Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Ðể hạn chế tình trạng "được mùa mất giá", nhiều đơn vị, sở, ngành tích cực phối hợp để từng bước đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử.

Ðại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ thực phẩm Vị Việt Ngon giới thiệu về các sản phẩm nông nghiệp của công ty với các đoàn viên, thanh niên.
Ðại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ thực phẩm Vị Việt Ngon giới thiệu về các sản phẩm nông nghiệp của công ty với các đoàn viên, thanh niên.

Vừa kiểm tra từng luống rau tại nông trại, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc, ông Lâm Tuấn Ngọc (thành phố Thủ Ðức) vừa cho biết: Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch Covid-19. "Ngoài việc cung cấp cho cửa hàng, một số hệ thống siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi còn bán hàng trực tuyến trên trang cá nhân. Hiện, chúng tôi muốn đưa hàng nông sản sạch lên kênh thương mại điện tử để tiếp cận được nhiều khách hàng, bán được nhiều hàng hơn. Khách hàng cũng có thêm một địa chỉ nông sản sạch uy tín để lựa chọn", ông Ngọc chia sẻ. Ðưa nông sản sạch lên sàn thương mại điện tử là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay. Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ thực phẩm Vị Việt Ngon Vũ Thị Ngân tâm sự: Công ty đã thành lập hơn một năm nay nhưng việc thương mại các sản phẩm vẫn chủ yếu thực hiện theo phương thức truyền thống. "Chúng tôi có các loại nấm, rau củ đang cung cấp cho nhiều cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, quán ăn tại thành phố Hồ Chí Minh. Ðể tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn, chúng tôi đẩy mạnh buôn bán đa kênh. Trong đó, kênh thương mại điện tử hiện nay rất hiệu quả nhưng công ty vẫn chưa có những cách tiếp cận, kết nối", bà Ngân cho biết. Tương tự, chủ doanh trại Thanh An Trần Quang Hiệp cũng mong muốn được hỗ trợ cách thức đưa sản phẩm là dưa lưới, nấm mối chuẩn VietGAP lên các "chợ điện tử".

Là doanh nghiệp thành công khi bán hàng qua kênh thương mại điện tử, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ DSW Trần Thị Yến Phi lưu ý: Nếu muốn chinh phục thị trường thế giới thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, trước hết phải tìm hiểu thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng tại quốc gia mà bạn đang muốn hướng tới. Bên cạnh đó, việc theo dõi tin tức của thị trường đang chinh phục, để nắm bắt các thông tin quy định về nông sản Việt Nam. Ngày 21/6 vừa qua, tại diễn đàn Kết nối cung-cầu sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử do Ðoàn khối Dân-Chính-Ðảng thành phố phối hợp với năm Huyện đoàn tổ chức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Xuân Hoàng cho biết: Hiện nay, khả năng sản xuất nông sản trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn. Chính vì thế, trong thời gian qua, thành phố đã triển khai ký kết và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 15 tỉnh, thành phố phía nam, triển khai nhiều hội chợ kết nối nông sản. Song song đó, việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử cũng là một trong những đầu ra mới cho sản phẩm, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. "Ðể hỗ trợ các chủ thể từng bước thương mại hóa sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp…; thời gian qua, thành phố đã triển khai ký kết, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn của ngành nông nghiệp với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn của 15 tỉnh, thành phố phía nam gồm Lâm Ðồng, Bình Thuận, Bình Dương, Ðồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Hậu Giang... Ngoài ra, Sở còn phối hợp các đơn vị tổ chức và duy trì các hội chợ, chợ phiên, kết nối tiêu thụ nông sản như chợ phiên nông sản an toàn hằng tuần, hội chợ triển lãm giống, hội chợ nông nghiệp công nghệ cao của thành phố", ông Hoàng nói.

Trước đó, Hội Nông dân thành phố và Bưu điện thành phố cũng đã ký kết chương trình đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn; với mục tiêu trong năm 2022, sẽ có hơn 6.600 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của thành phố đưa nông sản lên kênh thương mại điện tử này. Bưu điện và Hội Nông dân thành phố sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn để giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ, thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường. Các sản phẩm tham gia sàn giao dịch gồm: Sản phẩm an toàn, chất lượng, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố… Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Ðoàn Văn Thanh chia sẻ: Các cấp hội thường xuyên thăm hỏi, nắm tình hình sản xuất của các hộ nông dân. Những hình ảnh, thông tin sản phẩm của hội viên nông dân thường xuyên được đăng trên các trang mạng xã hội nhằm quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến người dân thành phố để mua sắm. Theo Bí thư Ðoàn Khối Dân-Chính-Ðảng thành phố Nguyễn Ðăng Khoa, với lợi thế về sức trẻ, nhiệt huyết và có chuyên môn, các đơn vị, cơ quan trong khối Dân-Chính-Ðảng đang nỗ lực kết nối, tổ chức tập huấn cho các nông dân để cùng họ sớm tiếp cận được với các phương thức sản xuất, thương mại hiện đại; qua đó gia tăng giá trị cho các sản phẩm. "Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện các khâu sản xuất, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh sản phẩm... là chìa khóa để ngành nông nghiệp thành phố tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp về đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản phù hợp với đặc điểm quy mô, cấp độ sản xuất, gắn với ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số vào các sàn giao dịch điện tử trong nước và quốc tế là nhu cầu cấp thiết trong hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp hiện nay", anh Khoa nhìn nhận ■