Ô nhiễm bủa vây ngoại thành

NDO - Nhiều nông dân các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi "than thở" rằng, họ phải bỏ hoang đất hoặc sản xuất cầm chừng khi nguồn nước mặt bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp và việc di dời các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành đã khiến môi trường ở ngoại thành ngày càng bị "đầu độc".
Một con kênh ở xã Ðông Thạnh (Hóc Môn) ngập đầy rác, cỏ dại, nước kênh đen bốc mùi hôi thối.
Một con kênh ở xã Ðông Thạnh (Hóc Môn) ngập đầy rác, cỏ dại, nước kênh đen bốc mùi hôi thối.

Hơn nữa, những nhà máy, khu công nghiệp của các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An cũng "góp sức" vào tình trạng ô nhiễm ở các huyện ngoại thành.

Cách đây chừng năm, bảy năm, chỉ cần ra khỏi nội thành đến các huyện Hóc Môn hay Bình Chánh, người dân dễ dàng bắt gặp những cánh đồng lúa, những vườn rau xanh bạt ngàn. Thế nhưng hình ảnh đó hiện nay rất ít, thay vào đó là những bãi đất trống ngập đầy nước bẩn và cỏ dại. Ông Nguyễn Văn Thân, một nông dân trồng lúa lâu năm ở xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh) cứ đi ra đi vào nhìn khu đất trước đây là đất lúa mà giờ bỏ hoang tiếc rẻ: "Tiền không đó. Ðất giờ thì chuyển nhượng không được mà sản xuất cũng không được. Với gần một mẫu đất này, 5 năm trước tôi còn sản xuất lúa hai vụ, mỗi vụ cũng không dưới bốn tấn, không dư nhưng cũng đủ ăn. Bây giờ thì phải bỏ hoang, chờ giá đất lên kha khá sẽ kêu bán chứ nước đâu mà sản xuất nữa". Nhìn cánh đồng ngập nước, tôi hỏi: "Nước ngập trắng đó sao bác bảo không có nước mà sản xuất?". "Nước đó là nước bẩn, làm sao mà sản xuất được. Với lại mùa này mưa nhiều nên có nước, chứ nắng lại thì lấy nước ở đâu mà bơm vào. Kênh mương dẫn nước trước đây giờ ô nhiễm, đen thui hết rồi" - ông trầm ngâm. Quả thật, những con kênh ở khu vực Vĩnh Lộc này hiện nay đều trở thành kênh thoát nước thải khi bị cỏ dại trùm kín, nước kênh chuyển sang mầu đen và bốc mùi hôi thối.

Không chỉ ở khu Vĩnh Lộc, nhiều nông dân ở xã Ðông Thạnh (Hóc Môn) cũng tiếc rẻ khi nhìn đất của họ ngày càng hoang hóa bởi không có nước sạch sản xuất. "Bây giờ chỉ có thể khai thác nước ngầm trồng rau thôi, chứ nước mặt lấy đâu ra nước sạch mà tưới rau hay trồng lúa nữa. Anh thấy đấy, ở đây không con kênh nào còn nước sạch, toàn đen thui và bốc mùi" - ông Trần Thanh Vĩnh ở ấp 4 xã Ðông Thạnh cho biết. Ở xã Ðông Thạnh này, hiện nhiều người dân vẫn bám đất để trồng rau xanh an toàn cung cấp cho thành phố. Mặc dù các cánh đồng chung quanh ngập đầy nước, nhưng hầu hết người trồng rau phải khoan giếng ngầm để bơm nước tưới rau.

Không chỉ ở các vùng giáp nội thành, các huyện cách xa nội thành hàng chục cây số như Bình Chánh, Củ Chi vẫn bị nước bẩn và ô nhiễm môi trường tiến công. Dọc theo tuyến kênh giáp ranh giữa Củ Chi và tỉnh Long An, nhiều mảnh đất nông nghiệp cũng phải bỏ hoang vì không có nước sạch để sản xuất. Trong khi đó, nước kênh thì đen thui và bốc mùi do phải hứng nước thải từ các khu công nghiệp nằm trên địa bàn huyện Ðức Hòa (Long An) và các nhà máy trên địa bàn huyện Củ Chi. Bác Trần Văn Thời, sinh sống gần tuyến kênh này nói rằng, tuyến kênh ngày xưa cung cấp nước sản xuất cho vùng này, thế nhưng những năm gần đây nó bị ô nhiễm nặng nên không còn nhiệm vụ cung cấp nước sản xuất mà chỉ là tiêu thoát nước.

Trong khi đó, người dân ba xã lân cận khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) là Tân Nhựt, Tân Tạo, Lê Minh Xuân đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại và cầu cứu lên Hội đồng nhân dân thành phố vì môi trường sống bị ô nhiễm nặng do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ Khu công nghiệp Lê Minh Xuân và lân cận thải ra. Theo người dân sinh sống ở khu vực này cho biết, nguồn ô nhiễm hiện nay đã thẩm thấu vào cả nước ngầm. Nếu như trước đây người dân khoan giếng khoảng 45 m là dùng được, rồi sau đó phải khoan sâu từ 150 đến 200 m mới có nước sạch, nhưng nay khoan sâu ở độ này nước cũng bị hôi.

Ngoài ra, địa bàn huyện Bình Chánh còn hứng chịu một nguồn gây ô nhiễm khác xuất phát từ thượng nguồn đó là nước thải từ các nhà máy thuộc huyện Hóc Môn, Củ Chi (như tại bãi rác Ðông Thạnh, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi) tuôn thẳng ra kênh Thầy Cai - An Hạ, dẫn đến nguồn nước tại nơi tiếp giáp là xã Phạm Văn Hai có lúc đen ngòm và hôi thối. Nhiều người dân cho biết, khi có đoàn kiểm tra thì các doanh nghiệp đối phó bằng cách hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động nên không phát hiện được hành vi xả thải ra môi trường. Ðể qua mắt lực lượng chức năng, các doanh nghiệp thường chọn thời điểm đêm tối, lợi dụng những lúc trời mưa, thủy triều lên cao để "tẩu tán" nước thải chưa qua xử lý ra kênh, rạch.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, các tuyến kênh ô nhiễm nặng ở TP Hồ Chí Minh có thành phần rất đa dạng, chủ yếu là những chất lơ lửng, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và kim loại nặng...Tại những khu vực bị phát hiện ô nhiễm môi trường cao, nồng độ các chất thải như BOD, COD, SS, kim loại nặng... đều vượt quy chuẩn loại B, nước biến thành sông đen và gây mùi hôi thối. "Ðiều đáng lo là các chất thải trên đã và đang thấm sâu vào môi trường nước, gây tổn hại không ít đến sức khỏe cộng đồng. Qua số liệu quan trắc của chúng tôi, các chỉ tiêu về ô nhiễm đang có sự gia tăng theo từng năm với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn"- một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết.

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã kiên quyết xử lý các trường hợp doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bị phạt đi phạt lại nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm. Ðiển hình như Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước - Nhà Bè). Cuối tháng 9 vừa qua, Ban Quản lý các KCX - KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza) đã bàn giao hồ sơ vi phạm của công ty này đến thanh tra chuyên ngành để tiếp tục xử phạt về hành vi vi phạm môi trường. Trước đó, công ty này đã bị phạt ít nhất hai lần cũng vì hành vi xả khí thải, xả nước thải ra sông Ðồng Ðiền và mới đây các ngành chức năng cũng kiến nghị UBND thành phố đóng cửa doanh nghiệp này.

Ông Lê Hữu Quang, Trưởng phòng kinh doanh dịch vụ khách hàng  thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho rằng, việc gây ô nhiễm nguồn nước diễn ra rất nhanh và tác hại rất lớn nhưng việc phát hiện và xử lý thì quá chậm và hậu quả đã rồi. Ngoài ra, nhận thức về bảo vệ môi trường đặc biệt là bảo vệ nguồn nước của người dân, các doanh nghiệp rất hạn chế. "Rõ ràng việc xả rác ra đường, xả thải ra sông còn phổ biến là do công tác tuyên truyền và công tác xử lý của chúng ta còn chậm và nhẹ. Chúng ta cũng có đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng nâng cao nhận thức đoàn thanh niên, hội phụ nữ...tham gia vận động người dân làm sạch môi trường, tuy nhiên vấn đề nằm ở việc xử phạt chưa nghiêm khắc. Nếu như doanh nghiệp, đơn vị nào cũng bị phạt như Vê - đan thì ai dám làm nữa"- ông Quang nói.

Trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri của HÐND thành phố, nhiều người dân đã đề nghị các ngành chức năng thành phố nên có những biện pháp kiên quyết hơn trong việc xử lý những doanh nghiệp, đơn vị có những hành vi xả thải ra môi trường không đúng quy định. Chỉ có như thế mới hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và sản xuất của người dân. "Nếu thành phố không có các biện pháp tích cực ngay từ bây giờ, thì không bao lâu nữa tình trạng ô nhiễm sẽ tràn lan và trầm trọng hơn" - nông dân Nguyễn Văn Năm nói.

Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có 6/15 khu công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng qua kiểm tra đã phát hiện có nồng độ chất thải vượt quy chuẩn cho phép từ gần hai lần đến gần 40 lần. Hàng loạt khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường đang nằm trong "tầm ngắm" của các ngành chức năng, như: Khu công nghiệp Cát Lái 2, Hiệp Phước, Tân Tạo, Tân Thới Hiệp... Những đơn vị khác nhẹ hơn là: Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu chế xuất Linh Trung III... Trong khi đó, tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 8.700 ha, trong đó 21 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng lượng nước thải công nghiệp khoảng 49.000 m3/ngày đêm. Qua kiểm tra của các ngành chức năng mới đây đã phát hiện 14/21 khu công nghiệp ở tỉnh này xả thải vượt chuẩn cho phép. Những khu công nghiệp được xếp hạng "đen" là Khu công nghiệp Bình Ðường, Sóng Thần 2, Tân Ðông Hiệp A, Tân Ðông Hiệp B... Trong khi đó, Bình Dương là tỉnh "đầu nguồn" của TP Hồ Chí Minh nên khi các khu công nghiệp của Bình Dương xả thải thì TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng.