Khai thác, sử dụng hiệu quả số liệu thống kê

Tổng điều tra kinh tế thành phố Hồ Chí Minh là công tác có ý nghĩa quan trọng. Đây là một trong những cơ sở cốt yếu giúp thành phố có những đánh giá để đưa ra định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất Thương mại thiết bị Nam Anh trong ca làm việc.
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất Thương mại thiết bị Nam Anh trong ca làm việc.

Với những cách thức thực hiện tổng điều tra hiệu quả, trong đó, việc áp dụng các ứng dụng, giải pháp công nghệ giúp thành phố có được những cách tiếp cận mới, hiệu quả đối với các con số thống kê.

Bức tranh toàn cảnh về kinh tế

Theo Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, tính đến năm 2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 216.170 đơn vị (tăng 26,2% so với năm 2016). Đây là một con số rất ấn tượng trong bối cảnh thành phố đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Sự tăng trưởng này cho thấy, thành phố đã từng bước trở lại quỹ đạo tăng trưởng với những kết quả khả quan, đáng khích lệ và nhanh hơn kỳ vọng.

Trong thời gian ngắn, thành phố Hồ Chí Minh đã sớm vượt qua khó khăn và đang phát triển một cách mạnh mẽ với những giải pháp đồng bộ để vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội. Cục trưởng Thống kê thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Hoàng cho biết: Về mặt không gian, thời gian qua, doanh nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển từ nội thành ra các khu vực quận, huyện vùng ven cũng phản ánh sự phù hợp từ những chính sách của thành phố trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó, nhiều khu, cụm công nghiệp được quy hoạch đã thu hút các doanh nghiệp tìm đến.

Theo Cục Thống kê, đến năm 2021, thành phố có 387.406 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể (giảm 14,5% so với năm 2016); số đơn vị sự nghiệp, hiệp hội là 3.147 đơn vị (giảm 32,7%); cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là 2.381 cơ sở (tăng 3,7%). Nếu phân theo loại hình kinh tế, trong tổng số 216.170 doanh nghiệp, có 270 doanh nghiệp nhà nước (giảm 22,9% so với 2016); 208.609 doanh nghiệp ngoài nhà nước (tăng 25,1%); 7.291 doanh nghiệp FDI (tăng 75,2%). Trong số này, tỷ lệ tăng 25,1% của doanh nghiệp ngoài nhà nước và tỷ lệ tăng 75,2% doanh nghiệp FDI cho thấy nội lực của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là rất lớn dù phần lớn các doanh nghiệp vừa trải qua một đợt khó khăn rất lớn do tác động của đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, nhiều năm qua, đối với các doanh nghiệp FDI, thành phố vẫn là địa chỉ thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư nhờ vào các chính sách ưu đãi, cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Về phân theo khu vực ngành kinh tế, lĩnh vực nông-lâm nghiệp-thủy sản có 665 doanh nghiệp (tăng 40,6%); công nghiệp và xây dựng: 55.521 doanh nghiệp (tăng 36,5%); 159.984 doanh nghiệp dịch vụ (tăng 23%) cũng cho thấy những tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tỷ lệ giảm đối với doanh nghiệp nhà nước cũng phản ánh đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc sắp xếp, chuyển đổi và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ứng dụng công nghệ vào công tác điều tra kinh tế

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết: Cuộc tổng điều tra kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác, sử dụng số liệu thống kê, giúp thành phố có cơ sở để đánh giá và đưa ra những định hướng, quyết sách cho yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Theo đồng chí Võ Văn Hoan, tổng điều tra kinh tế và điều tra các đơn vị sự nghiệp rất có ý nghĩa giúp định hình các xu thế phát triển, các vấn đề vướng mắc gặp phải để đề ra các giải pháp thúc đẩy phát triển xã hội. UBND thành phố đề nghị Cục Thống kê thành phố chủ động xây dựng đề án số hóa các số liệu thống kê, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác thống kê.

Thực tế cho thấy, tổng điều tra năm 2021 của thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện với nhiều điểm mới so với các cuộc tổng điều tra trước đó. Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, trong bối cảnh nhu cầu thông tin thống kê ngày càng được yêu cầu cao hơn với mức độ phân tổ chi tiết hơn thì sự tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin được các đơn vị tận dụng tối đa để nâng cao chất lượng, hiệu quả của thông tin thống kê. Tại Cục Thống kê thành phố, công nghệ thông tin được ứng dụng trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra từ công tác chuẩn bị, thu thập thông tin, xử lý đến công bố kết quả. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định, sắp xếp, phân loại các cơ sở kinh tế vào các ngành kinh tế dựa trên đơn vị sản phẩm chính được sản xuất ra. Các câu hỏi logic và công nghệ nhận dạng đã định vị chuẩn xác cấu trúc đơn vị điều tra, từ đó đưa ra các bảng hỏi phù hợp.

Tại quận Phú Nhuận, Chi Cục trưởng Thống kê quận Ngô Trường Chinh cho biết: Để bảo đảm kết quả của công tác thống kê, ngoài việc sử dụng xây dựng phần mềm xử lý, tổng hợp kết quả Tổng điều tra do Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương thiết kế, Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế quận Phú Nhuận đã chủ động xây dựng phần mềm để xử lý, tổng hợp riêng kết quả Tổng điều tra trên địa bàn quận. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thông qua những con số điều tra, thành phố sẽ có dịp nhìn lại, đánh giá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của mình. Cũng từ đây, thành phố sẽ mời các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị, sở, ngành cùng thảo luận những con số thống kê, đưa ra một mô hình phát triển phù hợp cho thành phố. Đồng thời, giúp các quận, huyện có cơ sở đánh giá sơ bộ định hướng phát triển địa phương và đưa ra những khuyến nghị để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.