Viết tiếp bản thiên anh hùng ca sáng chói

Chiến thắng 30-4-1975 lịch sử đã mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho đất nước ta: Kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Suốt 46 năm qua, cùng cả nước, TP Hồ Chí Minh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để giành được những thành quả tích cực, đáng tự hào, góp phần tô thắm thêm bản thiên anh hùng ca sáng chói của dân tộc.

Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay.
Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay.

Sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh đã cố gắng liên tục, vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng trong từng giai đoạn phát triển. Hơn 40 năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đoàn kết, nghĩa tình, năng động, sáng tạo xây dựng thành phố trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội có vị thế đặc biệt, có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cả nước. Nếu trong giai đoạn 1976 - 1985, tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 2,7%/năm, thì đến giai đoạn 2016 - 2019, mức tăng trưởng GRDP của thành phố bình quân đạt 7,72%/năm, tiếp tục giữ vững vị thế "đầu tàu" kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% kinh tế và 27% tổng thu ngân sách cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của thành phố trong giai đoạn 1995 - 1996 đạt 712 USD/người, đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 6.000 USD/người.

Các yếu tố nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng của thành phố. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Sản xuất nông nghiệp đến nay đã dịch chuyển theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, năng suất cao gấp ba lần bình quân cả nước và cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm Quang Trung ngày càng phát huy hiệu quả. Diện mạo thành phố có nhiều đổi thay, ngày càng xanh, sạch, đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.

TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương đi đầu triển khai Ðề án xây dựng thành phố thông minh, chú trọng rà soát quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị, hạ tầng giao thông. Chương trình giảm ngập đạt kết quả tích cực; chất lượng giáo dục đào tạo, y tế được nâng cao. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ có nhiều đổi mới. Thành phố chú trọng xây dựng văn hóa, con người TP Hồ Chí Minh phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bám sát định hướng mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng ngày càng phát triển sâu rộng trong cộng đồng. Chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng nghèo, gia đình chính sách, có công có nhiều tiến bộ. Ðến nay, thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong bối cảnh tăng trưởng xanh và hình thành các thành phố thông minh đã trở thành xu thế phát triển của các quốc gia; sự biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài sẽ đặt ra nhiều thách thức mới cho sự phát triển bền vững của thành phố. Ðặc biệt, từ đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, gây áp lực lớn trong bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới.

Với khát vọng vươn xa của một thành phố trẻ, năng động nhất nước, thành phố mang tên Bác luôn đặt ra những mục tiêu cao hơn để xứng đáng là thành phố vì cả nước, cùng cả nước. Theo đó, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành một đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số và trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á; phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người đến năm 2045 khoảng 37 nghìn USD.

Ðể đạt được các mục tiêu nêu trên, thành phố tập trung thực hiện tốt việc gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; phát huy vai trò, nền tảng văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất của mục tiêu phát triển. Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu sớm trở thành một trung tâm giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao chất lượng cao tầm khu vực và quốc tế.

Với tiềm năng, lợi thế vượt trội, với tinh thần "cả nước vì thành phố, thành phố vì cả nước" và sự nỗ lực phấn đấu, khát vọng phát triển vươn lên của Ðảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố, các mục tiêu phấn đấu mà TP Hồ Chí Minh đặt ra đều có tính khả thi cao, hoàn toàn có khả năng đạt được. Tuy vậy, nhiều thách thức vẫn đang chờ phía trước.

Phát huy tốt truyền thống đoàn kết, sáng tạo và những thành tích, kết quả nhanh chóng; khắc phục các tồn tại, hạn chế, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội của cả nước; là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giữ vững vị trí "đầu tàu" kinh tế của cả nước, góp phần quan trọng đưa đất nước vững bước tiến lên. Ðể từ đó, bản thiên anh hùng ca sáng chói của dân tộc sẽ được tiếp nối, tiếp tục vang mãi trong lòng nhân dân thành phố mang tên Bác nói riêng và cả nước nói chung.

Bài và ảnh: Linh Nguyễn