Tận dụng thời cơ để doanh nghiệp tăng trưởng

Dịch Covid-19 kìm hãm sự phát triển của nhiều lĩnh vực, thế nhưng, đó lại là cơ hội giúp không ít doanh nghiệp tăng trưởng mạnh. Và công nghệ chính là chìa khóa giúp họ phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn giãn cách kéo dài.

Dạy học trực tuyến đã tạo ra cơ hội phát triển cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục.
Dạy học trực tuyến đã tạo ra cơ hội phát triển cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục.

Trong khi nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng "đóng băng" thì đợt dịch năm nay lại mang về doanh thu lớn nhất từ trước đến nay cho ứng dụng sách nói có bản quyền Voiz FM. Khác với năm 2020, năm 2021, nhiều khách hàng đã thay đổi hành vi tiêu dùng từ trực tiếp sang các loại hình số. Ðiều này, khiến số lượng người tải và sử dụng Voiz FM tăng đột biến từ cuối tháng 4 đến thời điểm này. Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc điều hành Voiz FM (Công ty cổ phần công nghệ WEWE) cho biết: Tốc độ tăng trưởng của ứng dụng này trong giai đoạn dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh khiến đội ngũ thực hiện, vận hành cũng ngạc nhiên. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bốn tháng trong đợt dịch cao gấp sáu lần so với bốn tháng trước đó.

Vào thời điểm mới ra mắt (tháng 1/2020), kho dữ liệu của Voiz FM chỉ có hơn 200 đầu sách thì bây giờ con số đã tăng gấp mười lần. Trước đây, trung bình mỗi tháng ứng dụng này chỉ có vài trăm nghìn phút được người dùng trả tiền để nghe trên hệ thống, thì hiện nay con số này đã tăng vọt lên 5 triệu phút mỗi tháng. Nhờ có sự chuẩn bị cơ sở vật chất và luôn cập nhật công nghệ nên khi cơ hội đến Voiz FM bắt nhịp rất nhanh. Sách nói, có bản quyền, mức giá từ 50 - 70% so với bản giấy, nhiều gói bán linh động là thế mạnh giúp ứng dụng này thu hút độc giả trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài. Hiện, Voiz FM có khoảng 500 nghìn người dùng, lúc cao điểm có hơn 20 nghìn người truy cập cùng lúc. Lượng khách hàng lớn đòi hỏi nền tảng công nghệ đủ mạnh để tránh tình trạng nghẽn mạng, đứng ứng dụng. "Ngay từ đầu, chúng tôi đầu tư kỹ lưỡng cho khâu chuẩn bị cơ sở vật chất, công nghệ để đủ khả năng phục vụ tốt cho lượng lớn người dùng. Các thuật toán thông minh được tích hợp giúp gợi ý nội dung người dùng. Trong giai đoạn giãn cách, khi toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà, nhiều diễn viên đọc sách ở trong khu phong tỏa hoặc bị đi cách ly, chúng tôi đẩy mạnh việc triển khai giọng đọc trí tuệ nhân tạo nên khá chủ động", ông Thạch cho biết thêm.

Sau khi hoàn thành kế hoạch phát triển với hơn 100 đầu sách trong giai đoạn giãn cách, thời điểm này, Voiz FM đang tập trung cho việc đa dạng hóa sản phẩm công nghệ để tăng tính cạnh tranh khi TP Hồ Chí Minh chuyển sang giai đoạn mới. Phim âm thanh, âm thanh hỗ trợ giấc ngủ, podcast (chuỗi các tập tin âm thanh hoặc video số mà người dùng có thể tải về và nghe)... là các hình thức mà Voiz FM sẽ tích hợp trên hệ thống trong thời gian tới để tăng tính sinh động, tiện ích nhằm "giữ chân" và gia tăng lượng người dùng.

Edtech - công nghệ giáo dục - cũng là lĩnh vực đạt được tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong đợt dịch này. Từ năm 2020 đến nay, trên thế giới có hơn 1,5 tỷ học sinh bắt buộc phải học ở nhà, học trực tuyến vì dịch Covid-19. Ở Việt Nam có khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên cũng phải ở nhà trong suốt nhiều tháng liền. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, việc học trực tuyến của học sinh phổ thông dự kiến sẽ kéo dài đến hết học kỳ 1. Khi người học buộc phải ở nhà, đồng nghĩa với việc công nghệ giáo dục sẽ có nhiều cơ hội phục vụ khách hàng. Trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, bà Laura Phan, nhà sáng lập và điều hành nền tảng công nghệ giáo dục iZi quyết định khởi nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của iZi cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ khi duy trì mức độ trung bình 100%/tháng suốt một thời gian dài. Thay vì tập trung vào phục vụ "người dạy" như nhiều nền tảng công nghệ giáo dục khác trên thị trường, iZi chọn đi theo hướng giải quyết bài toán trải nghiệm cho học sinh, sinh viên. Chính sự thay đổi này đã giúp iZi nhanh chóng tiếp cận và tạo được sự thích thú, tin tưởng trong đông đảo học sinh, sinh viên ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh.

Theo bà Laura Phan, thế mạnh của iZi chính là thấu hiểu để kịp thời nắm bắt nhu cầu thực tế của đa số người dùng. Các chương trình giáo dục trên nền tảng nhờ vậy mà đi vào đúng thị hiếu của đông đảo học sinh, sinh viên thay vì "cào bằng" hoặc phụ thuộc quá nhiều vào chương trình nền tảng. Việc nghiên cứu kỹ hành vi người dùng trước khi thiết kế chương trình đã giúp iZi nhanh chóng tạo được vị thế trong giai đoạn "nhà nhà học trực tuyến" như thế này. "Dịch Covid lần này cũng là cách để chúng tôi thử nghiệm sản phẩm với thị trường và may mắn đạt được sự đón nhận của cộng đồng rất nhiều. Sản phẩm này giúp khách hàng trải nghiệm việc học xoay quanh thiết kế trò chơi hóa và nội dung được phân chia nhỏ mỗi 5 phút, phù hợp các bạn trẻ", bà Laura Phan lý giải.

Cơ hội nhiều là vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng để phát triển mạnh mẽ trong đợt dịch này, nhất là các mô hình khởi nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều mà các doanh nghiệp cần bảo đảm chính là sự đổi mới không ngừng về mặt ý tưởng thì mới đủ sức cạnh tranh trong thị trường công nghệ nói chung và công nghệ giáo dục nói riêng. Theo chuyên gia Lê Nguyễn, Quỹ đầu tư mạo hiểm Ascend VietNam, muốn được đông đảo khách hàng đón nhận, trong khi tạo ra tính tương thích cao với thị trường, sản phẩm của các doanh nghiệp phải bảo đảm được sự khác biệt. Quan trọng hơn cả là sản phẩm đó phải cung cấp được giá trị thật sự sâu đối với người dùng. Ðể làm được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, đặc biệt là các start-up nghiên cứu thị trường thật kỹ. Họ cần tìm hiểu xem thị trường này đang cần cái gì và phải áp dụng những công nghệ nào, dòng sản phẩm đột phá nào để thay đổi cách tương tác, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.