Hết mình với người lao động

Những ngày dịch bệnh diễn ra căng thẳng, phức tạp, nhiều cán bộ Công đoàn các cấp ở TP Hồ Chí Minh đã không ngại khó khăn, tìm mọi cách chăm lo từng bữa ăn, gói ghém từng phần quà gửi đến công nhân ở các khu cách ly, phong tỏa để "tiếp sức" cho người lao động (NLÐ) sớm ổn định cuộc sống, trở lại với nhà máy...

Công đoàn KCX Tân Thuận luôn quan tâm chăm lo cho công nhân lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.
Công đoàn KCX Tân Thuận luôn quan tâm chăm lo cho công nhân lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.

Mỗi buổi sáng, khi những chuyến xe chở nhu yếu phẩm, nông sản từ nhiều nơi, nhiều nguồn vào Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận (quận 7) để hỗ trợ công nhân lao động, ngay lập tức, ông Cao Thanh Hùng cùng anh em công nhân có mặt bốc hàng để kịp phân loại mang đến tận nơi cho công nhân trong các khu vực bị phong tỏa. Tháng 6, dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, một số công nhân ở KCX Tân Thuận là F0 phải đi điều trị ở Bệnh viện Dã chiến Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ông Hùng gói ghém hàng chục phần quà là nhu yếu phẩm cần thiết nhờ chuyển đến cho công nhân với lời nhắn nhủ động viên anh em cố gắng điều trị tốt để mau trở về... phân xưởng. Ông Hùng cùng cán bộ Công đoàn Ban Quản lý các KCX, Khu công nghiệp (KCN) TP Hồ Chí Minh cũng đến tận nơi để thăm hỏi, trao quà cho công nhân đang bị cách ly, nghi nhiễm Covid-19 trong các khu lưu trú công nhân ở quận 7, huyện Nhà Bè. Thời điểm thành phố bắt đầu đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin trong công nhân, ông Hùng chạy đôn chạy đáo để cùng lực lượng y tế tranh thủ tiêm vắc-xin cho công nhân tại các nhà máy, doanh nghiệp đóng trong KCX Tân Thuận...

Ông Cao Thanh Hùng là cán bộ Công đoàn chuyên trách của tổ chức Công đoàn KCX Tân Thuận, có nhiều năm gắn bó với NLÐ tại đây. Ông Hùng chia sẻ: "Hôm nào mình lo được cho anh em công nhân là đêm đó mình ngủ ngon. Họ vui, họ khỏe thì nhà máy mới nhộn nhịp để dây chuyền sản xuất chạy đều. Với tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều nhà máy trong KCX phải đóng cửa, anh em công nhân nghỉ việc, điều trăn trở của chúng tôi lúc này là làm sao bữa cơm hằng ngày của NLÐ không phải thiếu thốn"...

Ðợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, các đơn vị lo cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân phải làm việc nhiều hơn, nhiều NLÐ tại đơn vị phải tăng ca. Là tổ trưởng Tổ phòng, chống dịch của đơn vị, bà Phạm Thị Hồng, Phó Chủ tịch Công đoàn bộ phận Trung tâm phân phối thực phẩm tươi sống trực thuộc Công đoàn Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (SaiGon Co.op), đã chủ động lên kế hoạch bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt theo phương án "ba tại chỗ" cho gần một trăm nhân viên làm nhiệm vụ phân phối hàng hóa của hệ thống siêu thị. Nơi thực hiện "ba tại chỗ" là kho hàng đặt tại KCN Sóng Thần (Bình Dương) nên bà Hồng phải đi về như con thoi giữa hai nơi để vừa chăm lo bữa ăn cho NLÐ, vừa nắm bắt tình hình điều phối hàng hóa.

Bà Hồng cho biết: "Phân phối hàng hóa, nhất là thực phẩm tươi sống, là khâu quan trọng của hệ thống siêu thị, không thể để sản phẩm thiếu hụt, chậm đến các siêu thị trên toàn hệ thống. Do vậy, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả chúng tôi phải chủ động hơn trong khâu kết nối nhằm không để thiếu hụt hàng hóa trên các quầy, kệ".

Trong lúc công việc điều phối và quản lý nhóm nhân viên phân phối đang vận hành suôn sẻ, bà Hồng không may bị dương tính với Covid-19 qua tầm soát tại đơn vị nên phải đi cách ly, điều trị. Tập trung điều trị nhưng bà Hồng vẫn thường xuyên liên lạc động viên anh em trong đơn vị giữ gìn sức khỏe, bảo đảm duy trì "ba tại chỗ" để hoạt động phân phối được liên tục. Từ khu điều trị tại TP Dĩ An (Bình Dương), bà Hồng cho hay đã ổn định sức khỏe, hai lần xét nghiệm kết quả đều âm tính…

Khắp mọi tuyến đường, khu phố, con hẻm bị phong tỏa, cách ly ở thành phố, nhiều cán bộ công đoàn đã có mặt để trao những phần quà, nhu yếu phẩm gửi tặng gia đình các đoàn viên, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Họ nỗ lực tham gia công tác chăm lo đời sống cho công nhân lao động, góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy. Việc làm của các cấp công đoàn, của nhiều cán bộ công đoàn ở thành phố đã tạo nên những hiệu ứng tích cực để động viên NLÐ cùng cộng đồng sớm vượt qua khó khăn, thử thách của đại dịch Covid-19...

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN

Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, ngoài việc tích cực triển khai để các gói hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền thành phố đến được với NLÐ một cách kịp thời, các cấp công đoàn thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho công nhân, NLÐ tại các khu nhà trọ, tạm ngừng việc không hưởng lương và gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Ðến nay, các cấp công đoàn thành phố đã vận động, chăm lo cho hơn 83.700 NLÐ với kinh phí 11,3 tỷ đồng.