Lung linh tình người

Ở TP Hồ Chí Minh có một cơ sở nuôi dạy các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam, khuyết tật rất đặc biệt. Hằng ngày, những thành viên của cơ sở này vẫn luôn nỗ lực làm việc để tạo thu nhập; họ bao bọc lẫn nhau để tạo nên những niềm vui, hạnh phúc thấm đượm tình người…

Các thành viên của Cơ sở khuyết tật An Phúc quây quần bên nhau sau một ngày mưu sinh vất vả.
Các thành viên của Cơ sở khuyết tật An Phúc quây quần bên nhau sau một ngày mưu sinh vất vả.

An Phúc là tên một cơ sở nuôi dưỡng và tạo việc làm cho các đối tượng bị khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam nằm khuất sau một con hẻm nhỏ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Năm 2008, mái ấm này ra đời sau nhiều trăn trở và quyết tâm của ông Trần Hữu Quang, một người đã dành mấy chục năm qua gắn bó với những trẻ em thiếu may mắn, khiếm khuyết. Các thành viên ở cơ sở này gọi ông Trần Hữu Quang bằng cái tên thân thương là "bố Quang". 

Ở An Phúc, những ai biết về câu chuyện của vợ chồng chị Trịnh Thị Duyên, sinh năm 1992, quê Nghệ An và anh Lê Văn Bình, sinh năm 1988, quê Đồng Tháp, đều hết sức cảm động. 

…Năm lên tám tuổi, trong một trận ốm, tứ chi của Duyên dần bị teo lại, đi lại phải dùng xe lăn. Không chỉ có Duyên, hai người anh em ruột của Duyên cũng mắc chứng bệnh tương tự. Duyên may mắn hơn khi vẫn đi lại được, còn hai người ruột thịt của mình phải nằm một chỗ nhiều năm nay. Lớn lên, Duyên vào TP Hồ Chí Minh theo học một lớp học nghề dành cho người khuyết tật. Ở đó, Duyên gặp Bình, người bị cắt cụt hai chân vì căn bệnh ung thư xương quái ác. Hai thân phận không may gặp nhau, thấu hiểu và đem lòng yêu thương nhau. Cuối năm 2011, cặp đôi này về sống và làm việc chung dưới mái nhà An Phúc của bố Quang. Qua sự giúp đỡ của bố Quang, họ đã nên đôi vợ chồng. Hai số phận ấy nương tựa vào nhau; sự yêu thương, đùm bọc của những người cùng cảnh ngộ ở An Phúc đã giúp họ có một quãng thời gian hạnh phúc bên nhau… Bình mất bốn năm sau khi cưới vợ. Tài sản lớn nhất mà họ có được là cô con gái đáng yêu đặt tên là Lê Thủy Tiên, năm nay đã bước sang tuổi thứ 8. Bây giờ, Thủy Tiên là động lực để Duyên tiếp tục cuộc hành trình đầy gian khó phía trước. Vì cuộc sống, Duyên phải gửi con về ngoại. Mỗi năm, Duyên dành dụm ít tiền bắt xe về thăm con, thăm gia đình một lần… 

Lê Văn Ở, sinh năm 1983, là một tấm gương đầy nghị lực khác ở An Phúc. Từ khi lọt lòng mẹ, Ở không có đôi mắt như bao bạn bè trang lứa. Đến với mái nhà An Phúc năm 2009, Ở được bố Quang cho đi học đàn ghi-ta, oóc-gan. Nhờ có năng khiếu, chỉ một thời gian ngắn, Ở đã học và chơi thành thạo một số nhạc cụ và hiện là Đội trưởng đội văn nghệ của cơ sở khuyết tật này. Tại đây, Ở đã nên duyên với chị Huỳnh Thị Hồng Châu, sinh năm 1985, quê ở Bến Tre, bị khiếm thị từ bé. Nhiều năm trước, Châu đã được đi học nghề kết cườm, khi về An Phúc, Châu cùng các thành viên ở đây cần mẫn tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ để bán ra thị trường. 

Năm 2013, đôi bạn trẻ này đã hạ sinh một đứa con lành lặn. Đó cũng là niềm vui chung của các thành viên trong mái ấm An Phúc. Hiện, Ở phải luôn chống chọi với nhiều chứng bệnh quái ác nhưng vẫn cùng vợ cố gắng vượt qua vì đứa con nhỏ thân yêu của mình... 

Ông Trần Hữu Quang cho biết, gần 12 năm thành lập, đến nay An Phúc có khoảng hơn 50 thành viên. Mỗi thành viên là một hoàn cảnh khó khăn, nhưng trong căn nhà này tình yêu thương vẫn luôn nảy nở. Gắn bó với cơ sở từ những ngày đầu, ông Trần Hữu Quang tâm sự: “Sống với tụi nhỏ từ hồi giờ, chúng như con cái mình vậy. Cha con gắn kết với nhau biết bao buồn vui. Giờ nhiều đôi còn có thêm con. Nhìn thấy cảnh đó, tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến cảnh một ngày sẽ rời xa mái ấm này”. 

Ở An Phúc, ngoài bố Quang còn có “tổng quản” Hà Thị Hồng Hiệp, năm nay đã bước sang tuổi 45. Bản thân chị cũng đang mang trong mình nhiều căn bệnh nan y nhưng chưa một ngày chị lơ là việc chăm sóc, cơm nước cho các thành viên trong mái ấm… 

TẠI một góc nhỏ của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh, một gian hàng bày bán những sản phẩm lưu niệm như túi xách, các loại hoa, hàng mỹ nghệ,… được thiết kế bắt mắt, tinh xảo. Đó là sản phẩm từ những đôi tay khuyết tật, khiếm khuyết của các thành viên ở mái ấm An Phúc; là sản phẩm của nghị lực và niềm tin phi thường vào cuộc sống. 

Trong đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, nhất là thời gian thực hiện giãn cách xã hội, cuộc sống của các thành viên An Phúc thêm phần khó khăn. Ông Trần Hữu Quang luôn động viên các con cùng đồng lòng vượt qua. 

Với đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” do Lê Văn Ở làm đội trưởng, thỉnh thoảng cũng nhận được lời mời giao lưu. Nhóm nhạc lại vui vẻ lên đường dù ca sĩ biểu diễn trên sân khấu là những người ngồi trên xe lăn; những người hát mà không bao giờ nhìn thấy khán giả. Thế nhưng, họ vẫn luôn hát, luôn tự tin với cuộc sống này. Đó chính là lý do mà họ đã sống và luôn khát vọng về một tương lai phía trước, ít nhất cũng là cho những đứa bé lành lặn mà họ đang hằng ngày nuôi nấng, giáo dưỡng…