Mang Tết đến sớm với người khó khăn

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều người lao động chọn ăn Tết xa quê do còn nhiều khó khăn vì ảnh hưởng sau dịch bệnh. Nỗi buồn không được sum vầy cùng gia đình dịp Xuân về phần nào vơi đi khi các cơ quan, tổ chức và nhiều tấm lòng hào hiệp đã cố gắng thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa để san sẻ với những người khó khăn…

Bà Bùi Thị Bên tổ chức gói 50 cái bánh chưng, bánh tét và làm liên hoan tất niên cho công nhân nhà trọ.
Bà Bùi Thị Bên tổ chức gói 50 cái bánh chưng, bánh tét và làm liên hoan tất niên cho công nhân nhà trọ.

Bày biện nào nếp, thịt heo, đậu xanh, lá dong để gói 50 bánh chưng, bánh tét tặng công nhân khu nhà trọ của mình, chủ nhà trọ Bùi Thị Bên, khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức tâm sự: “Mọi năm, tôi chỉ tặng quà là nhu yếu phẩm cho các phòng trọ, nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh, nhiều công nhân không về quê nên tôi gói bánh, làm tiệc tất niên mời tất cả anh chị em xóm trọ cùng chung vui”.

Buổi tất niên tuy đơn giản với những món ăn quen thuộc ngày Tết như bánh chưng, thịt, cá, dưa món… nhưng vô cùng ấm áp, nghĩa tình. Chị Linh, giáo viên mầm non, quê Quảng Ngãi thuê trọ nhà bà Bên ba năm qua, tâm sự: “Dịch bệnh khiến gia đình tôi vô cùng khó khăn vì mất việc, đang tính đường về quê thì được cô Bên giúp đỡ bằng cách giảm tiền phòng, tặng thức ăn, động viên gia đình cùng cố gắng. Nhờ vậy mà chúng tôi có thêm quyết tâm để cùng vượt qua mùa dịch”.

Còn tại nhà ông Lê Tuấn Giảng ở hẻm 147 đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân lại bày la liệt nào dầu ăn, gạo, mì, đường, sữa… rồi chia vào từng túi lớn chuẩn bị tặng người thuê trọ. “Người dân thuê trọ từ khắp nơi đến thành phố mưu sinh. Nghèo khổ họ mới tha phương nên khi dịch bệnh cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm túng thiếu. Sắp Tết rồi, tôi chuẩn bị ít quà gửi bà con để đỡ phần nào chi phí sắm sửa dù phải đón Tết xa quê”, ông Giảng bộc bạch.

Khu trọ của ông Tư có 15 phòng. Hồi tháng 7/2021, khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, ông giảm 50% tiền phòng. Đến tháng 8 và tháng 9 thì miễn phí toàn bộ tiền nhà. Thấy nhiều người vẫn chưa thể đi làm lại sau bốn tháng giãn cách, ông lấy tiền của mình và nhờ con gái góp thêm để tặng mỗi gia đình 200.000 đồng tiền mặt, kèm thêm quà.

Không chỉ giúp tất cả những người trong khu trọ của mình, ông Tư còn lên danh sách hỗ trợ các hộ khó khăn trong các dãy nhà trọ cùng hẻm. Những nhà có trẻ con, người lớn tuổi, người thất nghiệp nhiều tháng đều được ông giúp đỡ. Người đàn ông gần 80 tuổi này luôn coi những người thuê trọ như người nhà và cả xóm trọ là “đại gia đình” của mình. Những ngày dịch bệnh khó khăn, ông vui mừng khi thấy mọi người đoàn kết, san sẻ với nhau nhiều hơn.

Chọn hai gói mứt dừa, hạt dưa cho vào giỏ, chị Minh Hảo, ngụ đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, thật thà nói: “Đây là những món ăn rất xa xỉ với chúng tôi trong những ngày Tết. Tôi làm giúp việc nhà theo giờ, tiền kiếm được bữa có bữa không chỉ đủ nuôi hai con nhỏ, trả tiền nhà trọ… nên chỉ dành để mua gạo, đường, muối… Bây giờ được vào “siêu thị”, chọn mua hàng giá 0 đồng, tôi mừng quá. Vậy là Tết này được đầy đủ rồi”…

Tết này, nhiều người nghèo không còn lo lắng chuyện sắm Tết bởi thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuỗi 38 siêu thị mi-ni Tết tại thành phố và các tỉnh, dự kiến phục vụ 25.000 người lao động khó khăn mua sắm Tết miễn phí. Siêu thị có khoảng 50 mặt hàng gồm nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu như đường, gạo, trứng, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, bánh, kẹo, nước ngọt... Mỗi sản phẩm đều có giá niêm yết rõ ràng, người dân sử dụng “Tấm vé nghĩa tình” trị giá 400.000 đồng để mua các món mình cần.

Đại diện đơn vị tổ chức, ông Lê Trí Thông cho biết: “Chương trình đã vận động gần 12 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp. Ban tổ chức mong muốn đem đến một cái Tết đầy đủ hơn cho người lao động, bà con nghèo xa quê, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây cũng là chương trình tiếp nối thành công chuỗi siêu thị mi-ni 0 đồng cho bà con nghèo đợt dịch vừa qua”.

Mới đây, hơn 400 hộ dân khó khăn là người lớn tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo của các xã Phong Phú, Đa Phước, Quy Đức thuộc huyện Bình Chánh còn được các y, bác sĩ khám bệnh, phát thuốc miễn phí và nhận quà Tết từ các nhà hảo tâm. “Chúng tôi rất biết ơn vì nhận được sự quan tâm của địa phương và các nhà hảo tâm. Dịch bệnh đã lấy đi của chúng tôi nhiều thứ, nhưng bù lại, chúng tôi cảm thấy ấm lòng bởi luôn được các cấp, các ngành và nhiều tổ chức quan tâm. Tôi mong mình có nhiều sức khỏe để tiếp tục làm việc, chăm lo gia đình và có thể làm thêm nhiều việc tốt cho đời”, anh Mạnh Hùng, ngụ xã Phong Phú, bày tỏ…

Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh vừa phối hợp cùng Saigon Co.op tổ chức chương trình “Phiên chợ công nhân - Online” tặng 4.000 phần quà, mỗi phần trị giá 400.000 đồng cho đoàn viên, người lao động khó khăn của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố. Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung  cho biết, chương trình “Phiên chợ công nhân-Online” mong muốn chăm lo thiết thực cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chủ yếu theo hình thức mua sắm trực tuyến. Phiên chợ năm nay hạn chế tụ tập đông người và hạn chế tiếp xúc trực tiếp sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây lan bệnh dịch, từ đó niềm vui Xuân sẽ an toàn và trọn vẹn hơn…