Thận trọng khi đốn hạ cổ thụ ở nội đô

Việc đốn hạ một số cây xanh cổ thụ trên các tuyến đường nội đô của TP Hồ Chí Minh ít nhiều gây tiếc nuối cho nhiều người dân thành phố. Dù đó chỉ là số ít cây xanh bị xâm hại, hư hại, nhưng khi tác động, rất cần sự cân nhắc, thận trọng của ngành chức năng. Quan trọng hơn, cần phải có kế hoạch bảo vệ tốt cổ thụ…

Vị trí cây cổ thụ bị đốn hạ trước cổng Trường THPT Trưng Vương.
Vị trí cây cổ thụ bị đốn hạ trước cổng Trường THPT Trưng Vương.

Ngày 26/11, nhiều người dân đi qua đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc địa bàn phường Bến Nghé, quận 1 bất ngờ với cảnh tượng những cây dầu cổ thụ trên tuyến đường này bị đốn hạ. Các nhân viên Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh đã cưa nhỏ các nhánh cây trên ngọn, xử lý tiếp phần thân và bứng cả gốc cây lên khỏi mặt đất.

Cách địa điểm này không xa, vào năm 2018 đã có 258 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) bị đốn hạ và di dời để lấy mặt bằng triển khai xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. “Con đường màu xanh” mát rượi ngày nào giờ đầy nắng, bụi. Người dân rất tiếc nuối những hàng cây tỏa bóng mát, chưa biết khi nào cây xanh mới được trồng lại. 

Những cây xanh cổ thụ trên các con đường vừa nhắc đến được trồng từ xa xưa, tạo mỹ quan đô thị, giữ môi trường xanh mát và gắn bó với nhiều giai đoạn lịch sử của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ dài 1,5 km, có nhiều công trình kiến trúc gắn với lịch sử thành phố như: Tu viện dòng Thánh Phao-lô; Trường THPT Trưng Vương; Trường THCS Võ Trường Toản và nhất là Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Những cổ thụ cùng những công trình được giữ gìn đến ngày nay tạo cho con đường nét cổ kính, gắn với kỷ niệm của nhiều người dân thành phố…

Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (thuộc Sở Xây dựng thành phố) phê duyệt cho đốn hạ 14 cây xanh cổ thụ nằm rải rác trên các đường phố nội đô do các cây này đã bị xâm hại, hư hại, có khả năng ngã đổ gây nguy hiểm. Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ngày 26/11 vừa qua, công nhân đã hoàn tất việc đốn hạ hai cây dầu cổ thụ là những cây bị bệnh sâu mọt, suy rễ, có khả năng ngã đổ gây nguy hiểm cho người dân. Trước đó, một cây dầu khác trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ngã đổ vào khuôn viên Thảo Cầm Viên cũng được đốn hạ. 

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, việc đốn cây ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải phục vụ dự án nào mà nằm trong kế hoạch rà soát, xử lý cây xanh gây mất an toàn vẫn thực hiện thường xuyên. Những cây bị đốn hạ như trên đã qua quá trình theo dõi, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng dấu hiệu suy giảm sức sống, hệ rễ yếu, không đủ dinh dưỡng do vướng hạ tầng kỹ thuật bên dưới, có nguy cơ ngã đổ. Từ chỗ cây bị đốn, cơ quan chức năng sẽ trồng lên những cây xanh khác, chỉ sau vài năm, cây thay thế sẽ lại phủ bóng mát trở lại… 

Cơ quan chức năng đã thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong việc theo dõi, xử lý những cây xanh bị hư hại. Tuy vậy, người dân mong muốn công tác bảo vệ, bảo tồn cây xanh cổ thụ mang lại nhiều giá trị hữu ích được chú trọng hơn, tránh tình trạng lạm dụng đốn hạ. 

Năm 2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản hướng dẫn xử lý cây xanh bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng công trình trên địa bàn thành phố. Theo đó, tất cả dự án xây dựng công trình ngay từ bước lập dự án phải khảo sát hệ thống cây xanh có thể bị ảnh hưởng. UBND thành phố yêu cầu hạn chế di dời, đốn hạ cây xanh, nhất là các cây nằm trong diện bảo tồn, có giá trị về văn hóa, lịch sử.