Thiếu vốn đầu tư cho dự án trọng điểm

Ba dự án trọng điểm cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông và hạ tầng đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tồn tại nhiều năm, chưa được khởi động vì “khát” nguồn vốn đầu tư. Thành phố cũng đã kiến nghị với Trung ương hỗ trợ vốn để các dự án cấp bách sớm được triển khai, giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm qua…

 Một đoạn kênh Hy Vọng, quận Tân Bình bị ô nhiễm nghiêm trọng, cần được đầu tư cải tạo chỉnh trang sớm.
Một đoạn kênh Hy Vọng, quận Tân Bình bị ô nhiễm nghiêm trọng, cần được đầu tư cải tạo chỉnh trang sớm.

Phấn khởi vì giữa năm nay được thành phố “xới” lại dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với kinh phí đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, đông đảo người dân quận Bình Thạnh mong muốn chính quyền thành phố tích cực thực hiện hơn nữa để dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sớm triển khai vì đã kéo dài gần 20 năm qua.

Ông Nguyễn Minh Hùng, ngụ phường 28, quận Bình Thạnh phản ánh: “Từ nhiều năm nay, rạch Xuyên Tâm được xem là ô nhiễm nhất thành phố. Các loại rác thải, chất thải đổ xuống làm dòng nước đen quánh, hôi thối gây ô nhiễm nghiêm trọng, ngập nước vào mùa mưa. Nếu thành phố chưa làm được công tác chỉnh trang thì chỉ mong nạo vét tuyến rạch trước để bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân”.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố (đơn vị được giao quản lý dự án), dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp, có tổng mức đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng ước tính gần 4.500 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 4.800 tỷ đồng với khoảng 2.100 hộ dân bị ảnh hưởng. Theo thiết kế, dự án bao gồm các hạng mục: Nạo vét tuyến rạch Xuyên Tâm dài 6,2 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật cùng ba tuyến nhánh dài gần 2 km gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi; làm đường hai bên; hệ thống thu gom nước thải trên phạm vi 700 ha.

Đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được phê duyệt năm 2002 với kinh phí 123 tỷ đồng nhưng đến nay đã lên đến 9.300 tỷ đồng. Kinh phí này rất lớn trong khi nguồn vốn đầu tư trung hạn của thành phố không đủ để bố trí. Thành phố cũng cho rằng, dự án càng kéo dài thì vốn càng đội lên, đồng thời tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy càng trầm trọng nếu không có phương án chỉnh trang, cải tạo sớm.

Cùng với dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Tây Ninh) cũng là dự án trọng điểm cấp bách cần vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố cho biết: Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhất là giảm tải lưu lượng xe lưu thông ở quốc lộ 22, là tuyến quốc lộ độc đạo nối từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Tây Ninh.

Khi hình thành tuyến cao tốc này, các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam với các đầu mối cảng biển, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh và khu vực. Theo thiết kế, dự án có địa điểm bắt đầu từ đường Vành đai 3, thuộc huyện Củ Chi, tuyến đi song hành quốc lộ 22 hiện hữu, điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22, khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Trước mắt, thành phố sẽ thực hiện giai đoạn 1 với chiều dài tuyến là 50 km.

Song song đó là Dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) nhằm giải quyết việc tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và một phần lưu vực 51,3 ha khu vực lân cận với hàng nghìn hộ dân liên quan có tổng mức đầu tư 1.980 tỷ đồng, cũng là dự án cấp bách đầu tư hơn lúc nào hết. Trước nhu cầu cấp thiết của việc đầu tư, mới đây UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cân đối bổ sung vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để thành phố đầu tư ba dự án trọng điểm cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông và hạ tầng đô thị với kinh phí 17.234 tỷ đồng.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh đề nghị Trung ương hỗ trợ 5.901 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (kinh phí đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 là 15.900 tỷ đồng).

Dự án được đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT). Dự án nạo vét cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị, với tổng mức đầu tư cần được Trung ương hỗ trợ là 9.353 tỷ đồng. Dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) nhằm giải quyết việc tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và một phần lưu vực 51,3 ha khu vực lân cận với tổng mức đầu tư cần được Trung ương hỗ trợ là 1.980 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, hiện nay thành phố đang ưu tiên sử dụng vốn ngân sách thành phố để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho nên nguồn vốn ngân sách phân bổ cho các dự án đầu tư công rất khó khăn.

Do đó, TP Hồ Chí Minh rất cần Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 -2025 cho thành phố đầu tư một số dự án trọng điểm, cấp bách để nạo vét kênh rạch, chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm môi trường kết hợp đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và đô thị  phù hợp phát triển quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị trên địa bàn.

TP Hồ Chí Minh cũng cam kết nếu nhận được nguồn vốn hỗ trợ sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai nhanh dự án, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế thành phố và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN