Mang niềm vui lên vùng miền núi huyện Tuy Phong

Phía sau điểm trường nhỏ xinh trên cung đường Phan Dũng - Tà Năng ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) là công sức của những doanh nghiệp luôn hướng về chuyện học của thế hệ tương lai; bao nhiêu ngày lao động của những đoàn viên, thanh niên địa phương; là những món quà thiết thực như sách, quạt máy, thư viện… dành cho trẻ em miền núi. Những tấm lòng từ TP Hồ Chí Minh đã mang niềm vui đến với vùng núi Phong Phú, Phan Dũng…

Huyện đoàn Tuy Phong chung tay làm sân chơi cho thiếu nhi từ vật liệu phế thải. Ảnh: HOÀI BẢO
Huyện đoàn Tuy Phong chung tay làm sân chơi cho thiếu nhi từ vật liệu phế thải. Ảnh: HOÀI BẢO

Cách đây ba tháng, khi đại diện Cơ quan Thường trực Báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh và Công ty Canon Marketing Việt Nam (quận 1, TP Hồ Chí Minh) ra cung đường Phan Dũng - Tà Năng để khảo sát, mọi người không khỏi ái ngại khi chứng kiến học sinh hai cấp ngồi học đối lưng nhau chung một phòng chật chội. Trường lớp xuống cấp, các em học sinh dân tộc Raglai ở hai xã Phong Phú, Phan Dũng phải học chung, học nhiều ca và lội bộ đến trường rất nhọc nhằn. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong Dương Hồng Sơn, đồng bào dân tộc Raglai phần lớn đều thuộc diện nghèo. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đầu tư cho người dân rất nhiều công trình dân sinh, tuy nhiên, do đưa vào sử dụng đã quá lâu nên các trạm y tế xã, trường trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo đã xuống cấp, nhiều học sinh phải học ghép. 

Tận mắt chứng kiến những khó khăn ở đây qua “cầu nối” là Báo Nhân Dân, ông Xa-tô-rư Ta-kê-đa, Tổng Giám đốc Công ty Canon Marketing Việt Nam, đã quyết định đầu tư xây dựng điểm trường sau khi cùng leo dốc, cuốc bộ với cán bộ địa bàn để tìm chọn vị trí thích hợp. Theo ông Xa-tô-rư Ta-kê-đa, đầu tư cho sự nghiệp giáo dục vùng cao là tiêu chí đi cùng quá trình kinh doanh của Canon. Hàng chục năm nay, Canon Marketing Việt Nam đã xây dựng hàng trăm phòng học khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Riêng trên tuyến Phan Dũng - Tà Năng này, vị trí được chọn tại thôn La Bá.

Khi đã có điểm trường gồm hai phòng học khang trang, đủ tiện nghi và đúng tiêu chuẩn quốc gia, những người làm chương trình mong có thêm thư viện nhỏ phục vụ học sinh và người dân trong vùng. Ý nguyện này đã được kiến trúc sư Phan Đình Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế xây dựng thương mại - Trang trí nội thất Nhà Đỏ (quận 11, TP Hồ Chí Minh) đồng ý. 

Chuyên xây dựng các công trình công cộng, nhà cao tầng, kiến trúc sư Phan Đình Bình quyết định tặng một thư viện áp sát điểm trường La Bá. Tin tốt vang xa, Quỹ Tâm nguyện Việt (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cũng chung tay tặng thư viện bàn, ghế đọc sách, kệ sách, quạt máy, sách thiếu nhi, sách khoa học nông nghiệp. Khi nghe tin công trình điểm trường - thư viện sắp hoàn thành, Anh hùng Lao động Dương Tú Trinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh, cũng mong muốn tặng thêm 100 phần quà cho học sinh nơi đây, góp phần tăng thêm niềm vui, động lực để các em rèn luyện, chăm ngoan trong quá trình học tập. 

Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, Huyện đoàn Tuy Phong đã vận động hàng chục đoàn viên, thanh niên tham gia cùng các tấm lòng đến từ TP Hồ Chí Minh. Sắp có phòng học mới, thư viện mới, nhiều hộ dân ở hai xã Phong Phú, Phan Dũng đã chung tay láng sân xi-măng, vẽ tranh cổ động, tận dụng những phế liệu cao-su cũ để trang hoàng và làm sân chơi cho trẻ em. 

Theo chỉ đạo của UBND huyện Tuy Phong, ngành giáo dục địa phương và chính quyền các xã có con em sẽ theo học tại điểm trường mới chịu trách nhiệm bảo đảm chương trình học, sách giáo khoa và tập vở cho học sinh; bảo đảm các công trình đầy tình nghĩa này được bảo quản tốt, sử dụng hiệu quả, phát huy hết công năng, tạo điểm nhấn và điểm dừng chân trên cung đường núi Phan Dũng - Tà Năng. Tỉnh đoàn Bình Thuận cũng đề xuất chọn đây là Công trình Thanh niên năm 2021 của tuổi trẻ Bình Thuận và cử đoàn viên, thanh niên tham gia thi công công trình… 

Theo UBND huyện Tuy Phong, từ những nguồn vận động từ nhiều nhà hảo tâm ở các tỉnh, thành phố, nhiều nhất là ở TP Hồ Chí Minh, cấp ủy và chính quyền từ huyện đến cấp xã đã xây dựng nhà tình thương, thư viện, xóa nhà tạm và nhà dột nát của người dân vùng khó khăn, giúp bà con các dân tộc trong huyện phát triển kinh tế, nâng cao tri thức. Sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị địa phương, sự chủ động vươn lên của người dân và sự hỗ trợ nghĩa tình của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương… đã tạo thành động lực lớn để huyện Tuy Phong thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Tuy Phong cách đây 20 năm (năm 2000) là 10,11% thì qua khảo sát ở thời điểm cuối năm 2019 đã giảm xuống còn 0,96%...

Công trình điểm trường - thư viện ở La Bá sẽ thêm một dấu ấn trong lòng nhân dân các dân tộc và học sinh miền núi của huyện Tuy Phong. Chỉ sau vài tháng, Công ty Canon Marketing Việt Nam và Công ty cổ phần Thiết kế xây dựng thương mại - Trang trí nội thất Nhà Đỏ, cùng các nhà tài trợ đã hết lòng, hết sức từ cái tâm và vật chất gần 800 triệu đồng để tặng cho học sinh dân tộc nghèo những món quà ý nghĩa. Việc làm nhân văn, tốt đẹp, kịp thời này rất cần được nhân rộng...