Quan tâm đời sống tinh thần của người dân

Cùng với chăm lo đời sống vật chất cho người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều đơn vị, địa phương tại TP Hồ Chí Minh còn quan tâm đời sống tinh thần trong những ngày giãn cách xã hội. Những quyển sách được đưa đến vùng cách ly, những địa chỉ sách điện tử hay các chương trình tư vấn tâm lý… đã giúp cho người dân cân bằng cuộc sống trong giai đoạn khó khăn này.

Đoàn viên, thanh niên phường 7, quận Phú Nhuận chuẩn bị trao sách tặng người dân trong khu cách ly.
Đoàn viên, thanh niên phường 7, quận Phú Nhuận chuẩn bị trao sách tặng người dân trong khu cách ly.

Ngay từ đầu tháng 7, Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và quận Phú Nhuận đã “gặp nhau” ở ý tưởng đưa sách đến khu cách ly. Từ đó, Quận đoàn quận Phú Nhuận phối hợp NXB Tổng hợp tổ chức chương trình với chủ đề “Khép cửa đọc sách” nằm trong hoạt động cao điểm “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19” của quận. 

Chương trình được chia thành hai đợt với gần 1.000 sách giấy được các bạn đoàn viên, thanh niên tình nguyện của quận đưa xuống từng nhà dân ở khu phong tỏa, khu cách ly tập trung trên địa bàn. Ban tổ chức còn cung cấp gói cước đọc sách điện tử (ebook) với hơn 200 đầu sách đọc trong ba tháng; nghe kho sách 2.000 quyển trên Ứng dụng Voiz FM (thuộc Công ty cổ phần công nghệ WeWe) trong vòng 30 ngày; 1.000 voucher miễn phí xem phim trên ứng dụng Galaxy Play do Công ty cổ phần Galaxy Play hỗ trợ. 

Bí thư Đoàn phường 7, quận Phú Nhuận Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ, chương trình này thật sự có ý nghĩa khi nhiều sách hay được trao đến tay những người dân đang thực hiện giãn cách xã hội. Những quyển sách đa dạng về thể loại sẽ giúp cho người dân, các em nhỏ có điều kiện trau dồi kiến thức, thư giãn, qua đó hạn chế những suy nghĩ tiêu cực trong thời gian cách ly. “Sau thời gian trao sách, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân và mong muốn có thêm nhiều đầu sách hơn nữa cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách này”, anh Nguyễn Văn Thịnh cho biết thêm. 

Là người phát sách cho người dân trong khu phong tỏa, anh Trương Nhật Minh, khu phố 4, phường 7, quận Phú Nhuận tâm sự, anh không quên được ánh mắt của các em nhỏ khi nhận sách. Anh cảm nhận được niềm vui của các em khi có những cuốn truyện thiếu nhi hay, những cuốn sách lịch sử bổ ích. Anh Minh chia sẻ thêm: “Nhiều người dân cho biết, nhờ đọc sách mà họ thấy nhẹ nhàng hơn, không còn sợ sệt hay suy nghĩ tiêu cực trong mùa dịch nữa”. 

Đối với Thư viện quận 6 (Trung tâm Văn hóa quận 6), việc thực hiện sách điện tử đơn vị đã tiến hành từ lâu. Từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên, Thư viện quận đã chủ động đưa sách điện tử đến với người đọc. Đến đợt dịch thứ tư này, sách điện tử được người đọc quan tâm nhiều hơn. Anh Trần Hồng, cán bộ Thư viện quận 6 cho biết, thư viện đã triển khai xuống 14 phường địa chỉ sách điện tử của đơn vị để người dân có điều kiện truy cập. Mỗi ngày, có hơn 100 lượt truy cập vào trang sachweb.vn của đơn vị. Anh Trần Hồng cho biết: “Nhiều bạn đọc từ Hà Nội cũng vào trang web sách điện tử của quận 6 để đọc, trong đó, không ít bạn đọc bày tỏ sự yêu thích. Đây là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ cán bộ Thư viện quận 6, để từ đó chúng tôi cập nhật thêm sách mới, hay phục vụ người dân trong những ngày giãn cách xã hội”.

Ban Thường vụ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp Văn phòng phía Nam - Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố và Công ty Đường sách TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách” với mong muốn đồng hành cùng thanh, thiếu nhi và người dân trên địa bàn thành phố, nhất là người dân tại các khu cách ly, phong tỏa có thể đọc những quyển sách hay, trang bị thêm những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Chị Trịnh Thị Hiền Trân, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết, Ban Thường vụ Thành đoàn đã tiếp nhận hơn 11.000 sách, truyện và 2.000 sách nói, 50 sách điện tử, 10.000 combo khóa học kỹ năng để tuyên truyền và gửi đến đoàn viên, thanh, thiếu nhi và người dân tại các khu phong tỏa, khu cách ly trên địa bàn thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ban tổ chức vẫn tiếp tục tiếp nhận đóng góp từ các đơn vị đồng hành để người dân có điều kiện trau dồi kiến thức, nâng cao sức khỏe tinh thần...

Mới đây, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH và NV), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đã ra mắt chương trình phi lợi nhuận “Vaccine tinh thần” hỗ trợ “sức khỏe” tinh thần cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại thành phố. 

Theo PGS, TS Ngô Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học KHXH và NV TP Hồ Chí Minh, đại dịch Covid-19 đã làm tăng tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần như trầm cảm, căng thẳng, rối loạn lo âu, ý định tự tử. Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của nhóm giảng viên Khoa Tâm lý học của trường cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người dân cảm thấy lo âu, trầm buồn, căng thẳng (stress), buồn chán, bứt rứt, cáu gắt, mất hứng thú, mất động lực, khó tập trung, đau đầu, mất ngủ… và có nhu cầu được hỗ trợ tâm lý rất cao. 

Dựa trên mô hình cung cấp dịch vụ sức khỏe tinh thần cho từng nhóm nhu cầu, trường đề xuất chương trình có ba nhóm nội dung hoạt động chính, gồm: Phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần; tham vấn và trị liệu tâm lý; hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19. Với chương trình “Vaccine tinh thần”, hy vọng nhiều người dân sẽ được nâng cao sức đề kháng tinh thần, giúp cá nhân trấn an, thích nghi, đương đầu tốt hơn với dịch bệnh; đồng thời, đầu tư năng lượng tích cực cho hoạt động học tập và lao động không chỉ trong đại dịch mà kể cả trong quá trình tái hòa nhập hậu Covid-19.