Niềm tin trong đại dịch

Thực hiện giãn cách xã hội là biện pháp đúng đắn, kịp thời của TP Hồ Chí Minh để ngăn chặn dịch Covid-19 đang lây lan phức tạp trên địa bàn thành phố. Trong đại dịch, nhiều người vẫn bình tĩnh mưu sinh, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng tránh để bảo vệ bản thân và những người chung quanh với niềm tin đại dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi…

Một trong các quán chỉ bán hàng cho khách mang đi.
Một trong các quán chỉ bán hàng cho khách mang đi.

Từ 0 giờ ngày 31-5, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, diễn biến phức tạp ở nước ta, đây là lần thứ hai TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều người dân ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm, không còn lo lắng, lúng túng như lần đầu.

Anh Hồ Dũng, 40 tuổi, chạy xe ôm công nghệ chuyên giao thức ăn cho khách, bộc bạch: "Thay vì hoảng loạn, lo lắng như trước, tôi bình tĩnh sắp đặt công việc trong thời gian tới thích hợp hơn, trang bị cho mình đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn mỗi khi đi làm".

Anh Dũng quê tận Cà Mau, đã có hơn 10 năm "bám trụ" ở thành phố với nhiều nghề mưu sinh như kinh doanh nhỏ, công nhân, chạy xe... Với thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, anh Dũng đủ trang trải cuộc sống nơi phố thị và tiết kiệm phần nào gửi về quê cho cha, mẹ già. "Những ngày gần đây dịch bệnh phức tạp, thành phố giãn cách nhưng tôi vẫn bám trụ dù biết cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Nhiều khu dân cư bị phong tỏa, thì những người chạy xe công nghệ giao thức ăn như tôi chính là sự mong đợi của rất nhiều người. Do đó tôi đã chọn ở lại", anh Dũng cho biết thêm.

Mở quán cà-phê - cơm văn phòng chưa được bao lâu thì rơi vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại ở nhiều địa phương trên cả nước và tại thành phố, dù rất chật vật nhưng chủ quán KINO Nguyễn Ðình Du ở quận 3 vẫn cố bám trụ. "Chúng tôi chuyển sang bán mang về, nhận giao hàng tận nơi, giảm giá khi khách mua trực tuyến… Nhờ chất lượng và phục vụ chu đáo, quán vẫn có rất nhiều khách ủng hộ, đơn hàng có đều đặn mỗi ngày", anh Nguyễn Ðình Du cho biết. Cũng theo chủ quán KINO, anh rất tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mà chính quyền thành phố đang triển khai, tin chắc rằng đợt dịch lần này sẽ nhanh chóng được kiểm soát.

Xóm trọ công nhân nằm sâu trong con hẻm 54 ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân yên ắng hơn khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Kéo cánh cửa tôn thủng lỗ chỗ, chị Trần Thị Nam, 40 tuổi, quê Cần Thơ, ngần ngại cho hay: "Tôi bán rau, củ ở Khu công nghiệp Tân Tạo, nay giãn cách xã hội nên tạm thời không được bán nữa. Tôi đang tìm việc làm thêm nhưng cũng chưa ai thuê mướn…".

Còn chị Thanh Vy, hướng dẫn viên du lịch ở quận 3, sống trong cảnh "ngồi chơi xơi nước" gần hai năm qua. "Công ty của mình chủ yếu dẫn khách ra nước ngoài. Từ lúc có dịch, biên giới đóng cửa, công ty hướng đến các tua nội địa nhưng cũng rất khó khăn. Khi có ca dương tính ngoài cộng đồng, các tuyến đều đóng băng trở lại. Mình phải làm đủ nghề để kiếm sống từ dạy thêm, bán hàng online", chị Thanh Vy cho biết.

Khi đề cập đến chuyện về quê, tất cả đều lắc đầu vì ở thành phố dù khó khăn nhưng vẫn có thể cầm cự chờ dịch mau qua. "Chúng tôi rất tin tưởng và thực hiện nghiêm túc yêu cầu của chính quyền. Ai cũng mong với sự quyết liệt, nỗ lực của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế để người dân ổn định cuộc sống", chị Thanh Vy tâm sự...

Với nhiều người lao động, còn có việc làm trong giai đoạn này là may mắn, nên họ dốc sức cùng doanh nghiệp để duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh. Phía đơn vị sản xuất cũng quan tâm đời sống công nhân, giúp họ vừa chấp hành phòng dịch, vừa yên tâm sản xuất.

Ðại diện Công ty may mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi) cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhưng công ty đã tăng mức thưởng chuyên cần cho người lao động từ 350.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng. Công ty vẫn duy trì mức hỗ trợ tiền nhà trọ, xăng xe 250.000 đồng/tháng cho tất cả công nhân. Ðến nay, công ty chưa phát hiện trường hợp nào phải cách ly để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng nếu có người lao động nào đến từ vùng có dịch phải cách ly để phòng, chống, công ty sẽ thương lượng về tiền lương trong những ngày phải cách ly.

Ðại diện Công ty cổ phần An Khuê ở huyện Nhà Bè (chuyên gia công quần áo thời trang xuất khẩu) cũng cho biết, bên cạnh việc duy trì các chế độ phúc lợi như trong thỏa ước lao động tập thể, dự kiến sắp tới công ty sẽ nâng mức hỗ trợ người lao động bị tai nạn lao động, ốm đau, thai sản... với mức trợ cấp từ một đến ba triệu đồng; người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trợ cấp từ ba đến 10 triệu đồng mỗi trường hợp...

Cùng với quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian này, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có đông lao động trên địa bàn phường tạm thời đóng cửa.

Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc Hồ Tấn Thành cho biết, phường có hơn 60.000 dân, trong đó hơn 50% là người từ các địa phương khác đến sinh sống, làm việc, tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Vì vậy, phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm soát chặt cư dân là công nhân, lao động tại các khu trọ và người đến từ các địa phương. Cùng với đó, phường đã triển khai đến các khu phố, tổ dân phố địa điểm và số điện thoại các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn để người dân có nhu cầu gọi điện đến sẽ được phục vụ tận nhà. Phường cũng đang rà soát, lên danh sách những trường hợp khó khăn để kiến nghị quận, thành phố hỗ trợ kịp thời...

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có công văn gửi các đơn vị liên quan về bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến đường, các chốt kiểm soát trên địa bàn quận Gò Vấp. Việc này nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc các loại phương tiện giao thông kéo dài, tập trung tại các chốt kiểm soát trên 15 tuyến đường chính dọc theo địa bàn quận Gò Vấp đã diễn ra trong hai ngày đầu của đợt giãn cách xã hội lần này.