2 nữa - là khu vực kiếm ăn và di cư của các loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá mập đầu búa và rùa biển. Khu bảo tồn mới được chia thành hai vùng, trong đó một vùng sẽ cấm đánh bắt cá hoàn toàn, và vùng kia sẽ được đánh bắt có chọn lọc.

Được tạo ra từ núi lửa, thiên nhiên tuyệt vời ở Quần đảo Galapagos đã khơi nguồn cảm hứng cho thuyết tiến hóa của Charles Darwin và công trình khoa học mang tính bước ngoặt của ông: Về nguồn gốc các loài. Khu vực này là nơi sinh sống của rùa khổng lồ, cự đà biển, chim cánh cụt, sư tử biển, chim cốc biển tuyệt đẹp, cùng các loài khác. Tuy nhiên, sinh vật biển trong khu vực đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp và các thách thức khác. Những con cự đà mầu hồng ở Galapagos hiện đang ở mức cực kỳ nguy cấp. Các nhà bảo vệ môi trường hy vọng việc mở rộng khu bảo tồn sẽ giúp gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên và các loài động vật hoang dã độc đáo của nó.

4_4-1643077198504.jpg
Cự đà biển Galapagos. Ảnh: TUI DE ROY/GETTY