Xây dựng chiến lược y tế phù hợp để chống dịch hiệu quả

TP Hồ Chí Minh đang thực hiện lộ trình  từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Trong đó, chiến lược y tế là quan trọng nhất để kiểm soát tốt đại dịch, tạo cơ sở giúp thành phố thực hiện mở cửa kinh tế, đưa cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường mới.
 

Chăm sóc F0 tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: MẠNH HẢO
Chăm sóc F0 tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: MẠNH HẢO

Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mới đây, các chuyên gia về y tế, kinh tế đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết để đóng góp cùng thành phố hoàn thiện các kế hoạch mở cửa trong thời gian tới. Theo GS, TS, BS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh, điều kiện cơ bản, điều kiện cần để mở cửa là thành phố phải bao phủ vắc-xin, điều kiện đủ là 5K và các yếu tố khác. Điều kiện mở cửa phát triển kinh tế, phải nhanh chóng dập dịch, phải thích ứng với vi-rút, hướng tới miễn dịch cộng đồng. Theo GS Lê Hoàng Ninh, việc xét nghiệm cần phải chọn những đối tượng có nguy cơ nhiễm, xét nghiệm có trọng tâm, chứ không nên xét nghiệm diện rộng gây lãng phí vật chất và nhân lực. “Ngoài ra, thành phố tiếp tục để F0 điều trị tại nhà, có theo dõi chăm sóc, giải quyết ca tử vong ở cấp thấp nhất” - GS Lê Hoàng Ninh cho biết.

Đóng góp ý kiến với lãnh đạo thành phố, GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguồn lực lúc này cần được tập trung vào bao phủ vắc-xin tới đông đảo người dân, nhất là đối với người có nguy cơ cao, người trên 65 tuổi. GS Trần Diệp Tuấn dự báo khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách thì chắc chắn F0 sẽ tăng. Ngay từ bây giờ thành phố cần chuẩn bị, tăng cường hệ thống y tế để chăm sóc F0 tại cộng đồng, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời cho F0 khi có yêu cầu chăm sóc y tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu, thành phố sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, dựa vào diễn tiến tình hình của dịch và chỉ mở cửa khi an toàn và khi mở cửa phải bảo đảm an toàn. Khi có đủ vắc-xin phòng Covid-19 để bao phủ thì chiến lược điều trị trong thời gian tới của thành phố là tập trung vào quản lý F0 tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị các tầng của bệnh viện điều trị Covid-19. Các chiến lược này nhằm bảo đảm mục tiêu là các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà được chăm sóc tốt, sẽ mau chóng hồi phục; trường hợp chuyển nặng được phát hiện kịp thời để chuyển viện, bảo đảm điều trị, hạn chế tử vong. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục giám sát dịch tễ, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, triển khai công tác xét nghiệm phát hiện kịp thời người mắc Covid-19 để theo dõi, điều trị kịp thời.

Cụ thể, thành phố đã có thay đổi trong chiến lược xét nghiệm từ nay đến 30/9. Theo đó, trên tinh thần xét nghiệm thần tốc tại “vùng đỏ”, “vùng cam”, thành phố sẽ tập trung lực lượng lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn ba lần trong bảy ngày theo hộ gia đình với phương pháp thực hiện test nhanh mẫu gộp (hai đến ba người/test/hộ gia đình) hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong một gia đình/mẫu gộp) và giải gộp dương tính bằng test nhanh. Riêng tại các “vùng vàng, cận xanh và xanh”, thành phố thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho “vùng xanh, vùng cận xanh”, và gộp 5 cho “vùng vàng”. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vắc-xin, người tiếp xúc với nhiều người khác. Nếu hộ có từ năm nhân khẩu trở lên phải lấy hai mẫu đại diện hộ gia đình; giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn cho toàn bộ thành viên của các hộ gia đình trong mẫu gộp; tần suất lặp lại từ 5 - 7 ngày/lần.

Có thể nói, trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát với biến chủng Delta, số ca mắc tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống điều trị của thành phố, do đó số ca nặng và tử vong tăng cao. Tuy nhiên, với việc triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ như hoàn thiện hệ thống điều trị tháp ba tầng, triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà, xây dựng gói thuốc cho F0 tại nhà và sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19, công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại thành phố đã có những chuyển biến đáng kể. Theo GS, TS, BS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, số ca tử vong vì Covid-19 đang liên tục giảm, chứng tỏ hệ thống điều trị đã được nâng cấp và có sự liên thông. Do vậy, nếu muốn đẩy lùi dịch phải có biện pháp mới và có tính đột phá.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố từ sau ngày 15/9 là kế hoạch rất quan trọng không chỉ đối với thành phố mà còn tác động đối với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, cũng như tác động đến cả nước. Đây là cơ sở mang tính pháp lý để thành phố chuyển sang giai đoạn bình thường mới, cũng như thực hiện mục tiêu kép. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, trong phòng, chống dịch thì chiến lược y tế là chiến lược quan trọng nhất. Trong xây dựng chiến lược, cần đánh giá điểm mạnh, yếu, rà soát thực trạng của hệ thống y tế từ cơ sở đến tuyến trên để có sự sắp xếp lại cho phù hợp. Hiện nay, chính quyền đã chuẩn bị các chiến lược để chuyển sang giai đoạn mới là giai đoạn bình thường mới, sống trong môi trường có Covid và chuẩn bị thói quen, tinh thần để ứng phó với môi trường có vi-rút.

Với sự chuẩn bị cẩn thận, chặt chẽ, an toàn cho từng bước đi trong quá trình mở cửa, thành phố sẽ có bước khôi phục chắc chắn và phát triển vững chắc trở lại trong thời gian tới.