Tìm giải pháp cho các trường mầm non hoạt động

Trong thư kiến nghị vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện gần 100 trường mầm non tư thục tại TP Hồ Chí Minh đã đề cập và mong muốn có thể sớm tìm được giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất nhằm tháo gỡ những khó khăn khi trường học đóng cửa nhiều tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hoạt động dạy và học của cô - trò thuộc Hệ thống Mầm non tư thục Tây Thạnh trước khi dịch bùng phát trở lại.
Hoạt động dạy và học của cô - trò thuộc Hệ thống Mầm non tư thục Tây Thạnh trước khi dịch bùng phát trở lại.

Thông tin từ ngành giáo dục và đào tạo thành phố cho biết, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã có 151 cơ sở giáo dục mầm non (gồm 27 trường, 124 nhóm trẻ) đã giải thể và ngưng hoạt động. Dự kiến, con số đó sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm khi nguồn lực của các chủ trường dần cạn kiệt do thời gian đóng cửa quá dài. Dưới sự tác động của dịch Covid-19, năm 2020, các trường mầm non đã phải đóng cửa hơn ba tháng.

Năm nay, các trường đóng cửa từ ngày 10/5 đến nay. Đại diện một cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại quận 6 cho hay, nặng nhất trong chi phí duy trì của trường chính là chi phí thuê mặt bằng. Trường có vài chục giáo viên nhưng chủ trường chỉ đủ sức hỗ trợ các cô lương tháng đầu trong đợt nghỉ dịch quá dài này. Còn lại, chủ trường phải xoay xở đủ cách để trả tiền thuê mặt bằng, các khoản phụ khác. “Tôi không nghĩ đợt dịch này kéo dài đến vậy, mọi thứ đã cạn kiệt. Nếu cứ như vậy, tôi sợ không trụ được đến hết năm”, chủ trường này tâm tư.

Từ tháng 5 đến nay, mỗi tháng, chị Nguyễn Thị Cẩm Đan, chủ hệ thống Trường mầm non Tây Thạnh với hai cơ sở đóng tại quận Tân Phú và Bình Tân phải chi hơn 500 triệu đồng cho tiền mặt bằng và phí bảo trì. Do đó, chị Đan chỉ thanh toán lương tháng 5 cho các giáo viên và đóng tiền bảo hiểm y tế trong đợt dịch này. Hệ thống trường của chị Đan có khoảng 80 giáo viên, nhân viên, bình thường có hơn 600 trẻ theo học sẽ đủ các khoản chi tiêu, vận hành. Giờ khoản thu bằng 0, trong khi số tiền phải chi ngày càng lớn.

Chị Đan than thở: “Dù mấy tháng dịch bùng phát chủ cho thuê mặt bằng cũng hỗ trợ giảm tiền nhà, nhưng chi phí cứ ngày một gia tăng, tôi sắp hết khả năng chi trả vì vay mượn cũng có giới hạn. Từ tháng 10, khi nhiều ngành nghề được khôi phục, chúng tôi không thể cứ trông chờ chủ mặt bằng giảm giá, mà nếu trả nguyên giá thì nợ chồng nợ, không thể duy trì được. Chúng tôi cần được hỗ trợ ngay trong giai đoạn quá nhiều khó khăn này”.

Áp lực mà Hệ thống Mầm non Kid’s Club phải gánh còn lớn hơn rất nhiều khi có tới 12 cơ sở tại nhiều quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh với hơn 300 giáo viên. Theo bà Lâm Bội Linh, thành viên Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục tư thục này, chỉ tính riêng phí đóng mặt bằng thuê mỗi tháng đã hơn hai tỷ đồng. Đó là đã có sự hỗ trợ của một số chủ cho thuê, còn nếu không số tiền sẽ lớn hơn rất nhiều.

Không nghĩ dịch kéo quá dài và muốn duy trì sự ổn định trong hệ thống, hai tháng đầu, chủ hệ thống vẫn trả lương đều đặn cho giáo viên mặc dù trường đóng cửa. “Tuy nhiên, đến tháng 7, chúng tôi không còn khả năng chi trả. Thời gian qua, chúng tôi tìm nhiều giải pháp hỗ trợ giáo viên, nhân viên của mình như mở các lớp ngoại khóa trực tuyến, hỗ trợ họ tìm việc làm tạm, nộp đơn xin các chính sách… thế nhưng, chỉ gánh được hơn 10% chi phí. Rất khó để giữ chân giáo viên nếu tình hình cứ thế này”, bà Linh ngậm ngùi.

Trong thư kiến nghị gửi đi, bà Linh cùng đại diện nhiều trường, hệ thống trường mầm non tư thục tại thành phố mong muốn sớm có những chính sách hỗ trợ thiết thực để họ không bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ, phá sản do đóng cửa quá lâu. Theo đó, nhiều chủ trường mong sớm được tạo điều kiện mở cửa trở lại và cam kết đáp ứng đầy đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.

Đồng thời, các trường này còn đợi chờ nhiều gói vay tín dụng không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi, hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ… với thời gian tối thiểu 24 tháng để doanh nghiệp trang trải chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, tiền lương các bộ phận túc trực tại khuôn viên trường, chi phí sửa chữa cơ sở vật chất… sau thời gian dài không sử dụng.

Điều mà đại diện các trường mầm non tư thục tại thành phố mong đợi nhất bây giờ là được đối thoại với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND thành phố để thảo luận các phương án nhằm tháo gỡ khó khăn, đóng góp ý kiến bảo đảm môi trường lớp học an toàn trong mùa dịch, bảo vệ sức khỏe học sinh. Ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ một trường mầm non tư thục tại quận Bình Thạnh cho rằng, cơ sở của ông vẫn có thể cầm cự nhưng không thể quá lâu. Ông Tuấn đề xuất: “Nếu thấy một lộ trình rõ ràng, tôi nghĩ các trường sẽ tìm cách xoay xở. Chúng tôi đã lên nhiều kế hoạch để thích ứng với tình hình mới, chỉ mong được lắng nghe, đóng góp và triển khai.

Trong một, hai năm tới sẽ khó tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em ở độ tuổi mầm non tại Việt Nam. Một phương án đề xuất thay thế nhằm tổ chức cho trẻ mầm non đi học trực tiếp là tổ chức xét nghiệm định kỳ hằng tuần. Cần lưu ý nghiên cứu các phương pháp xét nghiệm bằng nước bọt sẽ phù hợp hơn cho học sinh ở lứa tuổi này”.

Ông Tuấn cũng cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố có thể tổ chức thí điểm trường học ở từng khu vực tùy theo mức độ dịch nhằm triển khai Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 thuận lợi, tổ chức rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Sau khi kiện toàn phương án tổ chức hoạt động trường học đạt yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, có thể triển khai đồng loạt trên diện rộng cho tất cả các cơ sở giáo dục tại địa phương.