Tăng tốc hai tuyến Metro trọng điểm

Mặc dù đang trong cao điểm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 nhưng tiến độ thi công cũng như nhập khẩu các đoàn tàu của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn được tập trung đẩy nhanh tiến độ; đồng thời, công tác bàn giao mặt bằng của tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng được thực hiện gấp rút để sớm khởi công vào cuối năm nay.

Đoàn tàu số 4 và số 5, tuyến Metro 1 vừa được hạ đặt tại cảng Khánh Hội để vận chuyển về depot Long Bình, TP Thủ Đức.
Đoàn tàu số 4 và số 5, tuyến Metro 1 vừa được hạ đặt tại cảng Khánh Hội để vận chuyển về depot Long Bình, TP Thủ Đức.

Năm trong số 17 đoàn tàu đã về Việt Nam

Tại depot Long Bình, TP Thủ Ðức, năm đoàn tàu của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên nhập khẩu từ Nhật Bản đã được hạ đặt nằm ổn định trên đường ray để chuẩn bị chạy thử trước khi đi vào vận hành. Hai trong số năm đoàn tàu vừa cập cảng Khánh Hội và vận chuyển về depot từ ngày 21 đến 23-6, ba đoàn tàu trước đó cũng được nhập khẩu và đưa về depot an toàn. Tàu được sản xuất tại Nhật Bản, tốc độ 110 km/giờ (đoạn trên cao) và 80 km/giờ (đoạn ngầm), theo thiết kế, mỗi đoàn tàu có ba toa dài 61m, chở được 930 khách.

Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố cho biết: Theo thiết kế sẽ có tổng cộng 17 đoàn tàu phục vụ cho tuyến Metro số 1 khi đi vào vận hành, đến nay đã có năm trong số 17 đoàn tàu được nhập khẩu về nước. Các giai đoạn vận hành thử nghiệm gồm vận hành trong depot, đoạn trên cao từ depot đến Bình Thái, từ depot đến Tân Cảng và cuối cùng là toàn tuyến. Ðồng thời, với việc thử nghiệm tàu là vận hành 11 hệ thống khác như hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray...

Cùng với việc xúc tiến nhanh để nhập khẩu các đoàn tàu về Việt Nam, các nhà thầu, đơn vị thi công cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị cũng đẩy nhanh tiến độ ở các gói thầu; trong đó có nhiều hạng mục đã thi công hoàn tất để sớm đưa tuyến Metro số 1 vào khai thác vận hành trong năm 2022.

Một trong những hạng mục quan trọng đã hoàn thiện sớm hơn kế hoạch như: hoàn trả mặt bằng của nhà ga Nhà hát thành phố, nhà ga Ba Son thuộc gói thầu CP1b, một phần mặt bằng của đoạn từ nhà ga Nhà hát thành phố đến nhà ga Bến Thành cũng được hoàn thiện và tái lập bên trên. Hiện nay, nhà thầu CP1a cũng đã triển khai công tác thi công san lấp, nhằm tái lập hoàn trả mặt bằng nhà ga trung tâm Bến Thành.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Huỳnh Hồng Thanh, trong bối cảnh dịch Covid-19, các nhà thầu và đơn vị thi công đều phải tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch để thực hiện mục tiêu kép "vừa thi công nhiều mũi vừa phòng, chống dịch trên công trường". Ðến nay, tuyến Metro số 1 đã đạt hơn 86% khối lượng toàn dự án.

Số lượng nhân sự trung bình thi công trên công trường của gói thầu CP1a đạt khoảng 730 người/ngày, vì vậy công tác kiểm soát phòng dịch luôn được giám sát thường xuyên và chặt chẽ nhằm bảo đảm cao nhất an toàn về phòng, chống dịch bệnh. Theo yêu cầu, kỹ sư các tổ, nhóm phải thông báo về tình hình khu vực lưu trú, cập nhật thông tin về người lao động trong khu vực cách ly, liên tục nhắc nhở về vệ sinh, khẩu trang, rửa tay sát khuẩn bảo đảm thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Khởi công tuyến Metro số 2 vào cuối năm

Cùng với tuyến Metro số 1, công tác giải phóng mặt bằng của tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang được đơn vị quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ, tập trung di dời hạ tầng kỹ thuật để kịp khởi công vào cuối năm nay. Ghi nhận dọc tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, khu vực bị ảnh hưởng dự án nằm trên địa bàn quận 1, 3 và quận Tân Bình, hàng trăm căn nhà đã được sửa sang mặt tiền sau khi bàn giao một phần diện tích bị giải tỏa cho địa phương, người dân hầu hết đều đồng thuận cao và sẵn sàng bàn giao mặt bằng.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố, dự án xây dựng tuyến Metro số 2 đi qua địa bàn của sáu quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích thực hiện hơn 251 nghìn m2. Hiện tại, các quận này đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường với 601 trong số 603 trường hợp (đạt 99,67%). Trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng toàn tuyến đã đạt 78,77% (475 trong số 603 trường hợp).

Cụ thể, quận Tân Bình đã bàn giao mặt bằng để xây dựng hai nhà ga (S10 - Phạm Văn Bạch; S11 - Tân Bình), quận Tân Phú bàn giao mặt bằng ba nhà ga (S9 - Bà Quẹo; S10 - Phạm Văn Bạch; S11 - Tân Bình) và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương, quận 10 đã bàn giao mặt bằng hai nhà ga (S3 - Dân Chủ; S5 - Lê Thị Riêng), quận 12 đang lập hồ sơ bàn giao đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương.

Cũng theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, riêng đối với các trường hợp đã bàn giao mặt bằng nhưng tạm sử dụng trên phần đất đã được thu hồi thì phải ký cam kết bàn giao khi có yêu cầu. Trước mắt, đối với bảy nhà ga đã có mặt bằng "sạch", Ban Quản lý đường sắt đô thị sẽ triển khai thi công di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cáp viễn thông, hệ thống cấp - thoát nước, điện... và đã hoàn tất việc ký kết biên bản ghi nhớ với các đơn vị, doanh nghiệp, chủ sở hữu hạ tầng kỹ thuật; tổ chức đấu thầu, tuyển chọn tư vấn thiết kế bản vẽ thi công di dời, tái lập các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án.

Với tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật và bàn giao mặt bằng cơ bản hoàn tất, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị nhận định, đến thời điểm hiện tại những khó khăn lớn đã được tháo gỡ, nhất là những khó khăn liên quan đến thủ tục, vốn cho nên công trình sẽ được khởi công vào cuối năm nay.

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN