Vào mùa... "chạy" trường

NDO -

Như đã thành lệ, cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán là phụ huynh có con em ở độ tuổi vào các lớp đầu cấp tiểu học, THCS lại xôn xao bàn tán chuyện lo cho con sẽ vào trường nào? "Chạy" cửa nào? Trường nào "ngon"? Và thế là, một cuộc đua chạy trường, chạy lớp ngấm ngầm và công khai bắt đầu...

Phụ huynh chen lấn trước cổng trường xin học cho con..
Phụ huynh chen lấn trước cổng trường xin học cho con..

Giá... "chạy" trường

"Chạy trường" là chuyện không lạ, không mới với các phụ huynh có con em vào lứa tuổi đến trường, từ mẫu giáo, vào lớp 1, lớp 6, thậm chí là lớp 10.

Chuyện này đã râm ran, to nhỏ từ sau Tết Nguyên đán vừa qua và đã "bùng phát" từ sau ngày 12-4, khi Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) TP Hồ Chí Minh công bố chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo đó, niên học 2013-2014, thành phố sẽ có gần 109 nghìn em 6 tuổi vào lớp 1 và gần 89 nghìn học sinh vào lớp 6. Tại TP Hồ Chí Minh, ngoài Trường THPT chuyên Trần Ðại Nghĩa và THPT chuyên năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Ðịnh phải thi, xét tuyển học sinh vào lớp 6 thì tất cả các trường tiểu học, THCS còn lại, từ mẫu giáo vào lớp 1 và từ lớp 5 chuyển lên lớp 6 đều phải theo tuyến, theo địa phương để các trường tiểu học, THCS nhận vào, nếu đủ điểm tuyển (với lớp 6).

Với các em vào mẫu giáo, các trường "điểm" mà phụ huynh nhắm đến là Trường mầm non Bến Thành, mầm non 30-4, mầm non 19-5.

Ở cấp tiểu học, các trường "có tiếng" được nhiều phụ huynh muốn "chạy đua" là Lương Ðịnh Của (tăng cường tiếng Pháp), Nguyễn Ðình Chính, Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thái Sơn (quận 3); Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Thế Vinh, Nguyễn Du (quận 1); Kim Ðồng (quận Gò Vấp) Minh Ðạo (quận 5); Bàu Cát, Ngô Quyền (quận Tân Bình)...

Còn ở cấp THCS, "ngon" nhất vẫn là các trường: Bùi Thị Xuân, Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1); Collette, Ðoàn Thị Ðiểm, Hai Bà Trưng (quận 3); Phan Ðình Phùng, Cầu Kiệu, Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận); Lê Văn Sỹ, Ngô Sỹ Liên, Ngô Quyền (quận Tân Bình); Nguyễn Du, Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp)...

Theo Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD-ÐT thành phố Hồ Chí Minh) Lê Ngọc Ðiệp, niên học 2013 - 2014, số học sinh vào lớp một tăng khoảng 7.000 và vào lớp 6 tăng khoảng 4.000 học sinh so với những năm học trước. Nguyên nhân, do các học sinh vào lớp 1 trong niên học tới đều phải sinh trong năm 2007, mà năm đó là "heo vàng" (Ðinh Hợi), nên tỷ lệ trẻ em sinh trong năm này tại thành phố đã tăng đột biến, hơn 10.000 bé so với bình quân hằng năm.

Chính con số tăng... thêm này đã thành một áp lực rất lớn trong việc sắp xếp, cân đối số lượng học sinh vào lớp 1 năm học tới. Và tất nhiên, áp lực này đã đẩy giá... "chạy" trường lên một... tầm cao mới.

Chị H, nhà ở phường 1, Gò Vấp, một phụ huynh có con sắp vào lớp 6 Trường Lê Quý Ðôn (quận 3) cho biết: Mình sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng để lo cho con vào trường này. Lo là lo chưa biết "cửa" nào để chạy, nếu sai "cửa", vừa mất tiền, vừa "xôi hỏng bỏng không". Phải "có mối quan hệ" và "quen biết" dữ lắm "người ta" mới chịu nhận. "Mà đây là giá "đầu mùa", "cuối mùa" (khoảng tháng 8), giá có thể tăng thêm nữa không chừng".

Tìm một giải pháp

Không thể phủ nhận việc một số trường có cơ sở vật chất khá tốt, có mặt bằng và sân chơi, sân thể thao rộng, nằm ở vị trí tập trung nhiều công sở... thuận lợi cho việc học tập, rèn luyện thể chất cho học sinh, tiện cho việc đưa, đón của phụ huynh. Và cũng không thể phủ nhận tâm lý "con gà tức nhau tiếng gáy" hay "thể hiện đẳng cấp" của nhiều phụ huynh khi có con em học ở một trường "tiếng tăm" nào đó. Tất cả tạo ra tâm lý "chạy trường" đủ kiểu, bằng mọi giá.

Thông thường, cuối năm học trước có bao nhiêu học sinh học xong mẫu giáo, thì vào năm học mới sẽ có bấy nhiêu học sinh được tiếp nhận vào học lớp 1, nếu có tăng thì số lượng không đáng kể. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan về tăng dân số nói trên cùng với số lượng dân nhập cư, nên năm học tới việc tăng sĩ số học sinh là tất yếu. Cái tất yếu hơn là các trường sẽ cắt giảm nhiều lớp bán trú, để ca chiều có lớp để học.

Theo tính toán của Phòng GD Tiểu học - Sở GD-ÐT thành phố thì, các lớp bán trú sẽ giảm từ 50% xuống còn 20% tùy theo trường. Có thể trong niên học tới, các trường sẽ chỉ ưu tiên bán trú cho cấp tiểu học, trẻ cần chăm sóc nhiều. Còn cấp THCS, thì "cắt" bán trú tối đa có thể, lãnh đạo phòng này cho biết thêm.

Một cán bộ Phòng GD quận Tân Bình cho biết: "Ðến thời điểm này, qua điều tra, thống kê số lượng trẻ 6 tuổi của quận đã vào khoảng 10.000 cháu, tăng hơn 3.000 cháu so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng số học sinh lớp 5 ra trường mới chỉ có khoảng 4.600 học sinh. Vậy nên chúng tôi phải tính toán rất kỹ để cho hơn 5.000 học sinh còn lại có chỗ học".

Tăng sĩ số, giảm bán trú, tất cả sẽ tạo áp lực lên việc học cho học sinh và căng thẳng cho phụ huynh khi phải thu xếp thời gian để đưa, đón con em mình. Còn theo các chuyên gia ngành giáo dục, việc chạy trường ngoài các nguyên nhân trên thì còn do sự "ỷ lại" của phụ huynh. Họ muốn con em mình được chăm sóc toàn diện, toàn thời gian nên giao phó tất tần tật mọi việc cho nhà trường để mình "rảnh tay" buôn bán, làm ăn. Ðến chiều đón con về cho tắm rửa, ăn uống là xong. Thiếu vắng việc gần gũi, chăm sóc, tâm tình, dạy dỗ con cái... sẽ tạo tiền đề không tốt cho việc phát triển nhân cách của trẻ sau này.

Kết luận từ đề tài nghiên cứu Xu hướng chọn trường tiểu học của phụ huynh TP Hồ Chí Minh (nhóm sinh viên khoa Xã hội học, Trường ÐH Mở TP Hồ Chí Minh thực hiện), qua khảo sát hơn 150 phụ huynh đang có con học tiểu học ở quận 3, Tân Bình và huyện Hóc Môn (mỗi địa phương 50 phụ huynh), cho thấy: 45,3% có con học trái tuyến; 54,4% phụ huynh thừa nhận có nhờ người quen "chạy trường" cho con và cứ 10 phụ huynh được hỏi, thì có một người nói thẳng là mình phải trả một món tiền lớn để được nhận hồ sơ tại trường mình muốn con mình học. Còn việc "chạy", 82% trả lời là có biết, 29% không biết và 65% coi đó là chuyện... thường ngày.