Doanh nghiệp dệt may chủ động thực hiện mục tiêu kép

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều doanh nghiệp (DN) ở nhiều ngành nghề gặp khó khăn về đơn hàng, đầu ra sản phẩm thì ngành dệt may lại có nhiều tín hiệu khởi sắc. Có thể nói, các DN dệt may ở TP Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh... 
 

Công ty Việt Thắng Jean luôn thực hiện nguyên tắc 5K trong quá trình sản xuất.
Công ty Việt Thắng Jean luôn thực hiện nguyên tắc 5K trong quá trình sản xuất.

Bày tỏ niềm vui khi có nhiều đơn hàng từ tháng 3/2021 đến nay, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (Công ty Dony) ở quận Tân Bình cho biết: "Lượng hàng tăng cao, không chỉ trong công ty mà ngay cả các đối tác cũng kín đơn hàng. Riêng các đơn hàng khẩu trang in logo DN để làm quà tặng và đồng phục nội địa tăng rất cao, gấp ba, bốn lần so với vài tháng trước. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là làm sao kịp hoàn thành đơn hàng đúng thời hạn đã cam kết, đồng thời bảo đảm an toàn cho công nhân sản xuất".

Công ty Dony đã chuyển phần lớn các phần việc sang trực tuyến. Toàn bộ khu vực bên trong và ngoài văn phòng, nhà máy thường xuyên được khử khuẩn; không tiếp khách để giảm khả năng lây nhiễm; chủ động xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho công nhân, người lao động (NLÐ)... "Chúng tôi xác định dịch có thể tái bùng phát nhiều lần và kéo dài nên không thể ngồi yên chờ đợi. Mình phải có phương án chủ động như làm nhà xưởng thông thoáng, lắp hệ thống bơm oxy tươi vào nơi làm việc; bố trí công nhân làm việc giãn ca, giãn cách. Ðồng thời, tích cực tìm giải pháp để mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh để đạt mục tiêu đề ra", ông Quang Anh chia sẻ.

Tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP Thủ Ðức), các xưởng đều bảo đảm sản xuất khoảng 20.000 sản phẩm/tuần để giao hàng cho khách ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Hơn 1.000 công nhân của công ty đã được tiêm vắc-xin. Ðại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, đang sửa lại nhà xưởng rộng hơn để phòng trường hợp bị phong tỏa, cách ly sẽ bố trí cho công nhân vừa làm việc, vừa ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ.

Trong khi đó, hơn 7.500 công nhân của Công ty cổ phần Dệt may - Ðầu tư thương mại Thành Công - TCM (quận Tân Phú) chia thành hai ca để sản xuất tại các nhà máy, thay vì chỉ có một ca như trước. Dù tốn thêm nhiều chi phí nhưng DN chấp nhận nhằm tuân thủ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ mà TP Hồ Chí Minh đang áp dụng...

Ghi nhận chung về tình hình sản xuất trong lĩnh vực may mặc, tính đến thời điểm này, đơn hàng khá dồi dào nhưng các DN lại thiếu hụt nguồn lao động. "DN chúng tôi hiện thiếu khoảng 50% số công nhân. Do đó, sản lượng mỗi ngày trước đây khoảng 15.000 sản phẩm, nay chỉ còn 6.000 đến 7.000 sản phẩm. Chúng tôi đã đàm phán với đối tác để được giao chậm đơn hàng", Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thanh Hoa Nguyễn Thị Mỹ Hằng (quận Bình Tân) chia sẻ.

Công ty cổ phần may Bình Minh (quận Bình Thạnh) cũng đã nhận đơn hàng đến hết quý III/2021 từ khách hàng ở Mỹ và châu Âu. Thực tế, DN chỉ dám nhận số đơn hàng bằng khoảng 70% so với năm 2019 để khi có tình huống xấu, có thể chuyển đơn hàng cho các nhà máy của công ty ở khu vực khác sản xuất. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Bình Minh, Võ Quốc Hào cho hay: "Trước khi nhận đơn hàng, chúng tôi tính toán chọn mặt hàng thuộc sở trường của DN mình. Thời hạn giao hàng phải giãn ra, thiếu lao động thì các dây chuyền khác đôn lên, khâu nào thiếu người, thiếu lao động thì luân chuyển người trong chuyền hoặc đưa người từ khối gián tiếp hỗ trợ khối sản xuất trực tiếp".

Phần đông các DN dệt may đều mong muốn được sớm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ NLÐ. Ðại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, DN thuộc Vinatex sẵn sàng chịu mọi chi phí để tiêm vắc-xin cho NLÐ của mình. Hiện, Vinatex có khoảng 150.000 lao động, để tiêm vắc-xin cho NLÐ, các DN của Vinatex cần dành ra nguồn kinh phí khoảng từ 100 đến
200 tỷ đồng...

Theo Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng, tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may thời gian qua là nhờ đơn hàng đến từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Trong sáu tháng đầu năm nay, các thị trường này phục hồi ở những sản phẩm phổ thông như quần tây, áo thun, sơ-mi; trong khi những mặt hàng thời trang, áo vest lại giảm. Ðây là điểm khác biệt về nhu cầu thị trường so với trước đại dịch. Một số thị trường cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam cũng đang đối mặt dịch bệnh, nhà máy của họ đóng cửa nên nhiều đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam. Ðến quý III năm nay, đơn hàng đã tương đối ổn định và một số DN đã ký đơn hàng cho quý IV/2021. Cuối tháng 5, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bắt đầu tác động đến hoạt động của các DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng các DN dệt may đã sớm có phương án hỗ trợ, chia sẻ đơn hàng để bảo đảm thời hạn giao hàng cho đối tác...