Những kỷ niệm không thể nào quên

21 năm công tác trong ngành y, đây là lần đầu tiên bác sĩ Nguyễn Văn Toàn và nhiều đồng nghiệp khác có một chuyến công tác nhiều ngày như thế. Một chuyến công tác đầy ắp các kỷ niệm khi họ trực tiếp đi vào tâm dịch để hỗ trợ các đồng nghiệp ở miền nam ruột thịt tham gia phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Toàn thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TP Thủ Ðức. Ảnh NVCC
Bác sĩ Nguyễn Văn Toàn thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TP Thủ Ðức. Ảnh NVCC

Một ngày cuối tháng 8/2021, bác sĩ Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cùng các đồng nghiệp hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến TP Hồ Chí Minh tham gia chống dịch. Khác xa hình ảnh nhộn nhịp ngày thường tại đây, không gian ở sân bay vắng vẻ, im ắng đến lạ thường. Dù ít nhiều có được thông tin tình hình từ các cơ quan chức năng thành phố, báo chí, nhưng chứng kiến những hình ảnh về một "Sài Gòn đang ốm nặng" khiến đoàn công tác xen lẫn những cảm xúc, tâm trạng khó tả về nhiệm vụ phía trước. Là người dẫn đầu đoàn y, bác sĩ 59 người (chín bác sĩ, 50 điều dưỡng, kỹ thuật viên) vào nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TP Thủ Ðức, bác sĩ Toàn và các đồng nghiệp xác định, đây là một nhiệm vụ quen mà lạ, tâm tư nhưng lòng đầy quyết tâm để chiến thắng giặc Covid-19.

Bác sĩ Toàn tâm sự: "Dù biết nhiệm vụ phía trước luôn gian nan, vất vả nhưng chúng tôi luôn vững ý chí vì từ nhiều tỉnh, thành phố khác, đội ngũ y, bác sĩ đã tập trung về đây khiến cho khí thế diệt "giặc" càng thêm cao. Vì bệnh Covid-19 là bệnh mới, ở đây lại tập trung nhiều y, bác sĩ từ nhiều vùng của đất nước nên anh em trong đoàn cũng mất một thời gian ngắn làm quen, bắt đầu từ việc tìm hiểu về phương thức hoạt động của bệnh viện, tìm hiểu các phác đồ điều trị và kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước; là lần đầu tiên vào TP Hồ Chí Minh công tác nên nhiều y, bác sĩ còn chưa quen với ngôn ngữ vùng miền và cách thức sinh hoạt của mỗi khoa phòng. Thế nhưng, với quyết tâm sớm hòa nhập để tập trung cứu chữa bệnh nhân, chúng tôi đã vượt qua tất cả để cùng nhau sát cánh trên các mặt công tác".

Là một trong các bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị thuộc tầng thứ hai của tháp điều trị Covid-19. Ðặc thù của tầng này bao gồm các bệnh nhân nặng và trung bình, trong đó có nhiều bệnh nhân phải thở mask (thở oxy qua mặt nạ), có bệnh nhân phải thở oxy dòng cao (HFNC). "Những ngày trong tâm dịch, số lượng bệnh nhân đang điều trị vốn đã quá tải, lại thêm lượng bệnh nhân nhập viện mới khiến không khí làm việc tại các tầng điều trị luôn rất căng thẳng. Sau mỗi ca trực kéo dài hơn 8 giờ đồng hồ, khi anh em cởi bỏ bộ đồ bảo hộ y tế, cơ thể gần như rã rời. Mệt nhưng chúng tôi chưa bao giờ có ý định dừng lại" - bác sĩ Toàn quả quyết.

Có những lúc, ê-kíp lặng người trước một bệnh nhân vì họ không vượt qua được, dù đội ngũ y, bác sĩ đã làm mọi điều tốt nhất có thể. Nhưng cũng có những ánh mắt, nghị lực của bệnh nhân như một liều thuốc an thần động viên đội ngũ tuyến đầu tiếp tục chiến đấu với giặc Covid-19. Bác sĩ Toàn nhớ lại: Khi thăm khám, một bệnh nhân khoảng 30 tuổi khẽ lôi tay tôi lại và nói nhỏ "Bác sĩ cố cứu em, vợ em bị nhiễm và mất rồi, em phải sống để nuôi hai đứa nhỏ đang chờ ở nhà". Nghề y, tôi đã nhiều lần chứng kiến sự kỳ vọng của bệnh nhân nhưng cái nắm tay hôm đó khiến tôi nhớ mãi. Vui biết bao, bệnh nhân đã xuất viện không lâu sau đó. Ðó là thứ cảm xúc để giúp chúng tôi luôn trân quý và nỗ lực hơn để gắn bó với nghề".

Cùng sát cánh bên nhau trong những ngày gian khó, nhiều thành viên trong đoàn tuổi đời còn trẻ, mỗi người, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung quyết tâm và bầu nhiệt huyết với nghề. Không ai nói ra nhưng tất cả đều cảm nhận: Họ đã hy sinh rất nhiều thứ để nỗ lực giữ tính mạng của bệnh nhân, sức khỏe cho đồng bào. Họ tin tưởng rằng: Cuộc chiến với giặc Covid-19 đã có những dấu hiệu khả quan hơn. Thành quả đó là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó, những chiến sĩ blue trắng xứng đáng là những người được tôn vinh trên tuyến đầu chống dịch. Với họ, đây là chuyến đi nhớ mãi, chuyến đi vì tình người.

Hơn hai tháng qua, gần 30 nghìn y, bác sĩ, nhân viên đã đến và đi vào tâm dịch với quyết tâm cao nhất, không nề hà hy sinh, vất vả. Họ đã hy sinh những lợi ích của bản thân, xa gia đình, đơn vị để toàn tâm, toàn ý tham gia chống dịch. Những tình cảm và nghĩa cử cao đẹp đó sẽ lưu mãi trong lòng người dân thành phố.

Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh