Kích hoạt mạnh mẽ các bộ chỉ số an toàn phòng, chống dịch

Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh mới ghi nhận một trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, người dân nhằm giữ cho thành phố bình yên trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện những ca nhiễm trong cộng đồng tại thành phố vẫn rất cao nếu không kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây chủ yếu trên địa bàn.

Đoàn công tác của thành phố kiểm tra phòng, chống dịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đoàn công tác của thành phố kiểm tra phòng, chống dịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngày 4-5, TP Hồ Chí Minh ghi nhận một ca bệnh là thuyền viên tàu MS SUN đang neo tại Bến phao Phước Long 5, hết hạn hợp đồng được lên bờ cách ly theo diện nhập cảnh. Ngành y tế đã xét nghiệm lần 1 có kết quả dương tính (BN3008), sau đó tiếp tục xét nghiệm 18 thuyền viên trên tàu theo đối tượng F1, phát hiện thêm hai trường hợp dương tính nữa là BN3124 và BN3125; 16 thuyền viên còn lại và 74 người tiếp xúc với tàu trong quá trình vào bến, neo đậu, chuyển hàng... đều có kết quả âm tính. 

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: Thành phố là cửa ngõ giao thông quốc tế với một sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ. Ngoài ổ dịch Tân Sơn Nhất đã chỉ ra nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng từ sân bay, đến nay ổ dịch tàu MS SUN chưa phát hiện lây nhiễm ra cộng đồng. Tuy nhiên, với số lượng lớn người xuống tàu và làm việc với thuyền viên, trong khi thuyền viên từ nước ngoài trở về không lên bờ nên không được xét nghiệm cũng như do đặc thù công việc, những người xuống tàu không sử dụng trang phục phòng hộ cho nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng không nhỏ. Ngoài ra, tàu neo đậu giữa sông nhiều ngày cũng gây khó khăn cho việc kiểm soát người xuống tàu và lên bờ bất hợp pháp mang theo mầm bệnh xâm nhập cộng đồng. Đây chính là một trong những nguồn nguy cơ cao mà thành phố đã báo động, cần kiểm soát chặt chẽ.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Sở Y tế thành phố luôn quan tâm và xem cảng hàng hải là một trong các cửa ngõ dịch bệnh có thể xâm nhập thành phố. Sở Y tế nhiều lần kiểm tra, giám sát các cảng biển như cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước, cảng Sài Gòn cũng như tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan về các biện pháp phòng, chống dịch. Sở đã chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) tổ chức các lớp tập huấn về triển khai các biện pháp phòng hộ cá nhân cho các đơn vị làm việc tại cảng, phao. BS.CK2 Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc HCDC cho biết: Cảng hàng hải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh không khác gì cảng hàng không. Các chuyến tàu quốc tế, đã cập bến tại các quốc gia khác, khi cập bến tại Việt Nam có thể có các thuyền viên nhiễm Covid-19 chưa được phát hiện. Vì thế, nguy cơ lây lan dịch có thể xuất phát từ việc tiếp xúc giữa các thuyền viên này (nếu nhiễm Covid-19 mà không được biết) với người khác mà không được phòng hộ hoặc phòng hộ không đúng cách. Chẳng hạn như tiếp xúc có thể xảy ra giữa thuyền viên với người được phép lên tàu làm việc; hoặc nguy cơ có thể từ thuyền viên tự ý lên bờ trái phép hay có hiện tượng người xuống tàu trái phép, không bị phát hiện.

Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, thành phố xác định các nguồn nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan rất dễ xảy ra trên địa bàn. Đó là nguồn lây từ các ổ dịch trong nước, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng từ sân bay, cảng hàng hải, nguy cơ từ  khu cách ly tập trung. Ngoài ra, nhiều người sau cách ly tập trung trở về thành phố cũng là một trong những nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng nếu không tuân thủ yêu cầu phòng, chống dịch. Cùng với đó, thành phố có nhiều bệnh viện tuyến cuối phải tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, rất đông bệnh nhân và thân nhân, nếu không kiểm soát tốt, bệnh viện sẽ trở thành ổ dịch, lây lan nhanh khi có trường hợp lây chéo. Một nguồn nguy cơ lớn khác chính là các trường hợp nhập cảnh trái phép vào thành phố. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: Thành phố cần kích hoạt mạnh mẽ các bộ chỉ số an toàn, xem xét các phương tiện giao thông công cộng, ta-xi truyền thống, ta-xi công nghệ... Trong năm 2020, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp Sở Y tế xây dựng Bộ chỉ số an toàn cho từng lĩnh vực hoạt động của ngành mình. Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay và tích lũy kinh nghiệm phòng, chống dịch, từng sở, ngành phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung Bộ tiêu chí an toàn của ngành mình cho phù  hợp tình hình mới và khẩn trương triển khai. Ngành y tế thành phố sẽ phối hợp liên ngành và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch tại từng cơ quan đơn vị, cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh, giáo dục... theo Bộ tiêu chí của UBND thành phố và Bộ Y tế, công khai mức độ an toàn bằng bản đồ an toàn phòng, chống dịch của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố tiếp tục kiểm tra việc thực hiện và tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch tại bệnh viện, cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ, trung tâm thương mại, bến xe, cơ sở giáo dục, cơ sở cách ly tập trung... để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm. “Đối với phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ vận chuyển hành khách: cần tập huấn cho tài xế các biện pháp phòng bệnh phù hợp đặc thù công việc, yêu cầu hành khách chấp hành khuyến cáo 5K khi đi xe. Đặc biệt, có kiểm tra và xử phạt. Thành phố cần lập lại các chốt kiểm soát tại cửa ngõ thành phố để bảo đảm tốt công tác phòng dịch từ xa” - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.