Tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân

Trước những khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19 gây ra, 16 ngân hàng thương mại (NHTM) lớn đã cam kết giảm lãi suất cho vay từ tháng 7/2021 đến cuối năm nay để chia sẻ, tiếp sức doanh nghiệp (DN) và người dân trong việc duy trì, phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…

Khách hàng vay vốn tại một điểm giao dịch của ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV
Khách hàng vay vốn tại một điểm giao dịch của ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN và người dân. Theo đó, tính bình quân, lãi suất cho vay của Agribank sẽ giảm khoảng 1%/năm. Trong đó, có những khoản vay lãi suất chỉ giảm 0,5%, nhưng có những khoản vay sẽ được giảm đến 2,5%/năm. Các NHTM khác như HDBank, BIDV, MBBank, Techcombank… cũng đã giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 1%/năm, hoặc có thể giảm thêm nữa tùy tình hình thực tế của khách hàng.

Theo đại diện các NHTM, việc giảm lãi suất cho vay sẽ không được thực hiện theo kiểu “cào bằng” mà sẽ tập trung hỗ trợ cho các DN sản xuất hàng hóa thiết yếu, DN có lực lượng lao động lớn… Với các lĩnh vực ưu tiên thì lãi suất vay có thể giảm xuống còn khoảng 3,5%/năm; các ngành nghề thiết yếu khác thì lãi suất vay có thể dao động quanh mức 5%/năm. Một số NHTM như HDBank, Sacombank, ACB… cũng đưa ra những gói tín dụng ưu đãi dành cho các DN xuất khẩu, DN nhỏ và vừa.

Chẳng hạn, HDBank giảm lãi suất cho vay đối với DN nhỏ và vừa xuống mức 6,2%/năm (có thể xem xét giảm thêm). Sacombank dành 10.000 tỷ đồng hỗ trợ DN xuất khẩu và DN khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19 với lãi suất vay từ 4% đến 6,7%/năm (có thể giảm thêm). Sacombank còn giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với các DN và cá nhân (đang có khoản vay tại Sacombank) thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế… Còn ACB giảm lãi suất vay vốn cho các khách hàng hiện hữu với mức giảm 1%/năm (tùy thời hạn vay); đồng thời triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất vay 6%/năm cho DN và 7%/năm cho cá nhân…

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, trong giai đoạn hiện nay, các NHTM cũng phải “thắt lưng buộc bụng” để đồng hành cùng DN trong mục tiêu cùng tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, cần phân loại chính xác diện hỗ trợ để cho vay đúng đối tượng và bảo đảm yêu cầu an toàn hệ thống. Cùng với đó, các NHTM cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp thêm hạn mức tín dụng trong những tháng cuối năm để có thể tiếp tục hỗ trợ DN và người dân có nhu cầu.

PGS, TS Trần Huy Hoàng, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Tài chính - Marketing cho rằng: Việc tìm cách giảm thêm lãi suất cho vay cùng nhiều giải pháp ưu đãi khác cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và việc giữ ổn định, an toàn thị trường tiền tệ đều rất cần thiết để duy trì sự ổn định và đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng, nền kinh tế nói chung. Vì vậy, ngành ngân hàng cần có giải pháp rõ ràng và chặt chẽ ngay từ đầu để đưa dòng vốn đến đúng địa chỉ, tránh để đồng tiền chạy vào những lĩnh vực ít liên quan dịch bệnh, hoặc nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán…

Nhiều chuyên gia tài chính nhìn nhận, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các NHTM cũng đã giảm lãi suất cho vay, nhưng lợi nhuận trong thời gian vừa qua của không ít NHTM vẫn đạt con số lớn. Do vậy, các NHTM nên mạnh dạn giảm tiếp lãi suất cho vay để chia sẻ, tiếp sức cộng đồng DN và người dân trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh. Các NHTM cần chú trọng những khách hàng đã được tái cơ cấu nợ vay và cần linh động, thông thoáng hơn trong việc xem xét cho vay mới đối với những khách hàng đã cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ…

Theo Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh, nếu dịch Covid-19 không được khống chế thì hoạt động ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng theo “sức khỏe” của DN sản xuất, kinh doanh; phát sinh nguy cơ nợ xấu. Vì vậy, để hoạt động ngân hàng được diễn ra thông suốt, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Ðồng thời, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của DN, hộ kinh doanh trên địa bàn, nhất là những DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hộ kinh doanh tiếp cận với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, NHNN và UBND thành phố Hồ Chí Minh.