Gỡ vướng cho ngành giáo dục thành phố

Những năm qua, ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động đẩy mạnh các giải pháp đổi mới về tổ chức dạy và học theo hướng hội nhập quốc tế. Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng ngành giáo dục thành phố vẫn phải đối mặt những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. 

Giờ học của trẻ tại Trường mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Giờ học của trẻ tại Trường mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức, nhiều ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên... ngành giáo dục thành phố nêu lên những trở ngại, khó khăn mà ngành giáo dục thành phố đang gặp. Cụ thể, do số dân cơ học tăng cao đã tạo áp lực lớn trong việc đáp ứng cơ sở trường, lớp tại một số quận, huyện có quá trình đô thị hóa nhanh. Điều này dẫn đến sĩ số học sinh/lớp còn cao, chưa đáp ứng được nhu cầu học hai buổi/ngày. Việc bảo đảm số lượng và chất lượng giáo viên ở một số môn vẫn còn hạn chế; chế độ, chính sách giáo viên, nhất là khu vực mầm non vẫn còn bất cập...

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 Phạm Đăng Khoa cho biết: Trong bối cảnh hậu Covid-19, có nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, rơi vào cảnh mồ côi cha, mẹ. Các em bị ảnh hưởng tâm lý nhưng các trường chưa có giáo viên được đào tạo chuyên nghiệp về tư vấn tâm lý, phần lớn chỉ làm công tác kiêm nhiệm cho nên không thể hỗ trợ hiệu quả cho học sinh. Từ thực tiễn này, ông Khoa đề xuất có biên chế giáo viên tư vấn về tâm lý đào tạo chuyên nghiệp cho trường học để hỗ trợ kịp thời cho học sinh, tham mưu cho ban giám hiệu nhà trường các hoạt động giáo dục sức khỏe tâm lý cho học sinh.

 Cũng theo ông Khoa, ngành giáo dục Quận 3 đã có năm nhân viên y tế xin nghỉ việc trong mùa dịch Covid-19 do đời sống khó khăn, công việc vất vả. Mặc dù lực lượng này được hưởng thêm phụ cấp theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập và Quyết định 06/2015 QĐ-UBND ngày 27/1/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về chính sách thu hút, hỗ trợ cho cán bộ, viên chức công tác tại các cơ sở y tế thuộc lĩnh vực y tế dự phòng của thành phố, nhưng do vật giá tăng cao cho nên mức phụ cấp cũng không đủ để đội ngũ nhân viên y tế học đường yên tâm công tác. Do đó, cần cập nhật chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế hoặc xây dựng chính sách đặc thù nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ nhân viên y tế trường học, giúp nhà trường bảo đảm tuyển được người có chuyên môn và gắn bó lâu dài.

Cùng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định cụ thể chức danh nhân viên y tế học đường. Hiện tại, có bốn chức danh (kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế) nhưng quy định chỉ có hai vị trí việc làm dẫn đến một số nơi nhân viên y tế học đường phải kiêm nhiệm. Trong khi nhân viên y tế có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh trong nhà trường. Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở An Phú, thành phố Thủ Đức, Mai Thị Thu chia sẻ: Trên địa bàn Thủ Đức chỉ có 14 viên chức là nhân viên y tế, còn lại là nhân viên hợp đồng hoặc kiêm nhiệm. Trường trung học cơ sở An Phú cũng không có nhân viên y tế viên chức mà chỉ làm việc theo hợp đồng. Mức lương cho nhân viên y tế làm việc theo hợp đồng rất thấp so với mặt bằng chung, không có chế độ đãi ngộ riêng. Bà Thu đề xuất xem xét mức lương và chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế học đường nói chung và nhân viên y tế làm việc theo hợp đồng nói riêng để thu hút họ đến với trường học.

Ngoài ra, ngành giáo dục còn kiến nghị sớm triển khai các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhất là cho đội ngũ giáo viên, nhân viên của ngành giáo dục và đào tạo để sớm ổn định cuộc sống, giúp thầy, cô yên tâm gắn bó với nghề. Bổ sung cơ chế, chính sách để thu hút xã hội hóa giáo dục... Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình Trần Khắc Huy cho biết: Trước yêu cầu xã hội hóa giáo dục nhằm huy động nguồn lực xã hội để thực hiện giáo dục như xây dựng trường lớp, đầu tư thực hiện các hoạt động giáo dục hiện nay đang vướng mắc.

Cụ thể, khi nhà đầu tư muốn mở trường tư thục, dân lập tại các quận nội thành thì thường phải thuê đất nhưng nguồn gốc đất là đất ở, nếu muốn xây dựng trường thì phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở sang đất giáo dục. Việc này gây phiền hà rất lớn cho nhà đầu tư, cũng như không nhận được sự đồng ý của các chủ đất cho thuê. Cùng với đó, thủ tục chuyển đổi đất ở sang đất giáo dục cũng mất rất nhiều thời gian làm mất đi cơ hội cho nhà đầu tư. Để nguồn lực xã hội hóa đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng cần có quy định thông thoáng cho việc chuyển đổi đất ở sang đất giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư có thể thành lập trường học tại thành phố.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Dương Trí Dũng cho biết: Qua đại dịch Covid-19 nổi lên nhiều vị trí việc làm mới rất bức thiết như nhân viên y tế, nhân viên tư vấn tâm lý... Trong khi chưa có vị trí việc làm, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cùng các đơn vị liên quan đang hoàn chỉnh yếu tố pháp lý để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh những chế độ, chính sách đặc thù để hỗ trợ, giữ chân và thu hút các lực lượng này ■