Tạo thêm động lực cho thành phố Hồ Chí Minh

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54), nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã tạo động lực mới để thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc phát triển. Ðể có thể phát huy hết tiềm năng của một đô thị đặc biệt, rất cần những cơ chế mới phù hợp hơn...

Hầm vượt sông Sài Gòn nối thành phố Thủ Ðức và khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Hầm vượt sông Sài Gòn nối thành phố Thủ Ðức và khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Là một trong những dự án giao thông được thực hiện nhờ chủ trương phân cấp phê duyệt đầu tư theo Nghị quyết 54, dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đang đẩy nhanh thủ tục và công tác giải phóng mặt bằng để chuẩn bị khởi công vào quý II năm nay. Dự án được HÐND thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư tăng từ gần 1.403 tỷ đồng lên hơn 4.849 tỷ đồng.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, đây là dự án rất cấp bách cho nên việc thành phố chủ động điều chỉnh quyết định đầu tư là kịp thời. Dự án đang được đẩy nhanh tiến độ khởi công để kịp hoàn thành, kết nối vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến khai thác từ năm 2023. Khi hoàn thành, dự án còn góp phần giảm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất, hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực quận Tân Bình.

Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa cũng là một trong 6 dự án (5 dự án nhóm A và 1 dự án nhóm B) sử dụng vốn ngân sách thành phố được HÐND thành phố phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng.

Thực hiện cơ chế ủy quyền theo Nghị quyết 54, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho các sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố trên các lĩnh vực như đô thị, môi trường, kinh tế, ngân sách, dự án, khoa học... qua đó rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ hành chính, thủ tục đầu tư đáp ứng nguyện vọng người dân và doanh nghiệp.

Thành phố đã ủy quyền cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao (rút ngắn thời gian còn 8 ngày so với quy định là 50 ngày), ủy quyền cho Sở Xây dựng quyết định duyệt giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 22 ngày làm việc xuống còn 19 ngày làm việc)...

Chủ tịch HÐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đánh giá, việc phân cấp, phân quyền trên nhiều lĩnh vực và triển khai các nội dung, đề án đạt một số kết quả tích cực, tạo sự chủ động nhiều hơn cho thành phố so với thời gian trước. Ðơn cử, việc HÐND thành phố được chủ động xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng hơn 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm kế hoạch sử dụng đất hằng năm được thực hiện có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của thành phố. Ðặc biệt, chính sách chi thu nhập tăng thêm góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, qua đó nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, giúp thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, việc đẩy mạnh ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả, phát huy được vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ. Tuy vậy, quá trình thực hiện Nghị quyết 54 vẫn còn nhiều vướng mắc, thành phố Hồ Chí Minh chưa làm được, thậm chí có thể chưa tận dụng hết 50% cơ chế mà Nghị quyết 54 đề ra. Ðó là chưa cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; các quy trình, thủ tục triển khai thực hiện dự án sau khi được phê duyệt vẫn còn chậm... Ðặc biệt, đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tình hình triển khai Nghị quyết 54 đối với việc ban hành các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định...

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, sẽ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 theo hướng kế thừa và tích hợp tất cả cơ chế, chính sách mà thành phố cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí "đầu tàu" về kinh tế-xã hội của cả nước. Trong đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với Ðề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Ðức; phân cấp cho thành phố Hồ Chí Minh quản lý một số lĩnh vực như đầu tư, tài chính ngân sách, kinh tế, đô thị và môi trường, văn hóa-xã hội, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và cán bộ, công chức... Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất Trung ương tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ điều tiết thu ngân sách 21% đến năm 2025 để tạo điều kiện cho thành phố có nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội...  

Theo HÐND thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 54 đã trao một số cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý, gồm: Ðất đai; đầu tư; tài chính-ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức có hiệu lực từ tháng 1/2018 đến hết năm 2022. Những chính sách đặc thù này đã tạo động lực mới, tích cực để một đô thị đặc biệt, đầu tàu về kinh tế-xã hội của cả nước tăng tốc phát triển.