Tất bật mai vàng vào vụ Tết

Thời điểm hiện nay, các hộ trồng mai tại thành phố Hồ Chí Minh đang tất bật chăm sóc vườn mai để kịp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Ngoài giá nguyên liệu đầu vào tăng, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế cũng khiến các hộ trồng mai lo lắng về sức tiêu thụ mai Tết năm nay.

Người dân chăm sóc vườn mai chuẩn bị đưa ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán.
Người dân chăm sóc vườn mai chuẩn bị đưa ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán.

Tết đến gần, không khí tất bật tại các vùng trồng mai lớn ở huyện Bình Chánh, thành phố Thủ Đức... càng thêm sôi động, nhộn nhịp. Với truyền thống gia đình bốn đời trồng mai đã được hơn 100 năm, anh Nguyễn Ngọc Phương, chủ vườn mai Phương Bình, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức cho biết: "Khu vườn rộng khoảng 12.000 m2 với 4.000 gốc mai, trong đó có 1.000 gốc lớn sẵn sàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay. Để có một cây mai đẹp, nở đúng dịp Tết, người trồng mai phải chăm sóc, uốn sửa, tưới nước liên tục. Hy vọng từ nay đến Tết Nguyên đán không có mưa, nếu mưa vào gần dịp Tết sẽ tạo gió, sương muối, hoa sẽ nở sớm". Trong 5 năm qua, gia đình anh đã mở rộng sản xuất với hơn 3.000 gốc mai có tuổi đời từ 40 đến 80 năm trên diện tích hơn 1 ha. Vườn mai cổ của anh Phương được chăm sóc với nhiều kiểu dáng độc, lạ là sự lựa chọn đáng tin cậy của khách hàng trong nước cũng như nước bạn Campuchia. Hiện, vườn mai có 10 lao động thường xuyên và khoảng 100 lao động thời vụ để chăm sóc mai cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Hiện, nhiều đơn vị, công ty, xí nghiệp đã xuống tận vườn mai của anh Phương để lựa chọn từng cây mai đẹp đặt cọc về chưng Tết.

Mai vàng cũng mang lại thu nhập cao cho các hộ nông dân tại huyện Bình Chánh. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao theo mô hình nông nghiệp đô thị, anh Lê Hữu Thiện, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây mía, cây riềng sang cây mai vàng nguyên liệu. Anh xây dựng mô hình trồng mai vàng trên chậu với số lượng 1.000 chậu trên diện tích 6.000 m2, doanh thu năm 2020 đạt bốn tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 người và 30 lao động thời vụ. Thị trường tiêu thụ mai vàng của anh Thiện chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Định, Bình Dương, Tây Ninh, Phú Yên. Bên cạnh đó, anh còn ươm mai giống, hỗ trợ bán thiếu cây giống cho nông dân có nhu cầu, đến khi bán mai mới thu lại tiền cây giống, tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc mai vàng, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên cây mai cho người nông dân. Theo anh Thiện, dịch Covid-19 tuy tác động mạnh đến nền kinh tế nhưng nhìn chung các chủ vườn mai vẫn giữ ổn định quy mô sản xuất. Trong bối cảnh thành phố và các tỉnh phía nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, hy vọng thị trường mai vàng Tết Nguyên đán năm nay vẫn sôi động như các năm trước. Nhiều chủ vườn mai nhận định, thời tiết năm nay thuận lợi cho cây mai phát triển, nụ mai có sức sống khỏe, nên sức bung của nụ mai sẽ mạnh, hoa đều và có sắc mầu vàng tươi. Với hơn 30 năm trồng mai, vườn mai Ba Sơn, phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức có hàng nghìn gốc mai lớn, nhỏ. Dịp Tết năm nay, ngoài việc bán một phần ra thị trường, phần lớn còn lại sẽ cho các công ty, khách hàng đến thuê chơi xuân trong mấy ngày Tết. Anh Nguyễn Thành Nhựt, chủ vườn mai Ba Sơn cho rằng: "Kinh nghiệm trồng mai lâu năm của tôi thì tôi không ngại thời tiết. Thời tiết không thuận lợi thì người trồng mai có thể xử lý để hoa ra đúng dịp Tết. Khó khăn mà người trồng mai năm nay đang phải đối mặt là giá nguyên liệu tăng, trong khi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến kinh tế của các gia đình, công ty, doanh nghiệp... Dự báo sức mua sẽ có giảm, còn về giá cả vẫn giữ ổn định như Tết Nguyên đán năm 2021". Anh Nhựt cũng cho biết, đối với các vườn mai lớn, có thời gian làm lâu năm thì thị trường tiêu thụ ổn định. Bởi, các vườn mai này đã có khách hàng quen trước đó, đến Tết họ thuê mai về chơi xuân. Khó khăn lớn nhất là các hộ trồng mai nhỏ, họ phải thuê mặt bằng bán mai Tết, trong tình dịch Covid-19 tác động xấu đến kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung, các hộ trồng mai dự báo sẽ gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Theo thống kê, thành phố có khoảng 500 ha diện tích trồng mai vàng. Còn số này giảm gần 50 ha so cách đây khoảng 10 năm. Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, một số hộ trồng mai chuyển sang trồng các loại cây kiểng, hoa lan... để hướng đến đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Mai vàng được xem là cây trồng chủ lực của thành phố, do đó ngành nông nghiệp có chủ trương tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh cho cây mai vàng để hướng đến xuất khẩu. Trong đó, ngành nông nghiệp thành phố tập trung đầu tư cho cây mai vàng ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, địa phương có hơn 270 hộ trồng mai với diện tích hơn 300 ha.