Gỡ vướng trong triển khai dự án ODA

Sáu tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt mức khá thấp. Hiện nay, các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố đang tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương để sớm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…

Thi công cải tạo kênh Tẻ thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2.
Thi công cải tạo kênh Tẻ thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong sáu tháng vừa qua, thành phố không tham gia ký kết điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi. Thành phố đang triển khai thực hiện tám dự án ODA với tổng vốn đầu tư 122.567 tỷ đồng (gồm 102.732 tỷ đồng vốn ODA và 19.835 tỷ đồng vốn đối ứng). Tính tới giữa tháng 6/2021, tổng vốn ODA giải ngân được hơn 1.329 tỷ đồng, đạt 10,2% kế hoạch năm 2021.

Ðiển hình, Dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 1 (metro số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên) chỉ mới giải ngân được khoảng 655,7 tỷ đồng, đạt 7,25% kế hoạch năm 2021. Theo Ban Quản lý Ðường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR), Dự án metro số 1 đang triển khai lắp dây cáp điện trên toàn tuyến, khẩn trương hoàn thiện nhà ga Ba Son, đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ga Bến Thành. Ðến hết tháng 6/2021, toàn tuyến đạt khoảng 87% khối lượng xây lắp. Dự kiến, dự án sẽ được đưa vào khai thác, vận hành kỹ thuật vào cuối năm 2021 và khai thác thương mại trong năm 2022.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Trong nguyên nhân có việc vốn ODA cấp phát, bố trí cho dự án bị chậm trễ. Bên cạnh đó, các gói thầu đang triển khai thi công của dự án được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng) nhưng việc cung cấp các thông số liên quan cần thiết của các gói thầu chưa được cụ thể ngay từ giai đoạn lập hồ sơ mời thầu cho nên ảnh hưởng đến công tác thiết kế và tiến độ của các gói thầu. Cùng với đó, quá trình thi công vẫn còn vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại của các công trình hạ tầng, nhà dân dọc chín cầu bộ hành, cần phải di dời dẫn đến phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng tiến độ thực hiện các gói thầu. Ðại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch và tiến độ thi công của các gói thầu…

Trước đó, công tác giải ngân kế hoạch vốn của dự án gặp trở ngại do các bộ, ngành chưa thống nhất được việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát theo tiền yen (Nhật Bản) hay tiền đồng Việt Nam. Ðể tháo gỡ vướng mắc này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND thành phố Hồ Chí Minh có văn bản xác định chính xác giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương, trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) phối hợp Bộ Tài chính xem xét, đề xuất bổ sung số vốn còn thiếu so với mức được ngân sách trung ương hỗ trợ. Từ thực tế đó, MAUR đã kiến nghị Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án xem xét, thẩm định trình UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh dự án để làm cơ sở xác định giá trị ODA cấp phát từ ngân sách trung ương. MAUR cũng kiến nghị UBND thành phố xem xét, có ý kiến chỉ đạo về việc thiết kế, xây dựng cầu bộ hành các nhà ga trên cao của gói thầu số 2 nhằm bảo đảm tiến độ dự án; kiến nghị Hội đồng thẩm định thiết kế kỹ thuật xem xét, phê duyệt 32 tiêu chuẩn kỹ thuật bổ sung cho dự án…

Ở bình diện chung, tất cả các dự án sử dụng vốn ODA đang được triển khai trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều có tỷ lệ giải ngân khá thấp. Theo Giám đốc Sở KH và ÐT thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thị Huỳnh Mai, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả này. Trước hết, do một số dự án đã hết thời hạn Hiệp định, đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và gia hạn thời gian thực hiện. Một số dự án đang trình Bộ Tài chính, Bộ KH và ÐT để lập thủ tục đàm phán ký kết thỏa thuận vay bổ sung vốn. Quy trình và thủ tục quản lý và sử dụng ODA theo quy định hiện hành phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình và dự án ODA. Một số dự án bị chậm về tiến độ thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở và quy hoạch 1/500. Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn quận 3 chưa được giải quyết dứt điểm, cho nên việc bàn giao mặt bằng phục vụ cho công tác thi công tuyến metro số 2 bị chậm trễ. Chủ dự án chậm ký kết phụ lục hợp đồng triển khai thực hiện một số dự án...

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và tiến độ thi công các dự án ODA, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị bộ này sớm ký kết thỏa thuận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) làm cơ sở cho TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng vay lại để giải ngân cho Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, giai đoạn 2. Kiến nghị Bộ Tài chính tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019 chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới; các khoản vay cũ đã giải ngân thì tiếp tục thực hiện như Hiệp định đã ký.

UBND thành phố cũng kiến nghị Bộ KH và ÐT quan tâm, tiếp tục hỗ trợ thành phố trong việc vận động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông và môi trường có quy mô đầu tư lớn như Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát…