Doanh nghiệp duy trì xuất khẩu hàng hóa

Hơn ba tháng, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo nhiều cấp độ khác nhau, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, nỗ lực vượt lên những khó khăn, nhiều DN vẫn duy trì mạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, đóng góp cho ổn định phát triển kinh tế của thành phố.

Bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Cát Lái (TP Thủ Đức).
Bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Cát Lái (TP Thủ Đức).

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều nhà máy phải dừng hoạt động cho nên trong chín tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 87,1% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này đã tác động đến tình hình xuất, nhập khẩu chung của thành phố. Trong bối cảnh đó, nhiều DN vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đi các nước.

Chủ động thích ứng để duy trì sản xuất

Công ty TNHH Bình khí Hong Vi Na là một trong những DN trong nước đi đầu trong xuất khẩu vỏ bình gas ra thị trường quốc tế. Để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu, từ ngày 14/7 đến 5/10, công ty thực hiện phương án “ba tại chỗ”, duy trì công suất 50% nhà máy. Khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách, công ty vẫn xuất khẩu trung bình mỗi tháng bốn công-ten-nơ bình gas đi các nước châu Phi, Nam Á. Nhờ sự hỗ trợ của UBND quận 6, Trung tâm Y tế phường 13 (quận 6), công ty đã thực hiện hiệu quả phương án sản xuất “ba tại chỗ” giúp giữ vững sản xuất, giữ chân người lao động, giữ được khách hàng. Đại diện công ty cho biết: “DN rất may mắn cầm cự và tồn tại qua đợt dịch vừa rồi. Chúng tôi rất kỳ vọng sẽ sớm hồi phục hoàn toàn 100% thị phần xuất khẩu từ đầu năm 2022”. Vừa trải qua gần ba tháng thực hiện sản xuất “ba tại chỗ”, từ đầu tháng 10, Công ty cổ phần Thể thao Ngôi Sao Geru bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới, tăng công nhân, tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu. Tổng Giám đốc công ty Trần Văn Hạnh cho biết: “Trong thời gian thực hiện giãn cách, công ty vẫn duy trì được 100% mạch giao hàng, trong đó xuất khẩu trung bình mỗi tháng hơn 100 nghìn sản phẩm bóng thể thao sang Mỹ, Nhật Bản. Chúng tôi đã tăng thêm công nhân, bố trí làm việc tăng ca cả ngày chủ nhật để nỗ lực trong quý IV sẽ tăng công suất hơn 20% so với quý III”.

Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) Lê Bích Loan cho biết: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, SHTP đã tập trung các giải pháp bảo vệ môi trường sản xuất cho các DN. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng SHTP vẫn cố gắng duy trì sản xuất, gia tăng xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào tình hình xuất khẩu chung của toàn thành phố. Tổng giá trị xuất khẩu chín tháng năm 2021 của SHTP đạt hơn 15 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2020. Để duy trì sản xuất, DN đã nhập khẩu nhiều nguyên liệu cho nên trong chín tháng năm 2021, giá trị nhập khẩu đạt hơn 14 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý IV, SHTP nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để giúp các DN phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu đạt chỉ tiêu đề ra”.

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, trong chín tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN thành phố xuất qua cảng thành phố (kể cả dầu thô) đạt 28,586 tỷ USD. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các DN thành phố với kim ngạch xuất khẩu trong chín tháng năm 2021 đạt hơn 6,6 tỷ USD, chiếm khoảng 23% tỷ trọng xuất khẩu. Kế tiếp là Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,6 tỷ USD; thị trường EU đạt 3,7 tỷ USD; Hồng Công (Trung Quốc) đạt gần 3 tỷ USD; Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD…

Hỗ trợ DN hoạt động xuất, nhập khẩu

Để hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu của DN trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp ban hành các kế hoạch, giải pháp phù hợp, thích ứng trong từng giai đoạn. Ngoài việc bố trí lực lượng làm việc, hỗ trợ trực tiếp tại các cửa khẩu, hai Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ thông quan hàng hóa đã được thành lập kịp thời. Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I Nguyễn Thanh Long cho biết: Để giải quyết các thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Chi cục đã thực hiện “ba tại chỗ”, bố trí nhân sự, tăng cường tiếp nhận và xử lý hồ sơ điện tử qua hệ thống để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Khi cần thiết, Chi cục cũng bố trí công chức làm việc ngoài giờ, làm việc cả ngày chủ nhật để giải quyết các lô hàng xuất khẩu đột xuất, DN cần giao hàng gấp. Trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, trung bình mỗi ngày, Chi cục Hải quan vẫn thực hiện 600 tờ khai xuất khẩu hàng hóa với kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 triệu USD. Lũy kế chín tháng năm 2021, Chi cục đã giải quyết hơn 154.300 tờ khai hàng xuất khẩu với kim ngạch 9,4 tỷ USD. Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn di chuyển bớt hàng hóa nhập khẩu về các ICD và chuyển hàng hóa tồn đọng quá hạn về cảng Tân Cảng Hiệp Phước. Nhờ đó đến nay, cảng không còn tình trạng ùn tắc quá mức ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa.

Theo nhận định của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, khi TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía nam nới lỏng giãn cách, dần mở cửa nền kinh tế, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu TP Hồ Chí Minh sẽ tăng dần lên. Do đó, ngoài việc bố trí tăng cường thêm lực lượng làm việc trực tiếp, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh duy trì triển khai tốt các nhiệm vụ của Tổ phản ứng nhanh, phối hợp các tổ chức, hiệp hội DN, cá nhân tiếp nhận và tổng hợp thông tin nhằm hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ thủ tục hải quan. Để tăng cường phối hợp tạo thuận lợi thương mại, chống ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam nâng cao tỷ lệ các tờ khai được thực hiện qua đại lý thủ tục hải quan. Song song đó, Hải quan thành phố thực hiện có hiệu quả và mở rộng đối tượng tham gia đề án tạo thuận lợi thương mại. Thống kê quý III/2021, Hải quan thành phố đã làm thủ tục cho hơn 800 lượt DN tham gia đề án, với hơn 8.200 tờ khai và hơn 14.200 công-ten-nơ hàng hóa xuất, nhập khẩu.