Nỗ lực sớm trở lại cuộc sống bình thường mới

Dịch Covid-19 kéo dài suốt nhiều tháng qua đã tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của thành phố. Trong bối cảnh đó, vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa tính toán lộ trình để phục hồi kinh tế - xã hội là hai vấn đề lớn quan trọng cần thực hiện song song đã được nhiều chuyên gia gợi mở, đặt vấn đề để đưa thành phố trở lại với sự năng động, phát triển vốn có.

Sản xuất tại Công ty cổ phần may Nhà Bè.
Sản xuất tại Công ty cổ phần may Nhà Bè.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khá phức tạp, điều người dân quan tâm là thành phố sẽ có những giải pháp nào để vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch hiệu quả nhưng vẫn tạo điều kiện để khôi phục nền kinh tế, sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.

Những gam màu xám

Vốn được xem là địa phương năng động, có nền kinh tế phát triển đứng đầu cả nước nhưng suốt nhiều tháng qua, nhiều ngành kinh tế quan trọng của TP Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng nặng nề. Đơn cử, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp (DN) công nghiệp chế biến, chế tạo giảm đến 22,1% so với cùng kỳ 2020. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Đối với bốn ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 giảm 10,9% so với cùng kỳ năm truớc.

Theo Cục Thống kê thành phố, từ ngày 1/1 đến 20/9, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố là 2,35 tỷ USD, giảm 27,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn thành phố giãn cách, chỉ có 1.790/289.000 DN duy trì được hoạt động. Số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách xã hội là hơn một triệu người, chiếm 41,2% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Các con số thống kê đối với các ngành dịch vụ, nhà hàng ăn uống,… cũng đều hết sức ảm đạm.

Viện trưởng Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân cho biết: Đại dịch Covid-19 cho thấy, đến cuối tháng 9, quy mô nền kinh tế của thành phố vẫn chưa vận hành đến 50%. Nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, các tổn thất DN, nền kinh tế đang gặp phải là tình trạng thiếu hụt lao động, dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản; nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng,…

Đánh giá về tình hình hiện tại cũng như định hướng cho việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong giai đoạn bình thường mới, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng: Thành phố chưa bao giờ gặp khó khăn, chịu sự tác động nặng nề về kinh tế - xã hội như hiện nay. Dù dịch bệnh đã được cải thiện nhưng các nguy cơ, tiềm ẩn vẫn đòi hỏi thành phố phải hết sức nỗ lực, tuyệt đối không chủ quan, buông lỏng. Nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế rất quan trọng trong giai đoạn này, hai nhiệm vụ: Phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội cần có sự tính toán, có lộ trình phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Thành phố luôn lắng nghe những hiến kế, đóng góp của đội ngũ DN, chuyên gia, người dân để tạo ra các giải pháp đột phá giúp kinh tế thành phố phục hồi, tạo đà phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Cần sự khẩn trương, đồng bộ

TP Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Đó là, lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng âm gần 25% trong quý III/2021 và âm gần 5% trong 9 tháng năm 2021. Với vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế của các tỉnh, thành phố phía nam và cả nước, thành phố đóng góp khoảng 22% GDP, gần 30% ngân sách quốc gia và là trung tâm kinh tế gắn kết chặt chẽ các vùng nên việc thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế của thành phố có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế cả vùng và cả nước.

Để quá trình đó diễn ra nhanh hơn, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng, giải pháp trước mắt, thành phố cần phục hồi sản xuất, khôi phục những đứt gãy của chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp các DN “hồi phục sức khỏe” để quay trở lại thị trường. Về lâu dài, chính quyền và DN cần gắn quá trình phát triển với chương trình số hóa và tái cơ cấu nền kinh tế. Trong tình hình “sức khỏe” của DN còn rất yếu như hiện nay, thành phố phải là “bà đỡ” để hỗ trợ DN, trong đó, triển khai hiệu quả giải pháp về hỗ trợ tài chính và chính sách nới lỏng tín dụng sẽ góp phần kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế. PGS, TS Hoàng Công Gia Khánh (Trường đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, cần có giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng; tạo thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và tái cấu trúc nợ của các DN bị ảnh hưởng dịch.

Vì thế, các chính sách hỗ trợ DN còn phải hướng đến việc bảo đảm các DN phải hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc, nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại thành phố. Ngoài ra, thành phố cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ ban hành chính sách, các chính sách cần có sự nhất quán và đồng bộ.

Theo GS, TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, để quá trình phục hồi nền kinh tế diễn ra nhanh hơn, thành phố có thể áp dụng tổng hòa của các giải pháp: Độ phủ vắc-xin, chính sách chống dịch đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, từng bước phục hồi nguồn cung lao động cho các khu công nghiệp, nhà máy, cung cấp vốn và lãi suất ưu đãi cho DN; trong đó, thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các DN thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm thuế, miễn thuế VAT, thuế thu nhập DN một cách hợp lý. Về dài hạn, thành phố cần có chính sách chăm lo phúc lợi và an sinh xã hội cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp; tăng cường hàm lượng công nghệ hiện đại và tăng tỷ lệ lao động trình độ cao ở các nhà máy sản xuất… .