Mặn mòi hạt muối Tân Ðiền...

Xã Lý Nhơn được coi là trung tâm muối của huyện Cần Giờ, trong đó, ấp Tân Ðiền là nơi sản xuất tập trung nhiều nhất xã với hơn 800 ha đồng muối. Gần bốn trăm hộ diêm dân nơi đây hằng ngày gắn bó với đồng muối quê hương, dẫu vẫn còn đó những thấp thỏm, lo âu với nghề.

Anh Võ Văn Quân thu hoạch muối trên ruộng nhà.
Anh Võ Văn Quân thu hoạch muối trên ruộng nhà.

Ðổi thay từ cách làm mới

Qua cầu Vàm Sát, đi hết con đường chính của xã Lý Nhơn, cánh đồng muối ấp Tân Ðiền hiện ra mênh mông với những khu Tiền Giang, Lý Thành, Cành Hào, Ðức Mủ, Kinh Kê, Sà Nách...

Từ trung tuần tháng mười năm 2013, khi những cơn mưa cuối mùa ngớt hạt, bà con diêm dân Tân Ðiền bắt đầu vào vụ muối mới.

Hơn bốn năm nay, diêm dân ấp Tân Ðiền đã chuyển sang sản xuất muối trên bạt (bố) thay cho cách làm muối trên nền đất truyền thống. Ông Nguyễn Văn Chum, người gắn bó hơn 20 năm với nghề cho biết, cách làm muối mới này cho thấy hiệu quả cao và được diêm dân tích cực áp dụng. Ông Chum dẫn chứng, theo cách làm truyền thống trước đây, 1,5 ha ruộng muối nhà ông cần hai tới ba người cật lực lăn khuông, dọn bùn, đưa nước... thì nay chỉ mình ông cáng đáng. Ðến ngày thu hoạch, mới cần thêm người gánh, người đong.

Anh Võ Văn Quân, một trong những người đầu tiên ở ấp áp dụng cách làm muối trên bạt cho biết, phơi nước trên bạt thời gian đông muối chỉ bằng một phần ba thời gian phơi trên đất, nhờ vậy thời gian thu hoạch rút ngắn lại, năng suất tăng gấp hai lần và hạt muối cũng trắng hơn.

Hiệu quả từ cách làm muối trên bạt là bước ngoặt của nghề làm muối ở ấp Tân Ðiền. Nếu như trước đây, diêm dân chỉ lo cho đủ ăn, thì nay đã có phần dôi dư, tích lũy. Trưởng ấp Tân Ðiền Nguyễn Văn Gọn cho biết, thu nhập từ nghề muối đã được cải thiện nhiều. Hiện nay, hơn 70% hộ trong ấp tham gia sản xuất, diện tích đồng muối ngày càng gia tăng. Mỗi độ vào mùa, người dân lại tìm đất mới khai hoang, canh tác. Muối giờ đây đã phủ gần kín các cánh đồng của ấp.

Vẫn còn thấp thỏm...

Năng suất tăng, hạt muối sạch, việc đồng áng cũng vơi bớt nhọc nhằn, lam lũ. Có người nói, nghề muối ở Tân Ðiền bây giờ làm chơi ăn thật. Thoạt nghe, cũng thấy mừng cho diêm dân, những người luôn "bán mặt cho muối, bán lưng cho trời". Nhưng thực tế, người làm muối ở đây vẫn còn nhiều âu lo, thấp thỏm.

Cái lo đầu là việc sản xuất gần như phụ thuộc vào thời tiết. Trời thuận nắng thì còn cho muối đậu lớp này, lớp khác, chứ kém nắng, mát trời muối lại không đông. Ðôi khi đang giữa chính vụ, những cơn mưa trái mùa bất chợt ập tới, thì bao nhiêu công sức lại thành công... dã tràng. Diêm dân Mai Thanh Tân tâm sự: Năm tháng ngày mùa, thoáng cái đã mãn, gặp thời tiết xấu nghỉ ngày nào lại thấy nóng lòng ngày đó. Lo mùa màng thấp kém, lo thu vốn gửi trả ngân hàng, rồi đủ thứ cần cho chi tiêu sinh hoạt.

Nỗi lo của anh Tân cũng là tâm trạng chung của nhiều hộ làm muối ở ấp Tân Ðiền. Từ lúc chuyển sang làm muối bạt, bước vào đầu vụ, phần lớn các hộ đều phải vay vốn đầu tư. Hộ ít thì vài chục triệu đồng, hộ nhiều thì dăm, bảy chục triệu. Vay về mua bạt, sắm máy bơm, thuê công khai hoang, làm đất... Thuận mùa, được giá thì qua vài vụ cũng trả hết khoản vay. Nhưng đâu phải lúc nào thời tiết cũng chiều người làm muối.

Giá muối ở Tân Ðiền vẫn chưa thoát khỏi sự phập phù, lên xuống. Ðiệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ luẩn quẩn với diêm dân. Ðầu mùa, ít muối, chủ ghe, đầu nậu đến tận ruộng hỏi mua. Giữa mùa, muối rộ, đầu nậu "đỏng đảnh" làm giá. Theo tính toán của diêm dân, giá muối phải hơn 65 nghìn đồng/tạ mới có lời. Hộ nào bí tiền đành phải bán muối non. Hộ nào bạo gan thì gánh muối trữ vào chòi, chờ giá tốt. Nhưng rồi cũng chẳng tránh được cái thấp thỏm, đôi lúc lại thua đau. Ông Nguyễn Văn Chum vẫn chưa quên bài học của năm 2012. Muối mất mùa, giá tăng lên 102 nghìn đồng/tạ, ông giữ muối lại với hy vọng giá sẽ cao hơn. Ai dè, năm sau muối rớt xuống chỉ còn 38 nghìn đồng/tạ.

Bám ấp, giữ nghề

Gặp anh Nguyễn Văn Một, diêm dân trẻ tuổi, tôi hỏi sao không qua phố kiếm việc ở nhà máy, xí nghiệp để kiếm được nhiều tiền hơn mà lại đỡ vất vả. Anh Một thật thà trả lời: "Bây giờ làm muối cũng khá hơn rồi, qua phố xin việc, ăn, ở thấy bấp bênh. Bạn gái em làm giày da bên đó cũng cực lắm. Ở quê còn tính chuyện dài lâu".

Hai mươi bốn tuổi, sau ba năm đi làm muối thuê, năm nay Một được ba mẹ mướn đất, mạnh dạn giao cho làm riêng. Ruộng muối của Một mới khai hoang nên đất chưa tốt, nước chưa mặn, năng suất không cao. Nhưng không vì vậy mà Một nản lòng, nhụt chí. Một quyết tâm: Mình gắng bền gan với ruộng, cải tạo, dung dưỡng chắc là đất không phụ lòng. Qua một vài mùa, đất tốt lên sẽ cho mùa bội thu, kiếm đồng ra, đồng vào rồi tính chuyện vợ con.

Ở Tân Ðiền, nhiều người quen gọi nhà bác Võ Văn Bình là gia đình muối. Họ gọi vậy, bởi bác Bình là người làm muối giỏi có thâm niên. Bác có năm người con, trừ con gái út đi lấy chồng, bốn người con trai đều theo nghề muối.

Nhìn căn nhà của bác Bình khang trang, rộng đẹp hơn so với nhiều căn nhà kế bên, tôi mở lời khen, bác nói cũng là nhờ hạt muối, làm lụng, tích cóp xây nên. Năm nay 71 tuổi, sức đã yếu, bác Bình lui về nghỉ ngơi để lại ruộng đồng cho con cái tăng gia. Nhưng khi trò chuyện về mùa màng, về nghề muối bác vẫn còn tâm huyết lắm: "Ở vùng sát biển này, làm nghề gì mà chẳng phải chịu nắng, chịu gió. Nghề làm muối ở Tân Ðiền ngày càng cơ bản hơn, nhưng quan trọng là các cấp, các ngành cần "chịu khó" hơn trong việc tìm đầu ra cho hạt muối, giúp diêm dân ngày càng "mặn mà" hơn với muối...