Gia tăng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh vừa phối hợp Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố và Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021 (SFS 2021). Ðây là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trở thành đối tác của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nhà sản xuất công nghiệp đầu - cuối...

Ðại diện các doanh nghiệp tìm hiểu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021.
Ðại diện các doanh nghiệp tìm hiểu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021.

Hội nghị năm nay cập nhật nhu cầu, xu hướng của thị trường, công nghệ sản xuất mới, các tiêu chuẩn sản xuất mới từ các nhà mua hàng là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu-cuối… luôn có nhu cầu nội địa hóa sản phẩm, mở rộng chuỗi cung ứng, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu.

SFS 2021 thu hút 22 doanh nghiệp FDI và sản xuất công nghiệp đầu-cuối quen thuộc như: Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam, Techtronic Tools Việt Nam, Panasonic Việt Nam, BOSCH Việt Nam, Juki Việt Nam, Schindler Việt Nam, Nextern Việt Nam... Hội nghị còn có sự hiện diện của nhiều nhà mua hàng lớn khác đến từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản như: Rawlplug, Arevo Việt Nam, Mabuchi Motor Việt Nam, Automation and Electrification, Fujikura Fiber Optics Việt Nam... Ðây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung vừa trải qua đợt dịch Covid-19 khốc liệt.

Hoạt động chính của SFS 2021 là kết nối cung-cầu trực tiếp và trực tuyến giữa khoảng 100 nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng với các doanh nghiệp FDI và nhà nhà sản xuất công nghiệp đầu-cuối. Các doanh nghiệp mua hàng đã lập danh mục hơn 400 chi tiết, linh kiện, sản phẩm có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực như: Ðiện-điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền động, tự động hóa công nghiệp...

Theo thống kê của Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 230 cuộc kết nối trực tiếp và trực tuyến đã được đăng ký. Nhiều doanh nghiệp mua hàng cho rằng Việt Nam vẫn đang có lợi thế về giá thành gia công, nhưng các doanh nghiệp cần đáp ứng được yêu cầu đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, bảo đảm chất lượng và đáp ứng nhanh nhất đơn đặt hàng của đối tác...

Ðại diện Công ty cổ phần Cao-su Thái Dương cho biết, doanh nghiệp sản xuất, gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng và thiết kế của khách hàng. Bên cạnh số lượng nhỏ cung ứng cho các doanh nghiệp FDI, phần lớn sản phẩm từ cao-su của Thái Dương được xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Nga… Năm 2021, dù ảnh hưởng đại dịch Covid-19, chi phí sản xuất tăng nhiều, nhưng dự kiến doanh số của Thái Dương vẫn tăng khoảng 20% so với năm 2020.

Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác cũng có kết quả kinh doanh năm 2021 khá tốt và dự báo còn tiếp tục phát triển hiệu quả trong những năm tới. Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Duy Khanh, các đối tác mua hàng đang tăng dần sản lượng sản xuất tại Việt Nam; một đối tác chủ lực sẽ tăng sản lượng sản phẩm lên gấp ba lần so với trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2022. Vì vậy, Duy Khanh đang đẩy nhanh tiến độ xây lắp nhà máy sản xuất linh kiện cơ khí chính xác ở Khu công nghệ cao thành phố để đưa vào hoạt động trong quý IV/2022. Sản phẩm của nhà máy này chủ yếu được xuất khẩu tại chỗ, thay thế loại hàng mà lâu nay các đối tác phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…

Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí-Ðiện thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Ðỗ Phước Tống chia sẻ, dù đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn có triển vọng sáng sủa trong nhiều năm tới. Do vậy, để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tốt hơn nữa, chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan cần tạo đầu ra cho ngành công nghiệp hỗ trợ bằng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu-cuối sử dụng nguyên phụ liệu, linh kiện do doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước sản xuất. Có chính sách tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có dự án tốt.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bằng cách cải thiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học-công nghệ đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống quản lý để doanh nghiệp lấy được các chứng chỉ quốc tế như ISO/TS 16949, ISO 14001:2015; mở rộng các ngành đào tạo công nhân kỹ thuật để tăng cường nguồn nhân lực cho doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, chính quyền thành phố sẽ làm hết sức để công nghiệp hỗ trợ phát triển; các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ đều đã có nhưng quá trình triển khai thực hiện không đơn giản, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần gấp rút chuyển đổi từng bước quy trình sản xuất, dây chuyền công nghệ, nguồn nhân lực… để có thể thích ứng được với những yêu cầu, nhu cầu mới. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần quan tâm công tác đào tạo, thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao, lực lượng thiết kế và sáng tạo…

Chính quyền thành phố đã có nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, nhất là đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp cần vượt lên chính mình, "làm mới" mình liên tục, vì sản xuất, sản phẩm và công nghệ phát triển không ngừng. Có như vậy chúng ta mới có thể theo kịp được trình độ, nhịp độ phát triển của thế giới… ■

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM