Kỳ vọng từ Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm

Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vừa thành lập Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (RCID) và giao cho Trường đại học Quốc tế quản lý, vận hành. Kỳ vọng trong giai đoạn 2021-2030, RCID sẽ phát triển trở thành đơn vị nghiên cứu xuất sắc về các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật trong khu vực Ðông Nam Á.

Cán bộ chuyên môn của RCID tại phòng thí nghiệm. Ảnh do Trường đại học Quốc tế cung cấp
Cán bộ chuyên môn của RCID tại phòng thí nghiệm. Ảnh do Trường đại học Quốc tế cung cấp

Trong bối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt để ứng phó thông qua công tác giám sát, tổ chức phòng, chống dịch cũng như về chuyên môn, kỹ thuật và đã có nhiều thành tựu lớn. Tuy vậy, nước ta vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn ngày càng phức tạp và nguy hiểm từ các bệnh dịch ngoại lai dễ lây lan đến Việt Nam như bệnh cúm A, MERS-CoV, sốt vàng... Hiện tại, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội. Ðại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực để đưa RCID vào hoạt động với mục tiêu xây dựng ngân hàng trình tự gene - biến thể của các mầm bệnh trên người và động vật. Trước hết, RCID tập trung giải quyết vấn đề "nóng" hiện nay là dịch Covid-19 với việc thu thập mẫu vật, giải trình tự và phân tích các biến thể của vi-rút SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Sự ra đời của RCID đáp ứng sự cấp thiết trước tình hình dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam nói chung và tại thành phố nói riêng.

RCID cũng thu thập mẫu vật, giải trình tự, phân tích và lưu trữ thông tin di truyền của các mầm bệnh quan trọng xuất hiện theo thời gian và từng mùa dịch; ưu tiên nghiên cứu các mầm bệnh trên người, sau đó là mầm bệnh trên động vật tùy theo nhu cầu thực sự của xã hội.

PGS, TS Nguyễn Phương Thảo, phụ trách đề án xây dựng RCID cho biết, RCID sẽ tập trung nghiên cứu đặc điểm sinh bệnh học, di truyền và kháng thuốc của các vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội làm trầm trọng thêm triệu chứng của các bệnh nhân Covid-19. Ðây là cơ sở quan trọng cung cấp hiểu biết rõ hơn về dịch tễ, đặc điểm của các vi khuẩn này tại Việt Nam, đồng thời kiến nghị các biện pháp đối phó phù hợp.

Sự ra đời của RCID là tiền đề để kêu gọi nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về bệnh truyền nhiễm giúp lĩnh vực nghiên cứu này lớn mạnh hơn. RCID tập trung thúc đẩy việc thành lập các startup công nghệ trong lĩnh vực khoa học sự sống nói chung và ứng phó với bệnh truyền nhiễm nói riêng dựa trên việc chia sẻ công nghệ và hình thành các dịch vụ theo công nghệ mới. Tập huấn nâng cao nhận thức về dịch bệnh truyền nhiễm, phổ biến kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng ứng phó với dịch bệnh. RCID cũng hướng đến các mục tiêu trở thành đơn vị nghiên cứu ứng dụng, làm chủ và phát triển công nghệ kit chẩn đoán, phát triển vắc-xin, kháng thể đơn dòng, thuốc điều trị ứng phó với các dịch bệnh như Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ký sinh trùng… trong hiện tại và tương lai ■

Khánh Trình