Giảm nỗi lo hậu Covid-19

TP Hồ Chí Minh đã trải qua giai đoạn căng thẳng nhất của dịch Covid-19. Số ca nhiễm ngày càng giảm mạnh, tỷ lệ phủ vắc-xin tăng nhanh. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi đã chữa khỏi, những tác động tiêu cực mà các F0 phải gánh trong đợt dịch này là rất lớn.

 Những F0 sau quá trình điều trị cần có thời gian theo dõi, chăm sóc để sớm quay lại cuộc sống bình thường.
Những F0 sau quá trình điều trị cần có thời gian theo dõi, chăm sóc để sớm quay lại cuộc sống bình thường.

Là F0 triệu chứng nhẹ và được địa phương đồng ý cho tự cách ly tại nhà, thế nhưng sau khi khỏi bệnh gần một tháng, chị T.N.T. (quận Phú Nhuận) vẫn thấy mệt mỏi, khó thở và thường xuyên nhức đầu, chị T. phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ. “Tôi như trầm cảm, chẳng muốn nói chuyện với chồng, con hay làm việc. Lúc nào tôi cũng thấy lo lắng, bất an, nhất là khi nhớ lại giai đoạn mình phải thở oxy, chống chọi với các diễn biến của bệnh. Không biết đến khi nào tôi mới khỏe mạnh thật sự”, chị T. thở dài.

Mặc dù theo thống kê của Bộ Y tế, đợt dịch này cả nước chỉ có khoảng 11% số ca nhiễm Covid-19 trở nặng, còn lại hơn 80% F0 không triệu chứng hoặc ở mức nhẹ, trung bình nhưng nhiều người bệnh vẫn lo âu, dẫn đến các tổn thương về tinh thần, tâm lý. Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Trung ương 1 cho thấy, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn khi thời gian giãn cách kéo dài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của nhiều người dân tại thành phố. Sau một thời gian dài tham gia điều hành Tổ Y tế từ xa của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với nhiệm vụ chính là tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, ThS, BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó Trưởng bộ môn Nhiễm cảm nhận rõ nỗi lo mà các F0 gặp phải. Theo bác sĩ Vân Anh, chứng “Covid kéo dài” (“long Covid”) bao gồm các triệu chứng xảy ra ở một số người sau khi đã khỏi bệnh. Thông thường, Covid-19 gây bệnh ở mức độ nhẹ và người bệnh sẽ hồi phục trong khoảng vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên, một số người vẫn còn các triệu chứng sau khi đã khỏi bệnh trong vài tháng, thậm chí là một năm mà không khỏe hoàn toàn. Dấu hiệu phổ biến nhất là mệt mỏi. Triệu chứng có thể xuất hiện theo từng đợt nhưng thường kéo dài dai dẳng… Cùng với đó, bác sĩ Vân Anh cho rằng, sang chấn tâm lý do Covid-19 cũng là vấn đề cần được quan tâm đúng mức: “Sang chấn tâm lý để lại những hậu quả lâu dài về các khía cạnh như thể chất, cảm xúc, xã hội hay tinh thần, gây ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, người bị sang chấn tâm lý sau Covid cần được phát hiện và điều trị sớm, đồng thời duy trì các điều trị nâng đỡ trong một thời gian dài”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc được phát hiện kịp thời, điều trị đúng phác đồ sẽ giúp người nhiễm Covid-19 sớm hồi phục. Với những F0 biểu hiện nhẹ, trung bình, quá trình điều trị này sẽ được ngắn hơn rất nhiều và giảm những tổn thương sau Covid. Tuy nhiên, sau khi chuyển từ tình trạng dương tính sang âm tính, người bệnh không được chủ quan mà cần đặt cơ thể vào tình trạng chăm sóc, theo dõi đặc biệt trong ít nhất sáu tháng để kịp thời phát hiện những thay đổi tiêu cực, nhất là về mặt tâm lý. Với thể trạng còn yếu sau quá trình điều trị, theo PGS, TS, bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập luyện, bổ trợ thêm các loại dược phẩm, vitamin cần thiết để tăng sức đề kháng tự nhiên. Ở giai đoạn “dưỡng thương” này, quan trọng nhất là thực dưỡng. Thức ăn phải đa dạng, đủ thành phần được chế biến hạn chế dầu mỡ sẽ giúp người bệnh dễ dàng hấp thu dưỡng chất. Chất lượng giấc ngủ phải được coi trọng vì đây là quá trình rất cần thiết để cơ thể phục hồi chức năng của các cơ quan. Các F0 sau khi khỏi bệnh cũng cần tập trung luyện thở để rút ngắn thời gian phục hồi tổn thương ở phổi.

Nhằm hạn chế thấp nhất những thương tổn kéo dài sau quá trình điều trị Covid-19, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần lưu ý những bất thường để kịp thời đi khám. Trong trường hợp thường xuyên lo âu, mất ngủ, ngủ không ngon, F0 hậu Covid-19 cần sớm tìm giải pháp cải thiện “vệ sinh giấc ngủ” như đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tránh uống cà-phê và rượu vào cuối ngày, không nhìn vào màn hình trước khi ngủ… Người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thực phẩm giúp dễ ngủ, uống nước ấm, xông phòng hoặc mở các loại nhạc phù hợp. “Tùy vào tình trạng của mỗi cá nhân mà F0 sau quá trình điều trị Covid có thể cần thuốc để giảm các triệu chứng như ho hoặc đau và phục hồi chức năng các cơ quan quan trọng như tim, phổi... Với một số trường hợp, liệu pháp vật lý và vận động, điều trị lo âu hoặc trầm cảm là cần thiết. Do đó, những người có biểu hiện triệu chứng “Covid kéo dài” nên đến những bệnh viện có các đơn vị điều trị sau Covid để được khám, theo dõi và nhất là cần theo các chương trình tập phục hồi chức năng để giữ cho cuộc sống có chất lượng tốt”, bác sĩ Vân Anh nhắn nhủ.

Phối hợp đông - tây y trong việc phục hồi cơ thể sau Covid cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia nhắc đến thời gian gần đây. Họ cho rằng, nếu chọn lọc các phương pháp phù hợp với thể trạng và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, lương y, các F0 sau điều trị sẽ sớm quay lại nhịp sinh hoạt bình thường, tránh được những hệ quả đáng tiếc làm giảm chất lượng cuộc sống. Còn các chuyên gia tâm lý thì cho rằng, quá trình phục hồi tâm lý cần được triển khai song song với phục hồi sức khỏe vì lúc đó người bệnh rất dễ gặp những thương tổn kéo dài, càng để lâu càng khó khắc phục. Sự hỗ trợ của gia đình, người thân, bạn bè và cộng đồng là điều vô cùng cần thiết giúp các F0 sớm tách biệt khỏi sự ảnh hưởng không mong muốn từ dịch bệnh.