Tín hiệu xấu từ Victoria Beckham

Ra mắt nhãn hiệu thời trang vào năm 2008 và sau đó nhanh chóng phát triển đến một phạm vi rộng hơn bao gồm túi xách, áo khoác, giày dép và phụ kiện. Tuy nhiên, giờ đây, thương hiệu Victoria Beckham của ca sĩ Victoria vợ cầu thủ David Beckham đang phải đối mặt một tương lai không chắc chắn với số nợ đang ở mức báo động.
0:00 / 0:00
0:00
Tín hiệu xấu từ Victoria Beckham

Với mức nợ khoảng 53,9 triệu bảng Anh, thương hiệu Victoria Beckham đang mấp mé trên bờ vực phá sản. Một báo cáo gần đây chỉ ra rằng ngoài khoản nợ tích lũy, Victoria vẫn còn nợ 29 triệu bảng cho các dự án kinh doanh khác. Vì lý do tương tự, một số nhà bán lẻ trực tuyến đang bán các sản phẩm của thương hiệu với giá giảm khoảng 70%. Tờ Daily Mail phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gồm nhiều yếu tố sau:

- Giá thành đắt: Victoria kinh doanh trong tâm thế của một ngôi sao tự tin đủ sức hút để kéo người hâm mộ tới cửa hàng và chi trả cho mọi hóa đơn. Tuy nhiên, với các chuyên gia bán lẻ thì giá trị thương hiệu và độ độc đáo trong thiết kế không tương xứng với mức giá ấy.

- Mẫu mã bình thường: Đề cao tính ứng dụng, dễ phối đồ nhưng các thiết kế của Victoria Beckham lại thiếu đi bản sắc để nâng cao giá trị sản phẩm. Khi ra mắt dòng sản phẩm thời trang đầu tiên của mình vào năm 2008, đó là một bước tiến khiến nhiều người trầm trồ. Nhưng sau ngần ấy năm, những gì còn đọng lại trong trí nhớ của công chúng không phải là sản phẩm bán chạy nhất mà chỉ đơn giản là loạt ảnh cô xuất hiện ở phần cuối show diễn.

- Ít tiếp thị: Trong khi các nhà thiết kế khác liên tục “gửi” trang phục cho các ngôi sao hạng A để họ mặc chúng tại các sự kiện lớn thì Victoria lại không. Trang phục do cô sáng tạo và sử dụng chính hình ảnh của mình như một công cụ quảng cáo, một chiêu marketing được cho là ít tốn kém nhất nhưng không hiệu quả.

- Thất bại khi phát triển mỹ phẩm: Đối với những nhãn hàng kinh doanh thua lỗ mảng thời trang, việc đẩy mạnh lĩnh vực mỹ phẩm và nước hoa luôn phải được chú trọng. Dẫu đã hợp tác làm ăn với thương hiệu mỹ phẩm đình đám như Lauder, song các loại mỹ phẩm của Victoria Beckham khi ra mắt công chúng doanh số bán cũng không thành công như kỳ vọng.

- Tay nghề hạn chế: Không được đào tạo qua trường lớp bài bản, chưa từng theo học những khóa giảng dạy về thời trang nên Victoria vẫn là “kẻ ngoại đạo” trong ngành thời trang, điều này với giới sáng tạo vải vóc là không thể chấp nhận.

Bạn có biết?

- Người đại diện của Victoria cho biết, tổng doanh thu của tập đoàn Victoria Beckham Holdings đã giảm 6% xuống 36,1 triệu bảng Anh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để giải cứu tình hình kinh doanh “bết bát”, Victoria đã phải loay hoay thay đổi nhiều hình thức phục vụ khách hàng khác nhau. Ngoài việc tung ra dòng mỹ phẩm riêng, hợp tác với các nhãn hàng, thực hiện các chiến dịch giảm giá và thậm chí còn chấp nhận cho khách thử những bộ đồ đắt tiền ngay tại nhà riêng. Cụ thể, khi người giao hàng mang trang phục tới nhà, nếu khách thử và không mua, họ chỉ cần chi trả khoảng 15 bảng Anh. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của nhãn hàng vẫn không mấy khả quan.

- Theo Daily Mail, mặc dù gánh khoản lỗ lớn từ thời trang nhưng lợi nhuận từ cá nhân của vợ chồng Beckham vẫn tăng gấp đôi. Với khối tài sản khổng lồ lên tới 355 triệu bảng, họ được xếp thứ 372 trong danh sách người giàu nhất thế giới. Dựa trên báo cáo kế toán nộp tại Companies House, vợ chồng Beckham kiếm được 11,6 triệu bảng (khoảng 11,9 triệu USD) trong năm 2020. Phần lớn thu nhập của họ đến từ các hợp đồng hợp tác của David Beckham với nhiều hãng hàng đồ thể thao, đồng hồ và đồ uống. Tuy thế, không ai biết họ có thể duy trì được hoạt động kinh doanh thời trang này trong vòng bao lâu, khi sự thất bại đang dần lộ rõ.