Hướng đi mới cho nông nghiệp thành phố

Nắm bắt xu thế phát triển tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố Hồ Chí Minh tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng đến nền nông nghiệp đô thị, hiện đại bền vững. Đây được xem là lựa chọn tất yếu của ngành nông nghiệp thành phố trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa.

Nông dân huyện Củ Chi trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao.
Nông dân huyện Củ Chi trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao.

Là một hội viên nông dân năng động, sáng tạo, ông Trần Văn Hùng, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn đạt được nhiều thành công ở lĩnh vực trồng hoa lan trong những năm qua. Với kinh nghiệm học tập tại Hàn Quốc, ông Hùng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật cao nhằm cải tạo đất trồng, lai tạo các giống hoa, giống cây trồng mới có khả năng thích ứng với những vùng đất canh tác bạc màu, khô hạn.

Với diện tích sản xuất 4.000 m2, vườn lan của ông Hùng cho năng suất 50.000 cây/năm, đem lại lợi nhuận 750 triệu đồng/năm. Trong sản xuất, ông chú ý lựa chọn sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học để giữ và nâng cao độ phì nhiêu của đất nông nghiệp, luôn kết hợp giữa kinh nghiệm canh tác truyền thống với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng nông sản theo hướng phát triển bền vững. Ông còn sáng lập Tổ hợp tác Hoa lan Thủy Tiên, luôn tích cực hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và lập vườn hoa lan cho các hộ có nhu cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương...

Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị với những cách làm mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị nông sản và hướng đến xuất khẩu xuất hiện ngày càng nhiều, nâng dần tỷ lệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của thành phố. Theo thống kê, nếu năm 2010, tỷ lệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 10%, thì đến nay tỷ lệ này được nâng lên hơn 40% trong sản xuất nông nghiệp.

Những mô hình này giúp gia tăng đáng kể thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao được triển khai thành công như: thực hiện nghiên cứu sản xuất một số loại rau ăn lá trong hệ thống Plant Factory; ứng dụng hệ thống điều khiển tự động tích hợp với thiết bị di động để duy trì dòng bố mẹ và sản xuất hạt lai dưa lưới F1 trong nhà màng; ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi heo, bò sữa, gia cầm; nuôi tôm công nghệ cao… Là đơn vị chủ lực trong nghiên cứu, lai tạo giống, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, ông Phạm Đình Dũng, Trưởng ban Quản lý khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố

Hồ Chí Minh cho biết: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố là đơn vị tiên phong cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản nhằm hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp bền vững, xứng đáng là đầu tàu dẫn dắt cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Ban Quản lý khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố đã triển khai 408 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và ươm tạo công nghệ cấp cơ sở, cấp tỉnh, thành phố và cấp bộ.

Nội dung nghiên cứu tập trung vào các nhóm đối tượng chính về giống rau, hoa, cá cảnh, cây dược liệu, nấm ăn, nấm dược liệu, chế phẩm sinh học. Đơn vị đã thành lập được ngân hàng nguồn gen bảo tồn và lưu trữ các giống cây, giống con quý hiếm phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, lai tạo và sản xuất, tạo ra các nguồn giống mới có đặc tính vượt trội và giá trị kinh tế cao... Hoàn thiện hơn 100 quy trình kỹ thuật, sẵn sàng để chuyển giao ứng dụng cho các đơn vị, tổ chức cá nhân có nhu cầu phát triển trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu và cấp thiết của nông nghiệp thành phố. Thành phố đề ra nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xem đây là một trong những vấn đề then chốt. Thành phố đã triển khai nhiều chính sách thu hút, đào tạo người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; cử cán bộ ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ; phối hợp với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, các công ty ở các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Bỉ… để hợp tác chuyển giao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trao đổi mô hình ứng dụng.

Thành phố chú trọng đầu tư hạ tầng, vật chất kỹ thuật để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, thành phố đã hình thành, đưa vào hoạt động hiệu quả nhiều đơn vị đầu mối, trong đó có khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao… Thành phố hỗ trợ việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, từ đó ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao mô hình cho nhóm sản phẩm thủy sản chủ lực; phát triển chương trình giống cây, giống con.

Mục tiêu của thành phố là đến năm 2030, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75%-85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Hơn 70% hộ nông dân, hơn 80% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch, hơn 30% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao…