Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất

Trong thời gian TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội dài ngày, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Khi thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”, những DN này có cơ hội sớm phục hồi sản xuất như ban đầu, đáp ứng những đơn hàng cuối năm. Tuy nhiên, để khôi phục tăng trưởng, DN rất cần sự tiếp sức, hỗ trợ.

Công nhân Công ty cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu cao-su (Rubico) sản xuất gỗ nội thất xuất khẩu.
Công nhân Công ty cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu cao-su (Rubico) sản xuất gỗ nội thất xuất khẩu.

Từ đầu tháng 7 đến nay, Công ty TNHH Cơ Điện Samwa Tek (khu phố 4, phường Linh Đông, TP Thủ Đức) chuyên gia công cơ khí chính xác như chi tiết máy, chế tạo và lắp ráp các loại máy tự động trong sản xuất, vẫn duy trì phương án “ba tại chỗ” với hơn 80% lao động.

Vừa bàn giao hệ thống băng tải sấy tự động cho Công ty điện tử Foster Việt Nam, công ty đang triển khai làm hệ thống đan lưới tự động cho Công ty Jakop (Thụy Sĩ), bảo trì và cải tiến chi tiết cơ khí dây chuyền sản xuất nước uống tại các nhà máy của Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát tại Bình Dương, Hà Nam và Hậu Giang. Ông Trương Văn Túy, Giám đốc Công ty TNHH Cơ Điện Samwa Tek cho biết: Hiện nay, các DN đang thiếu công nhân nghiêm trọng nên có nhu cầu sử dụng thiết bị cải tiến kỹ thuật giúp nâng cao năng suất và giảm nhân công.

Để đáp ứng các đơn hàng của DN trong các lĩnh vực điện, điện tử, tự động hóa, thực phẩm, đồ uống, công ty phải tổ chức làm việc liên tục hai ca mỗi ngày, công nhân được bố trí làm việc và ăn, ở tại chỗ. Nhờ toàn bộ lao động đã được tiêm hai mũi vắc-xin nên công ty yên tâm tổ chức và mở rộng hoạt động trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Để triển khai công việc cuối năm, công ty đang tuyển dụng thêm 10-15 công nhân, kỹ sư. Trả lương trung bình 10 - 18 triệu đồng/người/tháng, công ty còn có thêm chính sách hỗ trợ một phần tiền thuê trọ, hỗ trợ túi an sinh cho người lao động.

Để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, giữ chân khách hàng, giữ công nhân lao động, Công ty cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu cao-su (RUBICO) có trụ sở tại phường Võ Thị Sáu, quận 3, thực hiện phương châm “ba tại chỗ” từ hơn ba tháng nay. Nhờ các đơn hàng đồ gỗ nội thất, đồ chơi cho thú cưng xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu đã được ký từ trước, 300 công nhân của công ty vẫn nỗ lực làm việc để kịp tiến độ giao hàng. Đại diện công ty cho biết, vượt qua khó khăn, công ty vẫn đảm bảo giữ được sản lượng và doanh thu cả năm 2021 như kế hoạch đã đề ra.

Ông Lê Tuấn Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty RUBICO, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến gỗ Đông Hòa (thành viên Công ty RUBICO) cho biết: “Công ty Chế biến gỗ Đông Hòa vừa xuất khẩu ba container đồ gỗ nội thất giả cổ đi Mỹ và Hồng Kông (Trung Quốc). Hiện, trung bình mỗi tháng, công ty xuất khẩu khoảng 25 - 30 container hàng hóa đi các nước. Công ty đã ký hợp đồng đến tháng 2/2022, nên nhiều khi công nhân phải làm tăng ca đến 19 giờ tối mới nghỉ. Mặc dù phương án “ba tại chỗ” gây nhiều khó khăn, chi phí đội lên, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực từng ngày để đạt và vượt các kế hoạch về sản lượng, doanh thu như đã đặt ra từ đầu năm”.

Nhiều DN vẫn duy trì được sản xuất và hứa hẹn sớm phục hồi tăng trưởng sau thời gian dài giãn cách xã hội là tín hiệu đáng mừng giúp TP Hồ Chí Minh khôi phục phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt dịch thứ 4, DN cần được hỗ trợ rất nhiều. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cho biết: Quá trình hồi phục sản xuất của DN gặp khá nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng bị “đứt gãy”, DN thiếu lao động và thiếu vốn nghiêm trọng.

Để khắc phục khó khăn, đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sớm ban hành hướng dẫn tạm thời “Thích ứng, linh hoạt với Covid-19” quy định về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình đặc thù của TP Hồ Chí Minh để DN có thể nhanh chóng sản xuất và phục hồi.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh với cộng đồng DN trên địa bàn thành phố theo hình thức trực tuyến ngày 2/10 vừa qua, Chủ tịch nước đánh giá các doanh nhân TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã rất nỗ lực, kiên cường. Chủ tịch nước cho rằng, các DN đang đứng trước cơ hội mới để phục hồi sản xuất, lấy lại đà phát triển. Tương lai còn nhiều thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện ở đoạn cuối đường hầm, những cơ hội kinh tế đã mở ra, không chỉ bù đắp lại những mất mát đã qua mà còn là cơ hội lớn để bứt phá trong thời gian tới.

Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước, chính quyền thành phố, trước hết là ngành tài chính, thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương đang và sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới dần giãn cách xã hội, hỗ trợ DN hồi phục kinh tế. Chủ tịch nước yêu cầu cần tăng cường phân cấp cho TP Hồ Chí Minh thực hiện các gói kích thích tài khóa để hỗ trợ DN trong khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ nhiều hơn nữa với những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt, tiếp tục chủ động giảm lãi suất, cần tái cơ cấu các khoản vay, tạo điều kiện cho DN, người dân.

TP Hồ Chí Minh và các địa phương cần đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, tuyệt đối không được tạo ra các giấy phép con làm phát sinh chi phí của DN. Trên cơ sở đề xuất của DN, Bộ Y tế nghiên cứu trao quyền tự chủ cho DN trong xét nghiệm và quản lý lao động. Đồng thời, cần tạo thuận lợi cho sự di chuyển hàng hóa, con người, từng bước khôi phục sản xuất; mở dần các đường bay thương mại, tạo điều kiện cho những người đã tiêm hai mũi vắc-xin, có xét nghiệm âm tính di chuyển trên các loại hình phương tiện vận tải, có giám sát y tế an toàn

Bài và ảnh: ANH TUẤN