Thay đổi diện mạo đô thị dọc sông Sài Gòn

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045. Ðề án khi thực hiện được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị dọc bờ sông vốn nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả…

Một đoạn sông Sài Gòn chảy qua trung tâm TP Hồ Chí Minh.
Một đoạn sông Sài Gòn chảy qua trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, sông Sài Gòn gồm hai vùng: Vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng (nằm trên địa bàn ba tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Bình Phước) đến cầu Phú Long (quận 12); vùng trung lưu, hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Ðèn Ðỏ (ngã ba sông Sài Gòn-sông Soài Rạp). Mục tiêu của thành phố khi phê duyệt đề án là từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh. Ðề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông được chia làm hai giai đoạn để thực hiện.

Giai đoạn một từ năm 2022 đến 2025, thành phố sẽ triển khai chương trình cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn, khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh gắn với các đề án phát triển kinh tế dịch vụ, ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước; triển khai một số dự án điển hình về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí.

Giai đoạn hai từ năm 2025 đến năm 2045, thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch. Ðồng thời, hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông; liên tục rà soát, nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện các pháp lý quản lý khu vực dọc bờ sông theo hướng bảo đảm lợi ích chung của thành phố Hồ Chí Minh, phù hợp chủ trương, định hướng quy hoạch cấp cao hơn và đáp ứng với thị trường và tốc độ phát triển chung.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, thành phố đang mời các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm đóng góp ý kiến nhằm phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị, sức cuốn hút và tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ cho thành phố Hồ Chí Minh và vùng thành phố sáng tạo.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, cần sớm có quy hoạch ven sông để chỉnh trang đô thị bài bản. Trong đó, việc tổ chức khai thác kinh tế dịch vụ sẽ đánh thức tiềm năng ven sông Sài Gòn, hướng đến "đô thị sông nước". Thành phố cần sớm có quy chế quản lý, sử dụng, khai thác hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, từ đó làm công cụ để tổ chức thực hiện.

Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ (Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Hồ Chí Minh) tính toán, với khoảng cách từ 100 đến 200 m tính từ mép bờ cao trở vào trong, dọc theo chiều dài khoảng
80 km của sông Sài Gòn, nếu lập quy hoạch hai bên bờ sông sẽ dôi ra từ 3.100 đến 5.000 ha đất, trong đó diện tích mặt sông khoảng 2.000 ha. Phần diện tích đất hai bên sông nêu trên sẽ tương đương với diện tích của quận Tân Phú hoặc quận 7.

Nếu chia tỷ lệ diện tích dành cho công viên cây xanh khoảng 60% quỹ đất trên thì thành phố có thêm từ 1.800 đến 3.000 ha đất, tương đương với chỉ tiêu cây xanh từ 0,6 đến 1,8 m2/người (với quy mô dân số khoảng 10 triệu dân), cao hơn chỉ tiêu đất công viên cây xanh của nhóm theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam và cao hơn gấp 1,22 đến 3,67 lần so với chỉ tiêu cây xanh thực tế hiện nay của thành phố. Với diện tích còn lại, dành khoảng 20% cho giao thông và 20% cho các dịch vụ, không gian mở công cộng, thành phố sẽ có khoảng 220 đến 600 ha để xây dựng các công trình bảo tàng, khu ẩm thực, câu lạc bộ, sân thể dục, thể thao, khu vui chơi cho trẻ em, nhà văn hóa, cửa hàng bán lẻ, triển lãm ngoài trời, trung tâm biểu diễn, sinh hoạt lễ hội... Ðó là chưa kể các không gian ngầm dưới kè bờ sông có thể tận dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, vui chơi giải trí sôi động như bar, karaoke, beer club, bãi đậu xe ngầm..

Còn theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch sông Sài Gòn phải kết nối và khai thác dọc hai bên bờ sông. Tùy theo từng đoạn mà có quy hoạch phù hợp, có các công trình điểm nhấn, công trình công cộng, văn hóa và công trình khai thác lịch sử (nếu có) để làm điểm đến du lịch. Ngoài ra, cần tận dụng quỹ đất dọc hành lang sông để quy hoạch và thực hiện tuyến đường từ trung tâm thành phố đến huyện Củ Chi để vừa giảm áp lực hạ tầng lên quốc lộ 22 vốn đang quá tải hiện nay, đồng thời đánh thức tiềm năng vùng đất phía tây bắc thành phố…

Các chuyên gia quy hoạch đều cho rằng, thành phố đề xuất nên dựa vào nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ giá trị hình thành do đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế tài chính nhằm thu hút vốn từ các nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, khuyến khích sự tham gia của đa dạng các nguồn lực xã hội phù hợp chủ trương, định hướng phát triển liên vùng. Qua đó, nhân rộng cách làm hiệu quả trên phạm vi toàn thành phố và vùng lân cận đáp ứng nhu cầu thị trường, yêu cầu phát triển chung... 

Bài, ảnh: Vũ Nguyên