Giúp người dân mua hàng hóa thiết yếu

Các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường, bổ sung lượng hàng hóa thiết yếu, số lượng nhân viên… để chia sẻ, hỗ trợ và phục vụ người dân tốt hơn trong thời gian tiếp tục giãn cách xã hội.

Saigon Co.op tổ chức những chuyến xe buýt để giao hàng hóa kịp thời cho người dân đã đặt mua. Ảnh: CTV
Saigon Co.op tổ chức những chuyến xe buýt để giao hàng hóa kịp thời cho người dân đã đặt mua. Ảnh: CTV

Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, thông qua hơn 500 điểm bán trên địa bàn thành phố, bình quân mỗi ngày Saigon Co.op phân phối hơn 2.000 tấn hàng hóa đến người dân. Nhờ sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của lực lượng quân đội, các nhóm tình nguyện trong việc tiếp nhận đơn hàng, soạn hàng và giao hàng đến các khu dân cư, hệ thống Co.opmart đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố.

Ðể có thể phục vụ người dân ổn định trong thời gian dài ngày, các chuỗi bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đã dự trữ lượng hàng hóa bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu của người dân từ ba đến sáu tháng, nhất là những nhóm hàng thiết yếu. Saigon Co.op cũng đã xây dựng phương án cung ứng hàng hóa phù hợp với từng cấp độ giãn cách xã hội của từng địa phương thuộc thành phố trong thời gian tới.

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng nhanh chóng đưa vào hoạt động trở lại số lượng lớn các điểm bán lẻ. Ngoài ba siêu thị Satramart, hiện, Satra có 165 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods đang hoạt động ở thành phố; trong đó có 97 cửa hàng nằm trong "vùng đỏ".

Ở những khu vực chưa cho phép người dân đi mua hàng trực tiếp, các điểm bán của Saigon Co.op tập trung nguồn lực để phục vụ các đầu mối mua chung và tiếp tục mở rộng kênh bán hàng qua mạng. Tại một số khu vực, Saigon Co.op còn tổ chức hình thức mua chung, giao hàng tận nơi bằng xe buýt thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food.

Những khu vực người dân được phép đi mua hàng trực tiếp (theo hướng dẫn của từng địa phương), siêu thị áp dụng kênh mua chung qua các đầu mối và bán hàng qua mạng. Saigon Co.op cũng đã tăng cường nhân sự để giải quyết tốt các mảng liên quan đến các khâu đặt hàng, nhận hàng, trữ hàng, nhập hàng, soạn hàng và giao hàng; thường xuyên kiểm tra xem bị tắc ở khâu nào thì chấn chỉnh ngay khâu đó. Tại ba siêu thị Satramart, số lượng nhân viên thuộc khu vực siêu thị tự chọn cũng tăng từ 10% đến 25% so với cuối tháng 8. Satra cũng đẩy mạnh phương thức bán hàng trực tuyến qua các ứng dụng của mình và đối tác nhằm tạo thêm sự tiện lợi và đưa hàng hóa đến tay người dân kịp thời, nhanh chóng.

Chia sẻ khó khăn với người dân, các chuỗi bán lẻ thuộc Saigon Co.op tiếp tục giảm giá đối với 200 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, dầu ăn, trứng, thủy sản, hải sản, thịt heo, thịt gà, nước uống dinh dưỡng, bột giặt… với mức giảm giá từ 15% đến 50%. Tiếp tục tích cực tiêu thụ nông sản ở một số địa phương và sẽ trích một phần doanh thu bán bánh trung thu để mua vật phẩm y tế tặng tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở đang khẩn trương hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố để sớm mở cửa hoạt động thương mại.

Trước mắt, Sở Công thương phối hợp chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng triển khai phương án đi chợ mỗi tuần một lần cho người dân tại quận 7 và huyện Củ Chi. Tích cực phối hợp các cơ quan và đơn vị liên quan để sớm đưa vào hoạt động thêm các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm cùng Chợ đầu mối nông sản - thực phẩm Bình Ðiền đã hoạt động trở lại ■

HOÀNG LIÊM