Giữ "vùng xanh" mua sắm

Với những chợ truyền thống và siêu thị còn hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, quản lý các đơn vị này đang tìm mọi cách bảo vệ "vùng xanh" (vùng an toàn) để không đứt nguồn cung, giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm…

Siêu thị Satramart lắp buồng khử khuẩn để người dân an toàn khi vào mua sắm.
Siêu thị Satramart lắp buồng khử khuẩn để người dân an toàn khi vào mua sắm.

Thông tin từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/7, số chợ truyền thống còn đang hoạt động trên địa bàn thành phố là 27 trong tổng số 237 chợ. Số chợ này chủ yếu ở vùng ven, ngoại thành. Thành phố còn 96 siêu thị và 2.763 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Thực tế cho thấy, nhiều chợ truyền thống vừa hoạt động trở lại đã phải đóng cửa do có ca mắc Covid-19. Chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) tạm ngưng hoạt động vì có ca mắc Covid-19 phát hiện vào ngày 27/6. Sau khi áp dụng biện pháp phòng dịch, đến ngày 17/7, chợ hoạt động được một tuần lại phát hiện có tiểu thương dương tính cho nên đóng cửa từ ngày 22/7 đến nay. Hay chợ Bình Thới (quận 11) cũng phải đóng cửa lần thứ hai vào ngày 24/7 với lý do tương tự.

Chợ Bình Thới là nơi đầu tiên tại thành phố thực hiện phát thẻ đi chợ và triển khai tổng đài đặt lịch tự động hẹn giờ cho người dân đến chợ để bảo đảm giãn cách, an toàn. Chợ cũng thiết lập các vách ngăn để hạn chế tiếp xúc giữa người mua và người bán; kiểm soát thông tin người đi chợ để dễ truy vết. Mới đây, siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10) cũng tạm ngưng phục vụ để phòng, chống dịch Covid-19…

Từ thực tế nêu trên, các chợ còn hoạt động trên địa bàn thành phố đã nâng các biện pháp phòng dịch lên mức cao nhất. Vừa mở cửa hoạt động lại sau thời gian tạm ngưng, chợ An Ðông (quận 5) kiểm soát nghiêm ngặt tiểu thương kinh doanh, khách mua hàng bằng cách yêu cầu các tiểu thương thực hiện giãn cách; cắt cử lực lượng nhân viên Ban Quản lý chợ nhắc nhở nếu nơi nào tập trung đông người. Phó trưởng Ban Quản lý chợ An Ðông Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết, chợ mở từ ngày 17/7, để phòng dịch, khách đến chợ phải tuân thủ thông điệp 5K và được phát phiếu để điền thông tin ghi rõ đã tiếp xúc với tiểu thương, sạp hàng nào và nộp lại ở cổng ra của chợ.

Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố cũng tăng cường các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Sau thời gian tạm dừng hoạt động để tiến hành phun khử khuẩn, hai siêu thị Satramart là siêu thị Sài Gòn (quận 10) và siêu thị Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) đã hoạt động trở lại từ giữa tháng 7. Ðại diện Satra cho biết, tất cả khách hàng đều phải tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch khi đến siêu thị mua sắm. Các siêu thị đều trang bị những bình khử khuẩn cho khách hàng. Nhân viên của siêu thị đều đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi đầu tiên. Satra còn lắp buồng khử khuẩn toàn thân cho khách tại cửa ra, vào của siêu thị Phạm Hùng. Siêu thị chỉ phục vụ một lượng khách có hạn để thực hiện giãn cách. Hệ thống loa tại siêu thị sẽ thông báo thời gian đến lượt của khách hàng. Trong thời gian chờ đợi, khách hàng sẽ được phát phiếu để ghi nhu cầu mua sắm và sẽ được nhân viên siêu thị hỗ trợ soạn sẵn hàng. Hệ thống cũng tăng cường bán hàng trực tuyến, triển khai phương án G1 (hình thức đi chợ hộ) cho người dân. Người mua chỉ cần cài đặt ứng dụng, hoặc gọi theo số đường dây nóng và đặt hàng sẽ có đội ngũ nhân viên đi mua đồ giúp.

Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra cũng đã thực hiện phân luồng, hướng dẫn khai báo y tế và điều tiết khách hàng ngay từ cổng vào, tránh tình trạng khách vào siêu thị quá đông, không bảo đảm giãn cách. Theo Saigon Co.op, do phải mở cửa xuyên suốt phục vụ vài trăm nghìn lượt khách hàng mỗi ngày cho nên hệ thống bán lẻ mặc dù đã tuân thủ hết sức nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch cũng không thể tránh khỏi những nguy cơ nhất định. Vì vậy, khi có thông tin có ca nghi nhiễm cần truy vết có liên quan đến siêu thị nào thì nơi ấy sẽ chủ động tạm dừng hoạt động và ngay lập tức phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá, xử lý hàng hóa, sau đó khử khuẩn toàn bộ không gian mua sắm, xét nghiệm toàn bộ nhân viên liên quan. Khi bảo đảm tất cả các điều kiện an toàn thì nhanh chóng hoạt động trở lại phục vụ người dân.

Tương tự, 18 siêu thị VinMart và gần 500 cửa hàng VinMart+ tại thành phố đã cho nhân viên hỗ trợ khách hàng rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, đo nhiệt độ trước khi vào mua sắm; giãn cách tối thiểu 2 m kể cả trong khu mua sắm lẫn khu tính tiền; lắp đặt vách ngăn giữa nhân viên thu ngân với khách. Các siêu thị AEON, ngoài thực hiện 5K còn tăng tần suất vệ sinh sát khuẩn từ hai lần mỗi ngày lên bốn lần/ngày. Còn hệ thống MM Mega Market Việt Nam thì thực hiện phương án "ba tại chỗ"…

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố. Theo đó, đề nghị UBND thành phố Thủ Ðức và các quận, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác triển khai Bộ tiêu chí tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Những đơn vị không thực hiện thì tạm dừng hoạt động để thực hiện việc tự đánh giá và có phương án khắc phục (nếu không bảo đảm các tiêu chí).

Sở Công thương cũng đề xuất các địa phương xây dựng phương án mở lại các điểm bán thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống đang tạm ngừng hoạt động với điều kiện phương án này phải được xem xét kỹ lưỡng và tính toán bảo đảm việc hoạt động an toàn. Ðối với các chợ đang tạm ngừng hoạt động chỉ được mở lại trong điều kiện bảo đảm an toàn…