Người lao động trở lại sản xuất

Sau khi TP Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều lao động từ các tỉnh lân cận đã bắt đầu quay trở lại thành phố để tham gia sản xuất, kinh doanh.

Người lao động từ các tỉnh miền tây qua chốt kiểm soát trên quốc lộ 1A, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh để vào TP Hồ Chí Minh.
Người lao động từ các tỉnh miền tây qua chốt kiểm soát trên quốc lộ 1A, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh để vào TP Hồ Chí Minh.

Những ngày gần đây, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên quốc lộ 1A, thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) giáp ranh với địa bàn tỉnh Long An, rất đông người dân từ các tỉnh miền tây như An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Cà Mau đi xe máy trở lại TP Hồ Chí Minh. Chị Nguyễn Thị Hồng (28 tuổi, quê Long An) dọn dẹp lại căn phòng trọ vừa thuê ở TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị trở lại nhà máy làm việc giữa tháng 10 này. “Gần ba tháng ở quê, nay tôi mới được về thành phố. Cách đây vài ngày công ty có nhắn tin gọi quay lại làm việc, đồng thời hỗ trợ chi phí xét nghiệm; tôi mừng lắm vì được đi làm trở lại. Dù chưa đến ngày đi làm nhưng tôi tranh thủ lên Sài Gòn sớm tìm phòng trọ, sắp xếp lại đồ dùng cá nhân trước khi bắt tay vào việc” - chị Hồng vui vẻ cho biết. Theo chị Hồng, để qua được chốt kiểm soát đoạn giáp ranh giữa Long An và TP Hồ Chí Minh, người đi đường cần chuẩn bị giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính, giấy chứng nhận đã tiêm ngừa vắc-xin (ít nhất một mũi đối với loại vắc-xin tiêm hai mũi và đã tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng sáu tháng. Sau khi có đầy đủ giấy tờ cần thiết, người dân sẽ di chuyển qua khu vực khai báo di chuyển nội địa. Trường hợp người dân không có điện thoại thông minh có thể khai báo trực tiếp bằng giấy tại chốt. Từ Bình Dương, chị Bích Thủy (công nhân Công ty Thuận Phương, quận Gò Vấp) thuận lợi vào TP Hồ Chí Minh. Chị kể, tại chốt giữa Bình Dương và TP Hồ Chí Minh trên quốc lộ 1A, lực lượng trực chốt kiểm tra khai báo di chuyển nội địa qua phần mềm VNEID và giấy xác nhận âm tính với Covid-19, phiếu tiêm ngừa... Khi chị Thủy trình đủ các giấy tờ này, liền được cho đi làm bình thường. “Mấy hôm nay, việc đi lại giữa TP Hồ Chí Minh và Bình Dương thông thoáng hơn, người dân có thể đi - về trong điều kiện bảo đảm an toàn”, chị Thủy chia sẻ.

Theo Chủ tịch công đoàn Công ty Nissei Eletric Việt Nam Trần Thị Hồng Vân, đơn vị đã thông báo đến các công nhân ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương nếu đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin và có thể đi làm được thì sẽ đi làm. Những người chưa tiêm đủ hai mũi sẽ được công ty lập danh sách gửi Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh bố trí tiêm phòng. Còn công nhân ở thành phố cũng được thông báo xét nghiệm từ vài ngày trước đó; nếu âm tính thì bắt đầu đi làm trở lại. Công ty chi trả chi phí xét nghiệm cho người lao động (NLĐ). Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh Nguyễn Hoàng Ngân cho biết: Doanh nghiệp (DN) xác định đặt an toàn cho NLĐ lên trên hết. Trước mắt, Nhựa Bình Minh có thể khôi phục ngay 70% lực lượng lao động, những người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin. “Lộ trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ dựa trên kịch bản phục hồi của thành phố. Trước tiên, chúng tôi rà soát lại tất cả các yếu tố của quy trình sản xuất, kinh doanh, đánh giá hiện trạng sau ba tháng sản xuất “3 tại chỗ”. Từ tháng 11, chúng tôi có thể phục hồi 100% nguồn lực của DN. Tuy nhiên, kế hoạch nào cũng sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường. Với các tín hiệu về đầu tư công, các công trình xây dựng, nhất là việc hầu hết các địa phương đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, chúng tôi có sự lạc quan về nhu cầu thị trường trong thời gian tới”, ông Ngân cho biết. Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Văn Việt cũng chia sẻ: Nhiều DN trong Hội đã liên hệ các địa phương để đón NLĐ quay lại thành phố. Song song đó, Hội và các công ty cũng lập danh sách lao động gửi đến Sở Công thương và UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị được hỗ trợ tiêm vắc-xin, đáp ứng yêu cầu làm việc trở lại. “Với những đơn vị không đủ điều kiện để đón riêng thì Hội hỗ trợ tổ chức xe, lo chi phí ăn uống trên đường cho nhiều công ty cùng lúc”, ông Việt cho hay.

Để giữ chân NLĐ và giúp họ yên tâm ở lại làm việc, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố Hồ Chí Minh Trần Việt Anh đề xuất giải pháp tái cấu trúc lại thị trường lao động. Bên cạnh sự đồng hành của chính quyền cần thu hút lao động cho tái sản xuất nhưng không tập trung, dàn trải ở các tỉnh phía nam như lâu nay. Làm sao để lực lượng lao động đã trở về địa phương được làm việc tại nơi họ vừa trở về. Nhà nước tăng cường đầu tư công, tăng cường phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp để lực lượng đó về địa phương không quay trở lại miền nam mà vẫn có việc làm, vẫn có thu nhập. Đây là việc cần thiết và phải làm ngay. Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, bảo đảm đời sống, vật chất, tinh thần cho NLĐ là vấn đề rất quan trọng, tạo động lực để họ làm việc. Hiện, Chính phủ có gói tài chính 26 nghìn tỷ đồng, cho nên cần hỗ trợ ngay cho DN với hạn mức cụ thể để DN có nguồn tiền hỗ trợ NLĐ giúp họ yên tâm trở lại làm việc.

Khảo sát gần đây của Navigos cho thấy, khoảng 49,9% DN không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương cũng như phúc lợi như trước khi làn sóng Covid-19 thứ 4 bùng phát. Ngoài ra, khoảng 56,7% DN sẽ tuyển thêm lao động khi trở lại bình thường. Trong khi đó, hơn 87% NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với khoảng 41,5% người tham gia đã thôi việc và chưa có việc làm mới. Còn theo thống kê mới đây của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố, khoảng 42.700 người có nhu cầu tìm việc, trong khi số lượng lao động DN cần là 43.600 - 56.800 người. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết: Thành phố đã có phương án vận chuyển NLĐ giữa các tỉnh đến thành phố để làm việc. Theo đó, NLĐ là người mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh dưới sáu tháng, hoặc đã tiêm vắc-xin ít nhất một mũi (đối với vắc-xin tiêm hai mũi) sau 14 ngày thì được quay lại thành phố.