Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng miền nam

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Sài Gòn vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: "Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng miền nam (1945-1975), với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ 45 cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo trên cả nước.

Quang cảnh tại hội thảo khoa học quốc gia: "Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng miền nam (1945-1975)".
Quang cảnh tại hội thảo khoa học quốc gia: "Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng miền nam (1945-1975)".

Với 59 tham luận tham gia hội thảo tập trung vào ba chủ đề chính làm rõ vai trò cũng như những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Duẩn cho cách mạng miền nam. Đại diện Ban tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn cho biết: Hội thảo nhằm tôn vinh những đóng góp của đồng chí Lê Duẩn cho cuộc cách mạng miền nam; đồng thời tổng hợp nguồn thông tin mới thông qua các nghiên cứu gửi về, làm cơ sở bổ sung, cập nhật chương trình giảng dạy lịch sử cho thế hệ trẻ.

Các chủ đề của hội thảo gồm: "Đồng chí Lê Duẩn với cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ (1945-1954)" đề cập những nhân tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành, phát triển lý tưởng và con đường cách mạng của đồng chí Lê Duẩn; "Đồng chí Lê Duẩn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền nam Việt Nam (1954-1975)" gồm các tham luận tập trung làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến tình hình miền nam Việt Nam sau khi Hiệp định Genève được ký và quá trình hình thành đường lối đấu tranh vũ trang ở Nam Bộ thông qua việc chuyển hướng chỉ đạo kịp thời của đồng chí Lê Duẩn lúc bấy giờ; Chủ đề thứ ba mang tên "Đồng chí Lê Duẩn với văn hóa, giáo dục kháng chiến" với nhiều tham luận thể hiện rõ vai trò của Tổng Bí thư Lê Duẩn với công cuộc xây dựng nền văn hóa kháng chiến của nhân dân miền nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong phần tham luận của mình, Tiến sĩ Lê Thị Hiền Lương (Trưởng khoa Lý luận chính trị và Khoa học Xã hội nhân văn, Trường đại học An ninh nhân dân) nêu rõ: Sinh trưởng trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng đã sớm hun đúc ở người thanh niên Lê Duẩn lòng căm thù giặc ngoại xâm, lòng thương yêu đồng bào, khát khao mãnh liệt giải phóng quê hương, đất nước, để rồi từ đó ông lựa chọn và kiên định con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra, dẫn dắt.

Giai đoạn từ năm 1957-1960, những chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn đã tạo nên sự chuyển hướng phương thức đấu tranh ở các tỉnh nam Trung Bộ. Trong những năm tháng cam go đấu tranh yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đế quốc Mỹ thi hành Hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, đồng chí Lê Duẩn với cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ đã bám trụ, lăn lộn với phong trào khắp các tỉnh miền tây, miền đông, Sài Gòn - Chợ Lớn để đánh giá đúng âm mưu của địch cũng như nguyện vọng, khả năng và xu thế phát triển tất yếu của cách mạng miền nam.

Được sự giúp đỡ và cộng tác của nhiều đồng chí trong Xứ ủy Nam Bộ và Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, tháng 8/1956, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành việc biên soạn tài liệu Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền nam (gọi tắt là Đề cương cách mạng miền nam). Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Đình Lộc, Trường đại học Khánh Hòa "Bản Đề cương cách mạng miền nam của đồng chí Lê Duẩn đã tác động trực tiếp đến phong trào đấu tranh chống Mỹ-Diệm ở miền nam nói chung, các tỉnh nam Trung Bộ nói riêng, làm chuyển hướng phương thức đấu tranh của nhân dân, từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh chính trị kết hợp tự vệ vũ trang, chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang, cùng nhân dân tạo nên cao trào đồng khởi trên toàn miền nam vào năm 1960, tạo chuyển hướng chiến lược cách mạng quan trọng".

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị, Hồ Đại Nam nhìn nhận tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn đã tạo ra nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt. Trong cuộc tiến công chiến lược giải phóng Quảng Trị năm 1972, trên cương vị là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn cùng với Bộ Chính trị đã đưa ra những quyết sách, tư tưởng chỉ đạo nhạy bén, sáng suốt góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vang dội của quân và dân ta trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chiến thắng đó đã giáng đòn nặng nề vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", góp phần buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ký kết Hiệp định Paris vào đầu năm 1973, mở đường tiến tới thống nhất nước nhà vào mùa xuân năm 1975.

Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc ở miền nam, thời kỳ 1945-1975, quân và dân ta đã tiến công địch trên cả ba mặt trận; chính trị, quân sự và ngoại giao. Trong những thắng lợi trên mặt trận chính trị, lĩnh vực đấu tranh văn hóa đã được Trung ương Đảng quan tâm chỉ đạo kịp thời, trong đó có dấu ấn nổi bật của đồng chí Lê Duẩn.

Theo Tiến sĩ Đào Vĩnh Hợp, khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường đại học Sài Gòn, không chỉ xuyên suốt hai cuộc kháng chiến cam go mà sau khi đất nước thống nhất, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam hoàn toàn thắng lợi, đồng chí Lê Duẩn vẫn tiếp tục kiên trì với lĩnh vực đấu tranh trên mặt trận văn hóa chống lại tàn dư cũ. Tại diễn văn trong buổi lễ mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn tiếp tục kêu gọi: Đồng bào miền nam hãy đoàn kết phấn đấu xây dựng ở miền nam một chế độ dân tộc, dân chủ tốt đẹp, một nền kinh tế dân tộc, dân chủ phồn vinh, một nền văn hóa dân tộc, dân chủ tiến bộ và lành mạnh.

Thực hiện theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Tổng Bí thư Lê Duẩn, những năm sau đó, nhân dân miền nam đã hăng hái xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa mới, xây dựng một nền văn hóa dân tộc dân chủ, lành mạnh và tiến bộ, cơ bản xóa bỏ văn hóa nô dịch, ngoại lai mà chủ nghĩa thực dân đã gieo rắc suốt thời gian dài.