Nguy cơ sạt lở ven kênh, rạch

Hàng nghìn căn nhà tạm nằm ven kênh, rạch thuộc nhiều quận, huyện có nguy cơ sạt lở cao, có thể ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân trong mùa mưa bão vừa được Sở Giao thông vận tải thành phố cảnh báo với mong muốn chính quyền các địa phương quyết liệt hơn trong công tác di dời các hộ dân đến nơi ở mới.

Khu vực thường xuyên bị sạt lở ở rạch Giồng Ông Tố, thành phố Thủ Ðức.
Khu vực thường xuyên bị sạt lở ở rạch Giồng Ông Tố, thành phố Thủ Ðức.

Đến một căn nhà không số nằm trong hẻm 728 đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8 rộng chưa đến 10m2, sàn nhà được lót bằng ván ép, bên dưới chỉ chống tạm bốn cây cọc xà cừ bắt chéo siêu vẹo. Bên dưới căn nhà là dòng nước kênh Ðôi đen nghịt dâng lên hơn nửa chân cọc. Theo ông Phạm Văn Ðây người thuê trọ ở đây, ông và ba người con từ miền tây lên thành phố thuê căn nhà sàn này ở đã 5 năm nay. Ban ngày ông và ba người con đi bán dừa trái, tối về chỉ để ngủ cho nên trong nhà không mua sắm vật dụng gì, chẳng may nhà đổ cũng không bị mất mát đồ đạc. Ông Ðây cho hay, tháng 5/2021 khu vực này có hai căn nhà bất ngờ bị nghiêng và đổ sập xuống kênh làm mọi người sống ở đây hết sức lo lắng. Lúc này chính quyền địa phương có kiểm tra hiện trạng, yêu cầu người dân gia cố nhà tạm và cẩn trọng với các đợt mưa, triều cường. Tuy nhiên, sau đó việc sinh hoạt và cư trú của người dân vẫn diễn ra bình thường.

Còn tại khu vực cầu Giồng Ông Tố (nơi tiếp giáp của hai phường An Phú và Bình Trưng Tây, thành phố Thủ Ðức) gần một năm qua người dân vẫn chưa quên được vụ sạt lở làm nhiều căn nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng xảy ra vào tháng 7/2021. Hậu quả đã làm một phần căn nhà số 148 đường Nguyễn Thị Ðịnh bị sạt hoàn toàn, hai căn nhà số 149 và 150 đường Nguyễn Thị Ðịnh bị nứt tường và nghiêng phần sàn bê-tông. Sau vụ việc, hiện nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực này sống trong tâm trạng thấp thỏm vì không biết tình trạng sạt lở, nhất là mùa mưa sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Hầu hết, hộ dân đều có nguyện vọng được chính quyền sớm đền bù giải tỏa để dời đến nơi ở khác an toàn hơn… Theo thống kê, hiện khu vực rạch Giồng Ông Tố có 19 hộ dân phường Bình Trưng Tây và An Phú, thành phố Thủ Ðức chịu ảnh hưởng sạt lở ở cấp độ đặc biệt nguy hiểm. Hiện, dọc bờ rạch có nhiều ngôi nhà khác cũng đang trong tình trạng liêu xiêu vì hở hàm ếch rất sâu. Tương tự, tại huyện Nhà Bè, một số khu vực được huyện cảnh báo hay xảy ra sạt lở là rạch Ông Lớn 2 (khu vực cầu Phước Lộc, xã Phước Kiển); khu vực Rạch Dơi-Sông Kinh; khu vực Rạch Dinh-Tắc Mương Lớn. Theo Phòng Quản lý đô thị quận 8, hiện nay trên địa bàn quận có 48 khu vực xung yếu với 9.171 hộ dân và 37.551 nhân khẩu cần di dời khi có thiên tai xảy ra. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở khu vực bờ nam Kênh Ðôi (hơn 1.300 hộ dân) thuộc địa bàn phường 4. Qua khảo sát, hầu hết kết cấu nhà đều có móng cừ tràm, cột bê-tông, tường gạch, vách tôn, mái tôn không bảo đảm kết cấu về xây dựng. Theo ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND quận 8, thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền và cảnh báo các hộ dân tự gia cố nơi ở nằm ven và trên kênh, rạch nhằm phòng tránh rủi ro khi có thiên tai. Quận cũng đưa các hộ dân này vào chương trình di dời nhà ở ven kênh, rạch theo chủ trương chỉnh trang đô thị của thành phố nhưng do thành phố chưa có chính sách giải tỏa, đền bù cho nên đây là vấn đề nan giải trong công tác phòng, chống thiên tai, sạt lở, triều cường của quận.

Là một trong những địa phương được cảnh báo về các khu vực bị sạt lở, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết: Trên địa bàn huyện có 9/35 vị trí sạt lở với 226 hộ dân sinh sống (gần một nghìn nhân khẩu) trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời, tập trung ở bốn xã gồm Phước Lộc, Hiệp Phước, Phước Kiển, Nhơn Ðức. Trong số 9 vị trí này đều đang triển khai các dự án xây dựng kè chống sạt lở của địa phương. "UBND huyện đã chỉ đạo các xã liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến sạt lở, vận động các hộ dân thực hiện di dời đến các khu tái định cư và sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế người dân di dời đến nơi an toàn khi cần thiết. Ðồng thời, huyện đang tích cực rà soát nhu cầu tái định cư thực tế để bố trí các hộ dân vùng sạt lở đến khu vực an toàn", ông Nguyễn nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Quản lý đường thủy, Sở Giao thông vận tải thành phố, trên địa bàn thành phố có khoảng 433 khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở nếu có thiên tai, mưa bão, triều cường với hơn 6 nghìn căn nhà nằm trên sông, kênh, rạch không bảo đảm điều kiện. Trước tình hình mưa bão sắp tới, Sở Giao thông vận tải đề nghị các quận, huyện có nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở khảo sát, đánh giá hiện trạng; đồng thời, xây dựng kế hoạch di dời các hộ dân thuộc khu vực xảy ra thiên tai. Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Thủ Ðức và các quận, huyện, các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án kè chống sạt lở trong thời gian ngắn nhất. Ðồng thời, yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư đang triển khai thực hiện các dự án kè chống sạt lở chủ động khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở ■