Nhịp sống “bình thường mới” ở chợ dân sinh

Sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh đã mở cửa trở lại, khi thành phố bắt đầu thực hiện Chỉ thị 18.

Người dân mua hàng tại chợ Bình Thới bảo đảm an toàn phòng dịch.
Người dân mua hàng tại chợ Bình Thới bảo đảm an toàn phòng dịch.

Vừa mở cửa được vài ngày, chợ Bình Thới (quận 11) đã nhộn nhịp người dân đến mua sắm. Ngoài thực phẩm tươi như rau củ, thịt, cá… khách hàng còn thoải mái lựa chọn quần áo, giày dép đã được bày bán khá phong phú trong chợ. Chị Võ Thị Oanh, tiểu thương ngành rau củ khoe những đọt su su, bầu bí còn đẫm hơi sương, được nhà vườn từ huyện Củ Chi, Hóc Môn chở lên bỏ mối.

Cạnh đó, chị Nguyễn Thị Nhung, tiểu thương hàng thịt phấn khởi nói: “Khi được chợ thông báo mở cửa lại, chúng tôi đều đăng ký mở hàng. Chưa biết có bán được hay không, nhưng được gặp gỡ khách hàng, được chúc nhau sức khỏe là mừng rồi. Chúng tôi đều đã tiêm vắc-xin Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính; khi ra chợ đều thực hiện đầy đủ nguyên tắc phòng dịch 5K. Ngoài ra, từng quầy hàng còn lắp thêm màn chắn để giữ khoảng cách khi tiếp xúc”.

Chợ Bến Thành (quận 1) vừa kinh doanh trở lại từ ngày 3/10 đã bố trí lối đi một chiều (một lối vào - một lối ra). Xách trĩu tay chiếc giỏ nào bún miến, rau củ, trái cây… chị Nguyễn Mai Trúc Châu (35 tuổi, nhân viên văn phòng) vui vẻ: “Lâu lắm rồi tôi mới được tự tay chọn hàng nên vui lắm. Nhiều chợ mở lại, giá cả giảm thấy rõ.

Hơn nữa, các chợ kiểm soát nghiêm ngặt khách đi chợ, như phải có “thẻ xanh” (đã tiêm vắc-xin), quầy hàng được lắp màn che, mọi người đều tuân thủ 5K nên tôi rất yên tâm khi mua sắm”. Theo đó, các chợ Cây Thị (quận Bình Thạnh), An Đông (quận 5), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… cũng được bày bán trở lại với nhiều mặt hàng, chủ yếu là thực phẩm như cá, thịt, rau củ quả, trứng… với giá cả ổn định.

Theo đại diện các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh, bắt đầu từ ngày 1/10, nhiều tiểu thương đã kinh doanh trở lại. Đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho hay, chợ sẽ tăng số ô vựa hoạt động hằng đêm từ 20 ô vựa, với khả năng cung cấp khoảng 300 tấn hàng hóa/ngày. Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cũng tăng số tiểu thương từ 16 lên 50, có thể cung ứng ra thị trường hơn 200 tấn hàng hóa/ngày.

Riêng chợ đầu mối Thủ Đức đã lên kế hoạch tái mở cửa hoạt động với 50% công suất, tương đương khoảng 700 sạp. Tất cả đều phải bảo đảm các biện pháp phòng dịch Covid-19 gắt gao. Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ thực phẩm An Đông Đinh Hồ Duy Ngọc cho hay: BQL đã bám sát bộ tiêu chí an toàn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố để vận hành tổ chức chợ hoạt động trở lại. Trước mắt, chợ có 45 quầy sạp phục vụ chủ yếu các mặt hàng gồm rau củ quả, thịt heo, bò, gà, thủy hải sản, gia vị...

 “Các gian hàng được bố trí bảo đảm giãn cách theo quy định, các quầy sạp có vách ngăn. Tiểu thương đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin, có giấy xét nghiệm âm tính trước khi tham gia bán hàng. Bên cạnh đó, khách hàng đi chợ ngoài việc có “thẻ xanh” thì khi đến chợ được test nhanh, khai báo y tế”, ông Ngọc nói. Phó BQL chợ Bình Thới Đỗ Quốc Tiến chia sẻ: Ngay khi có thông tin thành phố nới lỏng giãn cách, chợ đã lên phương án mở lại an toàn và được quận thông qua.

Theo đó, giai đoạn 1 là mở bán từ ngày 1 đến 22/10 với 50% số hộ kinh doanh (200 hộ), mở cửa đến 12 giờ trưa; giai đoạn 2 từ 22/10 đến 22/11 với số hộ bán tăng dần, nếu an toàn sẽ mở bán như bình thường. “Ngoài thực hiện quy tắc 5K, các tiểu thương đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hiện đạt trên 90%. Nhu cầu đăng ký mở bán lại của tiểu thương đang ở mức cao. Chúng tôi yêu cầu tiểu thương niêm yết giá rõ ràng, không tăng giá khi bán hàng. Trước và sau mỗi buổi chợ đều có nhân viên phun xịt, khử khuẩn để bảo đảm an toàn phòng dịch”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ở góc độ quản lý, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận 5 Đào Thị Ánh Tuyết thông tin, BQL các chợ đang lập phương án mở chợ để gửi về Phòng Kinh tế quận thẩm định. Những chợ được mở phải bảo đảm tiêu chí có nhà lồng, không gian thông thoáng. Số lượng tiểu thương đăng ký bán hàng cũng sẽ cân đối lại, bố trí quầy sạp bảo đảm an toàn cho người đến mua bán. “Đã có chợ thực phẩm An Đông và Hòa Bình mở lại và chỉ dành cho các ngành hàng thiết yếu, các ngành hàng khác sẽ có lộ trình. Đối với các chợ còn lại và chợ nằm trong khu dân cư các tuyến đường hẻm thì tiêu chí an toàn cũng cần được tính toán sao cho bảo đảm nhất”, bà Tuyết nói.

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, sau khi thành phố thực hiện Chỉ thị 18, đã có hơn 16 chợ hoạt động trở lại. Sở cũng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch mở lại chợ trong điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh theo Bộ tiêu chí thành phố đã ban hành. Do đó, số lượng chợ được mở lại trong thời gian tới sẽ tăng nhanh. Sở Công thương cũng lưu ý các địa phương nên mở chợ theo từng bước, đặc biệt luôn phải bảo đảm giãn cách khi hoạt động.

Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết: Dự kiến trong vài ngày tới, các quận, huyện sẽ có thêm phương án mở lại nhiều chợ trên địa bàn. Sở sẽ tiếp tục làm việc để nắm điều kiện, phương án triển khai mở lại các chợ truyền thống, chợ đầu mối trong điều kiện an toàn. “Người dân khi đi chợ, siêu thị phải khai báo di chuyển trên ứng dụng VNEID và có mã QR thể hiện lịch tiêm chủng hoặc dùng Sổ sức khỏe điện tử. Thời gian tới, giá cả hàng hóa có thể sẽ giảm tiếp khi nguồn hàng về TP Hồ Chí Minh nhiều hơn sau khi thành phố có các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội”, bà Ngọc nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY