Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo định hướng, cơ cấu kinh tế của TP Hồ Chí Minh trong từ 5 đến 10 năm tới sẽ dịch chuyển mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp gắn với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Do đó, nguồn nhân lực mà thành phố cần trong thời gian tới là nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung nhiều ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp.
 

Sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo Trường cao đẳng Kỹ nghệ 2, TP Thủ Đức trong giờ thực hành. (Ảnh chụp trước ngày 31/5).
Sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo Trường cao đẳng Kỹ nghệ 2, TP Thủ Đức trong giờ thực hành. (Ảnh chụp trước ngày 31/5).

Nhận định của các chuyên gia cho rằng, CMCN 4.0 đã thúc đẩy nhiều ngành nghề mới phát triển như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning), phân tích dữ liệu, internet vạn vật (IoT) và robot tự động hóa... Cùng với đó, số hóa cũng tạo ra các công việc mới về tiếp thị phương tiện truyền thông xã hội, thiết kế ứng dụng vạn vật kết nối dựa trên nền tảng internet, kỹ sư phát triển phần mềm và phần cứng robot, kỹ sư phát triển công nghệ in 3D, chuyên gia phân tích thông tin y tế. Ngoài ra, một số ngành nghề khác, trong đó có kỹ sư chế tạo pin nhiên liệu, dược phẩm sinh học, năng lượng gió, năng lượng tái sinh để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp mới thân thiện với môi trường cũng sẽ được phát triển.

GS, TS Nguyễn Thị Cành, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết: CMCN 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến nguồn nhân lực trong từng lĩnh vực, nhóm ngành nghề đòi hỏi mang tính kỹ thuật cao. Dự báo, nhu cầu nhân lực nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ là một trong những ngành chiếm số lượng rất lớn. Tuy nhiên, hiện tại mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên ra trường vẫn còn hạn chế. Những ngành nghề kế tiếp có nhu cầu lớn như ngành công nghệ thông tin (CNTT) về phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng, CNTT trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác, công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô-tô, chế tạo vật liệu), các ngành sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D... Có khá nhiều ngành nghề nêu trên chưa có trong danh mục giáo dục, đào tạo của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, phát triển ngành thương mại điện tử (TMĐT) và CNTT là việc làm cấp bách. Để làm được điều này, thành phố cần có đội ngũ CNTT và TMĐT mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhóm nhân lực mới này cần hội đủ nhiều lĩnh vực, cả về tin học lẫn ngoại ngữ, có khả năng cập nhật các thành tựu CNTT mới nhất để vận dụng vào thực tiễn và có khả năng thiết kế các phần mềm đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế số. Đối với lĩnh vực cung ứng, để đáp ứng được yêu cầu trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng logistics 4.0 hiện nay, đòi hỏi nguồn nhân lực có khả năng cập nhật được những thay đổi của công nghệ logistics, đồng thời phải làm chủ được các thiết bị, máy móc đang dần thay thế công việc cho con người. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này cũng đang rất thiếu.

Các chuyên gia cho rằng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, thành phố cần nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với kinh tế số và quản lý đô thị thông minh. Cụ thể, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý đô thị, quản lý công của chính quyền địa phương; nhân lực cho các ngành dịch vụ như du lịch, tài chính - ngân hàng số, chuỗi cung ứng logistics; nhân lực giáo dục, y tế, các ngành kinh doanh thương mại dịch vụ; nhân lực cho khu vực công nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D…

GS, TS Nguyễn Thị Cành cho rằng, CMCN 4.0 đang diễn ra đã tác động mạnh mẽ mô hình kinh doanh, xuất hiện các lĩnh vực kinh doanh mới làm thay đổi cơ cấu ngành nghề trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Thành phố cần có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, trong đó có chương trình tái cấu trúc lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp do thành phố quản lý. Cần phân loại sắp xếp tầm quan trọng các cơ sở đào tạo theo ngành đào tạo mà nhà nước phải đầu tư, ngành học do thị trường quyết định qua các cơ sở đào tạo tư nhân. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề nghiệp phải có kiểm định chất lượng ở cấp các chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo nói chung. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa cung và cầu của nguồn nhân lực hiện nay, thành phố có thể đưa ra cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động. Thành phố cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng lao động trong các lĩnh vực, ngành nghề có sự thay đổi mạnh về mô hình kinh doanh, xuất hiện các ngành nghề mới. Các chính sách có thể bao gồm hỗ trợ những người có khả năng đào tạo lại, đào tạo mới để thích nghi với mô hình kinh doanh mới, ngành nghề mới.