Sinh viên hưởng lợi từ việc kết nối “hai nhà”

Việc tăng cường kết nối với doanh nghiệp, các sở, ngành đã không còn xa lạ với các trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh. Chính sự chủ động, linh hoạt trong xây dựng các mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” đã giúp các trường hiểu đúng, hiểu đủ nhu cầu của nhà tuyển dụng, thị trường lao động nhiều tỉnh mà điều chỉnh, bổ sung chương trình giảng dạy kịp thời. Sinh viên nhờ đó có thêm môi trường thực hành, thực tập và cả việc làm phù hợp sau khi rời giảng đường.

Trường đại học Tài chính-Marketing thường xuyên thực hiện các ký kết hợp tác nhằm mở rộng cơ hội trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cho sinh viên.
Trường đại học Tài chính-Marketing thường xuyên thực hiện các ký kết hợp tác nhằm mở rộng cơ hội trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cho sinh viên.

Trường đại học Tài chính-Marketing vừa ký kết hợp tác với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang và Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex nhằm tạo thêm cơ hội học tập, trải nghiệm, việc làm cho sinh viên. Theo đó, các bên sẽ cùng làm việc, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ để sinh viên nhà trường có được chương trình học tập, thực hành, thực tập sát với thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động.

Bên cạnh đó, hai bên cùng triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo, tập huấn; thực hiện các đề tài, dự án và kế hoạch nghiên cứu về kinh tế-xã hội góp phần phát triển hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương. Trước đó, nhà trường đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, marketing, bất động sản… Đại diện cơ sở giáo dục đại học này cho hay, bên cạnh các cơ hội trải nghiệm môi trường thực hành, cọ xát thực tế, việc phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa nhà trường với nhà tuyển dụng góp phần giúp cho công tác hướng nghiệp hiệu quả hơn.

Từ cơ sở thực tế này, nhà trường sẽ cùng phía doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn sinh viên thực hành nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp cũng như ứng dụng kiến thức chuyên môn vào thực tiễn trên nền tảng các phần mềm ứng dụng và những yêu cầu của nhà tuyển dụng trong giai đoạn hiện nay.

Tăng cường kênh kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp cũng là hướng đi được Trường đại học Gia Định lựa chọn để giúp sinh viên học gì làm nấy, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp. Sau nhiều năm triển khai mô hình này, đến nay, nhà trường ký kết thỏa thuận hợp tác với gần 1.000 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Nhờ mối gắn kết này, sinh viên của trường được kiến tập, thực tập, tham gia “học kỳ doanh nghiệp” ngay từ năm thứ nhất.

Mới đây, nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ủy ban hỗ trợ kinh tế Hàn - Việt và Tập đoàn BBPLUS KOREA. Cách đó không lâu là bản ký kết với sáu doanh nghiệp như Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Phú Nhuận, Công ty Truyền thông và Tổ chức sự kiện TV Media, Gia Nguyễn ADS…. Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh truyền thông Trường đại học Gia Định cho biết, quá trình thực tập, thực hành tại doanh nghiệp giúp sinh viên hiểu rõ hơn về ngành học mà bản thân đang theo đuổi để bổ sung những kỹ năng, kiến thức còn khuyết.

Thông qua chương trình kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, sinh viên của Trường đại học Gia Định được tạo nhiều cơ hội để làm quen với môi trường làm việc thực tế. “Năm thứ nhất, sinh viên đa phần được giới thiệu về ngành nghề. Năm thứ hai, các bạn được đi kiến tập, thực tập ngay tại doanh nghiệp. Tới năm thứ ba, sinh viên có thể tham gia “học kỳ doanh nghiệp”, đi thực tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp hoặc vào làm việc nếu nhà tuyển dụng có nhu cầu. Nhà trường luôn tìm mọi cách giúp sinh viên có trải nghiệm việc làm tại doanh nghiệp sớm nhất có thể để các em thích nghi nhanh, chủ động tiếp cận nhà tuyển dụng”, ông Toàn cho biết thêm.

Sau một thời gian đưa “Câu lạc bộ Doanh nhân đồng hành” đi vào hoạt động, đến thời điểm hiện tại, hầu như ngành học nào của Trường cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh cũng có giảng viên là doanh nhân. Không chỉ thỉnh giảng, gần 50 giảng viên doanh nhân này còn trực tiếp góp ý, hỗ trợ chỉnh sửa, cải tiến chương trình giảng dạy của từng bộ môn trên nền tảng thích ứng với nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp.

Chính sự phối hợp này đã giúp sinh viên nhà trường biết cần xoáy sâu vào kiến thức, kỹ năng nào thay vì cái gì cũng biết một ít. Việc tham gia giảng dạy cũng khiến nhiều doanh nhân hứng thú khi họ được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sau nhiều năm tích lũy, đồng thời sàng lọc và lựa chọn những “ứng viên” sáng giá cho doanh nghiệp mình. Việc nâng cao thời lượng thực hành lên 70% trong khung chương trình giúp sinh viên Trường cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh có thêm cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp. Sau khi tham gia đủ tiết lý thuyết tại trường, sinh viên được các khoa tạo điều kiện tối đa để tới doanh nghiệp thực hành, kiến tập, thậm chí làm thêm nếu được tuyển dụng.

Ở trường, doanh nhân là giảng viên, khi quay về doanh nghiệp, họ là người dẫn đường giúp sinh viên biết thêm những kiến thức cần có khi gia nhập môi trường làm việc thực tế. Mối quan hệ hợp tác với khoảng 500 doanh nghiệp tạo ra các khóa thực hành hiệu quả giúp từng ngành học thuộc Trường cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh linh hoạt gia giảm chương trình, bổ sung kỹ năng cần thiết giúp sinh viên tự tin khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hỗ trợ nguồn lực tài chính thông qua hình thức học bổng giúp nhiều sinh viên học giỏi, vượt khó an tâm theo đuổi chương trình đào tạo.

“Thật sự mà nói, sau nhiều năm triển khai mô hình này, chất lượng đầu ra của sinh viên cải thiện rõ rệt. Hiện tại, 100% sinh viên của chúng tôi tốt nghiệp là có việc làm, nhiều em khi đạt được thành công trong công việc quay lại chia sẻ với lớp sinh viên tiếp theo ở vai trò giảng viên doanh nhân. Việc kết hợp chặt chẽ giữa “hai nhà” giúp nhà trường kịp thời cập nhật, thay đổi để sinh viên đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, của nhà tuyển dụng. Được thực hành nhiều, sinh viên cảm thấy thích thú hơn rất nhiều.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình này và bổ sung thêm các chương trình kết nối, làm sao cho sinh viên nắm rõ nhất doanh nghiệp cần gì, bản thân thiếu gì mà trang bị đầy đủ”, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.