Những vần thơ xao xuyến lòng người…

Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương nam” được tổ chức trong những ngày thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn nhất do dịch Covid-19. Thật bất ngờ, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo tác giả với nhiều tác phẩm hay, giàu cảm xúc, chia sẻ phần nào nỗi đau của người dân thành phố trong những tháng ngày không thể nào quên…

Tác phẩm thơ “Nhân nghĩa đất phương nam” được ra mắt trong buổi lễ trao giải cuộc thi.
Tác phẩm thơ “Nhân nghĩa đất phương nam” được ra mắt trong buổi lễ trao giải cuộc thi.

Buổi trao giải cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương nam” diễn ra ấm cúng tại trụ sở Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Chia sẻ về lý do tổ chức cuộc thi này, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, khi thành phố trở thành tâm dịch với biết bao đau thương, là người cầm bút có lẽ không ai không day dứt trước trang viết của mình. Với văn chương, thơ là thể loại với thế mạnh trực diện của cảm xúc, là ưu tư giằng xé từ trái tim cho nên phần nào cũng dễ dàng chạm đến trái tim người đọc. Đó cũng là lý do mà Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, dù sống trong tâm dịch, đang cùng cả thành phố chống chọi với dịch bệnh với bao bất trắc, khốn khó, mất mát, đau thương, đã tổ chức cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương nam”.

Sau hơn hai tháng, Ban tổ chức đã nhận hơn 1.500 bài thơ của gần 700 tác giả dự thi và hưởng ứng cuộc thi. Đây là con số ấn tượng đối với cuộc thi ngắn ngày lại được tổ chức trong thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội.

Nhiều bài thơ được gởi đến từ những y sĩ, bác sĩ, quân nhân đang trực chiến nơi tuyến đầu chống dịch. Những bài thơ được viết từ những bệnh nhân Covid-19 vừa thoát khỏi “tử thần”. Nhiều tác giả tên tuổi. Một số tác giả sinh sống ở nước ngoài. Và còn rất nhiều tác giả làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, có vị trí địa lý trải dài từ Lũng Cú (Hà Giang) cho tới mũi Cà Mau… cũng gửi tác phẩm về dự thi.

“Qua những tác phẩm gửi về dự thi, tôi nhận thấy, những bài thơ đem lại cảm xúc cho độc giả được viết bằng cả trái tim đối với những đau thương, mất mát mà con người phải gánh chịu trong đại dịch, cũng như đã đồng cảm, sẻ chia và lan tỏa những giá trị nhân văn mà không chỉ là riêng con người của đất phương nam mới có được”, nhà văn Bích Ngân cho biết.

Nhà thơ Lê Minh Quốc, Trưởng Ban chung khảo cuộc thi tâm sự, để chọn ra những tác phẩm đoạt giải chính thức quả thật là điều không dễ dàng gì. Có thể nhận xét, các bài thơ tham gia cuộc thi thể hiện theo nhiều phong cách thơ, nhiều thể loại thơ cùng cảm nhận chủ đề “nhân nghĩa” qua nhiều góc nhìn khác nhau…

“Đây là điều kỳ diệu khi cuộc thi thơ đã được người yêu thơ cả nước quan tâm. Thế thì, chọn thế nào hợp lý nhất cho những bài thơ có chất lượng từ hình thức đến nội dung? Câu hỏi này đặt ra cho mỗi thành viên Ban Giám khảo và chúng tôi đã cân nhắc, tranh luận nhiều lần để có một kết quả như đã công bố”, nhà thơ Lê Minh Quốc cho hay.

Giải nhất cuộc thi thơ đã được trao cho tác giả Tự Hàn, là một bác sĩ. Mỗi bài thơ được trao giải của tác giả Tự Hàn là một cung bậc khác nhau. Tác giả tưởng niệm người đồng đội đã hy sinh ở tuyến đầu chống dịch bằng những câu trĩu nặng cảm xúc: “Tôi chưa kịp về anh đã theo mây/những đám mây quặn thắt/những đám mây ngơ ngác/những đám mây thép gai cào cắt/Sài Gòn mưa trong lòng âm âm”.

Phát biểu trong buổi nhận giải, tác giả Tự Hàn tâm sự: “Cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương nam có ý nghĩa động viên, chia sẻ, tri ân với những khó khăn, đau thương và cả mất mát do dịch Covid-19. Khoảnh khắc này thật sự ý nghĩa. Là nơi khởi đầu của một giấc mơ và là kết quả của niềm đam mê thơ, tôi là một bác sĩ thiên về khoa học tự nhiên, nhưng dường như thơ là cuộc rong chơi của định mệnh. Thơ đã chọn tôi và giúp tôi gửi trao tấm lòng”.

Tác giả Tự Hàn bày tỏ, trong cuộc thi này có nhiều nhà thơ rất xuất sắc nhưng ban giám khảo đã chọn anh có lẽ do những câu thơ của anh là tâm sự tận đáy lòng phản ánh thực tế qua ngôn ngữ thi ca và có lẽ ban giám khảo muốn động viên và tiếp thêm sức mạnh cho những người làm nghề y như tác giả được tận tâm cống hiến với y đức, lương tâm và trách nhiệm…

Có thể nói, ấn tượng lớn nhất, sâu sắc nhất mà cuộc thi thơ để lại chính là vẻ đẹp của ngôn từ, vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp của đối tượng thi ca mà ở đây là con người nghĩa nhân, là phẩm cách can trường, biết hy sinh, biết nhận về mình phần gian khó, không chỉ mới có được trong thử thách nghiệt ngã của đại dịch mà đã được tôi luyện qua chiều dài lịch sử giữ nước và xây dựng đất nước của cả một vùng đất. Ấn tượng đó, có thể nói gọn là cuộc thi thơ đã diễn ra với đúng tên gọi của nó.

Nhà thơ Lê Minh Quốc nhận định, qua cuộc thi, các nhà thơ, các tâm hồn thơ cảm thấy rằng, mình không thể “Lạc giữa trần gian bước hững hờ”, mà cần phải nhập cuộc đặng chia sẻ với nỗi đau, niềm thống khổ của tất cả mọi người, đặng cất lên tiếng kêu thương của “người trong một nước”.

“Qua cuộc thi này, chúng tôi tin rằng các tấm lòng nhân nghĩa của người phương nam một lần nữa sẽ được các nhà thơ tái hiện, lấy đó làm chất liệu để viết nên những bài thơ, câu thơ xao xuyến lòng người. Cuộc thi thơ lần này cho thấy Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực, kịp thời góp cùng thành phố, cùng phương nam, cùng cả nước tiếng thơ, tiếng lòng chan chứa ân tình…”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ ■