Liên kết tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị gia tăng

Với số dân xấp xỉ 10 triệu người, thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường có sức tiêu thụ nông sản rất lớn và cũng là đầu mối phân phối hàng nông sản bán buôn của cả nước.

Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Long An ký kết bản ghi nhớ tiêu thụ nông sản với Sở Công thương Long An.
Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Long An ký kết bản ghi nhớ tiêu thụ nông sản với Sở Công thương Long An.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nông sản của người dân thành phố bình quân khoảng 8.300 tấn/ngày (tương đương 248.900 tấn/tháng). Trong đó, rau, củ, quả chiếm khoảng 4.245 tấn/ngày, gạo gần 2.000 tấn/ngày, thịt gia súc gần 1.000 tấn/ngày, gia cầm khoảng 660 tấn/ngày, thủy sản khoảng 430 tấn/ngày. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất, cung ứng nông sản tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng khoảng 22% so với nhu cầu tiêu thụ của người dân, phần lớn nông sản đều được nhập về từ các tỉnh, thành phố khác.

Hiện tại, người tiêu dùng dần chuyển sang lựa chọn các loại nông sản chất lượng, an toàn để bảo đảm sức khỏe. Để bảo đảm nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến tay người dân, thành phố đã tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của thành phố với nguồn hàng tại các tỉnh, thành phố khu vực phía nam; duy trì các điểm tập kết hàng hóa tạm thời từ các tỉnh về thành phố Hồ Chí Minh,… nhằm bảo đảm cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, thành phố có hệ thống phân phối hàng hóa, nông sản phong phú và đa dạng như: siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống,… Vì vậy, việc chú ý đến các kênh phân phối, các hoạt động khuyến mãi, hình thức trưng bày, bao bì, mẫu mã sản phẩm đối với người tiêu dùng tại thành phố giữ vai trò rất quan trọng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn với các tỉnh, thành phố khu vực phía nam; thành phố đã liên kết với tỉnh Long An nhằm định hướng sản xuất, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tạo liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, tổ chức sản xuất theo chuỗi, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Cụ thể, thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh liên tục trao đổi thông tin về tình hình dịch hại, giải pháp quản lý, dự báo cũng như đề xuất hướng phòng trị hiệu quả các đối tượng sinh vật hại cây trồng. Phối hợp các tỉnh trong việc tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Bên cạnh đó, thành phố cũng thường xuyên tổ chức, tham gia một số sự kiện hội chợ, triển lãm, hội nghị-giao lưu liên kết tiêu thụ nông sản nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại giữa thành phố và các tỉnh, thành phố và nhiều năm liền đều có sự tham gia của Long An.

Tỉnh Long An nằm tiếp giáp thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 233.000 ha đất trồng lúa, hơn 70.000 ha đất trồng màu, cây ăn trái. Để nâng cao giá trị hàng nông sản, Long An đã xây dựng được 26 sản phẩm OCOP, trong đó, có 14 sản phẩm hạng bốn sao, tám sản phẩm hạng ba sao, bốn sản phẩm hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận hạng năm sao. Ngành nông nghiệp Long An đã hướng dẫn nông dân sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn GAP. Toàn tỉnh hiện có 17 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng lúa được chứng nhận VietGAP trên diện tích 742 ha, sản lượng 10.420 tấn/năm; xây dựng bốn chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên sản phẩm gạo.

Lĩnh vực cây ăn trái có 29 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng thanh long được chứng nhận VietGAP trên diện tích 708 ha, sản lượng hơn 22.000 tấn/năm; chanh không hạt có hơn 77 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Xây dựng ba chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên sản phẩm thanh long và chanh. Nông sản rau, màu các loại có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP trên diện tích 195,12 ha, sản lượng 13.450 tấn/năm, với chín chuỗi cung cấp rau an toàn. Đặc biệt, cải xanh do hợp tác xã Mười Hai ở huyện Cần Giuộc (Long An) đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng bốn sao; rau thơm Phước Thịnh xếp hạng ba sao.

Về gia súc có chín hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, tổng số lượng khoảng 900 con bò thịt, tương đương 135.000 tấn sản phẩm/năm, heo với số lượng khoảng 2.000 con. Về gia cầm có hai hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi gà được chứng nhận VietGAP với sản lượng 380 tấn gà thịt, 100 triệu quả trứng. Thương hiệu khóm Bến Lức của địa phương ngày càng lan xa bởi độ ngon, ngọt, mỗi năm cung ứng thị trường khoảng 21.000 tấn/năm. Khoai mỡ Bến Kè mỗi năm cung ứng thị trường hơn 42.000 tấn/năm…

Phó Giám đốc Sở Công thương Long An Châu Thị Lệ cho biết: Nhằm thúc đẩy tiêu thụ tất cả các sản phẩm của tỉnh, ngành công thương đã hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại qua nền tảng thương mại điện tử. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso, Postmart và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử bán sỉ quốc tế Alibaba.com.

Tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm chế biến tỉnh Long An với thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Định Thị Phương Khanh, hiện nay tỉnh đang phát huy chương trình OCOP để thay đổi tư duy người dân trong cách làm nông nghiệp, nắm bắt thị trường. Khuyến cáo người dân chủ động tham gia các diễn đàn, chương trình để đưa nông sản đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để OCOP là cuộc cách mạng gắn sao sản phẩm cho người sản xuất, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, Long An tăng cường kết nối giữa các bên liên quan để nông sản của tỉnh được tiêu thụ trên thị trường, nhất là thị trường thành phố Hồ Chí Minh.

Với phương án liên kết vùng của thành phố Hồ Chí Minh-Long An ngày càng chặt chẽ, nhà nông thay đổi phương thức sản xuất bằng cách ứng dụng công nghệ cao thì hàng nông sản Long An ngày càng nâng cao được giá trị gia tăng, đời sống người nông dân sẽ không ngừng được cải thiện.